Tiếp nối mạch nguồn tranh dân gian
Có những dòng tranh dân gian đã thất truyền, hoặc đứng trước nguy cơ thất truyền, đang dần được hồi sinh bởi sự góp sức của những người “ngoại đạo”. Tuy không được thừa kế di sản kiến thức từ gia đình, dòng họ, nhưng việc được học hành một cách bài bản về mỹ thuật, được tiếp xúc với nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khiến những con người này có cái nhìn sâu sắc hơn về tranh dân gian Việt Nam. Điều đó là nền tảng cho những sáng tạo vừa có sự đổi mới, vừa có tính kế thừa.
Họa sĩ, nghệ nhân Nam Chi giới thiệu về tranh dân gian với học sinh. |
1. Họa sĩ, nghệ nhân Nam Chi đang hoàn thiện bức tranh Mẫu Thượng ngàn khổ lớn. Vị Thánh Đệ nhị của tín ngưỡng thờ Mẫu mặc áo giao lĩnh mầu lục, ngự trên sập oai nghiêm, hai bên là thị nữ đứng hầu. Bố cục, cách phối mầu, kỹ thuật vờn mầu… đậm “chất” tranh Hàng Trống. Nhưng bức tranh lại có nhiều chi tiết “lạ mà quen”. Trong tranh Hàng Trống “gốc”, Thánh Mẫu ngự trên chiếc sập “bào trơn, đóng bén” thì chiếc sập trong tranh Nam Chi có họa tiết cầu kỳ với đôi rồng chầu.
Tương tự là bức cửa võng. Trang phục các nhân vật trong tranh thờ Hàng Trống thường trang trí bằng các xoáy tròn. Nam Chi thay vào đó bằng những họa tiết cổ. Bức tranh trở nên sang trọng hơn khi nhiều hoạ tiết trên trang phục được dát vàng, vẽ bằng vàng. Đặc biệt, những họa tiết chữ “thọ” cài hoa văn vẽ bằng vàng thật nhìn như được thêu trên áo.
Họa sĩ Nam Chi cho biết: “Đây là thủ pháp tạo hình trong nhiều bức tranh của thế kỷ 18. Chữ thọ cài được dùng kỹ thuật vẽ vàng không liền mạch, khiến nét vẽ trông như những mũi thêu. Các họa tiết trên trang phục, hiện vật trong tranh Mẫu Thượng ngàn đều được lấy từ trang trí mỹ thuật thời Lê”.
26 tuổi, tốt nghiệp Khoa Đồ họa, Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp chưa lâu, họa sĩ Nam Chi (tên thật Nguyễn Văn Bắc), bây giờ được gọi là nghệ nhân Nam Chi, là tác giả của hàng trăm mẫu tranh Hàng Trống cũ và mới. Nghệ nhân trẻ luôn trong tình trạng bị “thúc” tiến độ làm tranh từ khách hàng. Tranh dân gian thường gắn với tên tuổi nghệ nhân của những làng nghề, phường nghề. Nam Chi là một trường hợp đặc biệt.
Nam Chi quê ở Hải Dương, mãi đến khi học đại học mới tiếp cận tranh dân gian. Học về tranh Hàng Trống, Nam Chi bị mê hoặc bởi cái độc đáo của dòng tranh và cả những yếu tố như “trong tiềm thức”. Bởi cậu nhớ lại hồi bé, có thời gian từng vẽ hàng chục lần bức tranh Phật bà của dòng tranh Hàng Trống được giới thiệu trong sách giáo khoa. Là sinh viên lên Hà Nội, tình cảnh của Nam Chi lúc đó là quan hệ không, kinh nghiệm không, tài chính cũng không, nghệ nhân làm tranh thì giữ bí quyết.
Thậm chí, anh chưa được biết về giấy dó, chưa biết loại mực dùng vẽ tranh. Tìm đến các bảo tàng, cậu sinh viên tự tập vẽ bằng mầu nước, trên bất cứ thứ giấy gì cậu vớ được. Cứ vẽ, rồi thất bại. Rồi lại vẽ…
Học chuyên ngành đồ họa, việc đi những “nét đen” (nét dùng ván in) trong tranh Hàng Trống với Nam Chi hết sức đơn giản, nhưng “vờn mầu” quả là một thử thách khó khăn. Kỹ thuật này đóng vai trò quyết định tạo nên đặc trưng tranh Hàng Trống. Cùng một mảng mầu, nhưng các sắc độ lại chuyển đổi hết sức mềm mại, linh hoạt, “mịn” đến mức không nhận ra nét vẽ.
Thử nghiệm đủ cách khác nhau vẫn thất bại. Mãi sau mới biết nghệ nhân tranh Hàng Trống chấm bút vào mực, sau đó lại chấm vào nước trước khi vờn. Nam Chi làm thử và vẫn… không đạt. Giữa các sắc độ của cùng một mầu vẫn có vết gợn. Chỉ riêng kỹ thuật vờn mầu, một người được đào tạo bài bản về mỹ thuật như Nam Chi phải mất sáu tháng chuyên tâm.
Nhưng thử thách chinh phục kỹ thuật làm tranh Hàng Trống vẫn chưa thấm đâu so với những “lời ra tiếng vào”. Không biết bao nhiêu lời dè bỉu của thiên hạ. Có những lời chê bai, mắng mỏ của cả những người có uy tín là làm sao đủ “tuổi” để làm tranh Hàng Trống. Lúc ấy Nam Chi mới là một sinh viên trẻ tuổi, nhưng đam mê, mong muốn chinh phục quá lớn nên cậu không bỏ cuộc.
Một ngày tình cờ năm 2018, có người thấy bức “Hương chủ” (bức tranh ban thờ gia tiên) Nam Chi đăng trên facebook đã chủ động đặt hàng. Khách hàng là người mê tranh dân gian và động viên chàng sinh viên tiếp tục con đường. Nhiều người tìm đặt tranh Hàng Trống của Nam Chi, dù biết rằng họa sĩ, nghệ nhân trẻ này đi lên bằng con đường tự học. Nam Chi biết rằng, tranh của mình đã được thị trường chấp nhận. Thành công đó tạo tiền đề cho việc sáng tạo sau này.
2. Cũng giống như Nam Chi, nghệ nhân Đào Đình Trung đã đi một hành trình “từ không đến có”. Tranh dân gian Kim Hoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) từng một thời hoàng kim. Năm 1915, đê Liên Mạc vỡ gây lụt lội lớn, nước ngập mênh mông, trắng xóa cả một vùng rộng lớn và đã cuốn trôi hầu hết ván in tranh của làng Kim Hoàng. Sau trận lụt lịch sử, tranh Kim Hoàng đã mai một dần, đến năm 1945 thì ngừng sản xuất hẳn.
Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa là người nhận ra vẻ đẹp của tranh Kim Hoàng. Chị đứng ra thành lập Dự án khôi phục tranh Kim Hoàng với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu về tranh dân gian. Kiến thức về tranh Kim Hoàng gần như là con số 0. Chị Nguyễn Thị Thu Hòa cùng cộng sự đã tốn rất nhiều công sức phục chế các ván khắc theo mẫu cổ, phục chế giấy theo đúng mầu đặc trưng (giấy dó nhuộm đỏ), phục chế các loại mầu tô tranh…
Chỉ riêng phục chế giấy, chị đã phải làm hàng chục mầu khác nhau, nghe các cụ cao niên nhận xét để chọn ra mầu giấy gần nhất với nguyên gốc. Đối với phục chế ván khắc, nhóm Dự án phải gõ cửa nhiều nghệ nhân ở các làng nghề khác nhau mới có thể ra được ván khắc đúng “chất” Kim Hoàng.
Khôi phục nghề, nhưng cần người giữ nghề. Nghệ nhân Đào Đình Trung sinh ra ở làng tranh Kim Hoàng, nhưng cũng như mọi người nơi đây, tất cả hiểu biết về tranh dân gian của anh chỉ nằm trong những câu chuyện truyền miệng. Khi biết được các chuyên gia có ý định khôi phục dòng tranh của làng mình, anh đã tham gia dự án. Với sự hỗ trợ của dự án, anh được tiếp cận, học hỏi từ những nhà nghiên cứu, những nghệ nhân của các dòng tranh khác nhau.
Nghệ nhân Đào Đình Trung là người trực tiếp tham gia khôi phục và tạo những mẫu tranh mới. Năm 2017, tranh Kim Hoàng đã đánh dấu sự trở lại thị trường bằng việc tham gia các cuộc triển lãm, các phiên chợ Tết.
Từ đó đến nay, những bức tranh nổi tiếng của Kim Hoàng như: Thần kê, Lợn độc, Tứ nghệ, Môn thần… đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Ngoài những mẫu cổ, nhóm dự án còn ra mắt nhiều mẫu tranh mới, với chủ đề được lấy cảm hứng từ mỹ thuật cổ truyền như mẫu: Nghê Việt (lấy mẫu từ đền Vua Đinh-Vua Lê tại Ninh Bình) hay các bức tạo mẫu mới theo họa tiết hoa văn trang trí ở đình làng Kim Hoàng là “Em bé bắn cung”, “Em bé cưỡi phượng” và “Đấu vật”. Ngoài ra, còn có một số mẫu của 12 con giáp.
Điều mà Chủ nhiệm Dự án khôi phục tranh Kim Hoàng Nguyễn Thị Thu Hòa phấn khởi nhất là nghệ nhân Đào Đình Trung bây giờ đã sống được bằng nghề làm tranh, không cần nhận hỗ trợ dự án. Không chỉ làm tranh để bán, anh còn tham gia nhiều cuộc triển lãm, giao lưu với các em học sinh để chia sẻ những nét đẹp của tranh Kim Hoàng.
3. Có những dòng tranh dân gian đã thất truyền, hoặc đứng trước nguy cơ thất truyền nhưng đang trở lại với cuộc sống nhờ những người tâm huyết như thế. Tuy không được thừa kế di sản kiến thức từ gia đình, dòng họ, nhưng việc được học hành một cách bài bản về mỹ thuật trong nước, mỹ thuật thế giới; việc được tiếp xúc với nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khiến những nghệ nhân “đi từ không đến có” lại có cái nhìn bao quát hơn, sâu sắc hơn về tranh dân gian Việt Nam trong tương quan với mỹ thuật các nước, và nhất là những yếu tố nào của tranh dân gian có thể phát huy trong đời sống đương đại. Điều đó là nền tảng cho những sáng tạo vừa có sự đổi mới, vừa có tính kế thừa.
Họa sĩ, nghệ nhân Nam Chi chia sẻ: “Nếu chỉ làm theo mẫu truyền thống, có nghĩa là chúng ta cứ “nhai lại” quá khứ. Bên cạnh việc khôi phục, việc sáng tạo là cần thiết. Nhưng sáng tạo thế nào để bảo đảm “chất” của từng dòng tranh, bảo đảm yếu tố truyền thống trong tranh luôn là điều thách thức không nhỏ. Để làm được điều này, bản thân nghệ nhân không chỉ bó hẹp trong những “mảng” tranh của mình mà cần phải có vốn liếng về mỹ thuật truyền thống”.
Từ một nhà sưu tập gốm sứ và tranh dân gian, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa trở thành người khôi phục tranh Kim Hoàng. Bây giờ, chị còn là một nhà nghiên cứu về tranh dân gian nói riêng, mỹ thuật cổ truyền nói chung. Chị là tác giả của các cuốn sách như: Dòng tranh dân gian Hàng Trống (NXB Thế giới, 2021), Tranh dân gian Huế (NXB Thế giới, 2021), Dòng tranh dân gian Kim Hoàng (NXB Thế giới, 2022), Tranh dân gian đồ thế Việt Nam (NXB Thế giới, 2022)… Gần 10 năm qua, chị được coi là người “nhóm lửa” khôi phục, phổ biến các dòng tranh dân gian đến công chúng.
Chị chia sẻ: “Những nghệ nhân ở các làng tranh, phường tranh có thể rất giỏi nghề truyền thống, nhưng nếu không có sự giao lưu, học hỏi, đổi mới tư duy thì rất dễ rơi vào sự bảo thủ về nghề nghiệp. Trong khi đó, xã hội luôn vận động, nghệ nhân làm nghề kiểu truyền thống chưa chắc đã theo được sự vận động này. Điều đó tất yếu dẫn đến hình thành một lớp nghệ nhân, họa sĩ-nghệ nhân vốn không thuộc diện “gia truyền”. Không phải mọi sáng tạo của họ đều có giá trị, nhưng thời gian sẽ chắt lọc dần dần. Chính họ sẽ góp sức viết tiếp câu chuyện của tranh dân gian”.
https://nhandan.vn/tiep-noi-mach-nguon-tranh-dan-gian-post741434.html
Ý kiến ()