Tiếp mạch hồn dân tộc cho thế hệ trẻ
Học sinh Trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn hát Quốc ca trong giờ chào cờ đầu tuần |
Khi trẻ thơ hát Quốc ca
Được dự buổi chào cờ đầu tuần của Trường Tiểu học Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn), chúng tôi không khỏi xúc động khi trong khuôn viên còn chật hẹp, hình ảnh đội danh dự trang nghiêm trên khán đài và bên dưới là nhịp đều lời hát “Đoàn quân Việt Nam đi…” của trên 1.400 giáo viên và học sinh. Cô giáo Mai Thị Doanh, giáo viên Chủ nhiệm lớp 3A4 tâm sự: Khi Quốc ca vang lên, em có cảm giác như dòng mạch ngầm của sự thiêng liêng, lòng tự hào tuôn chảy trong mỗi người.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, học sinh tiểu học được tiếp cận với bài Quốc ca bằng nhiều “kênh”. Cháu Nguyễn Thu Uyên, học sinh lớp 1A7 nói: “Cháu biết hát Quốc ca do… bà dạy”; cháu Hoàng Ngọc Hà, lớp 1A7 thì nói rằng cháu biết hát Quốc ca lúc ở lớp mẫu giáo 5 tuổi, do cô Chi, Cung Thiếu nhi dạy; còn cháu Hoàng Hương Trà, lớp 1A6 thì nói thật rằng “Cháu chưa biết hát bài này, giờ chào cờ cháu chỉ hát theo và thuộc được một ít…”. Cô giáo Vũ Thị Quyên, Hiệu trưởng nhà trường nói rằng: bao giờ cũng vậy, giờ chào cờ luôn được thực hiện nghiêm túc bằng một loạt các hoạt động như kiểm điểm những công việc của tuần qua, nhắc nhở những việc còn tồn tại; biểu dương người tốt việc tốt trong học tập và các hoạt động và cuối cùng là phổ biến nội dung công tác trong tuần… Vì vậy, hát Quốc ca còn mang ý nghĩa mỗi cá nhân tự nhìn lại mình về tinh thần trách nhiệm đối với nhà trường, rộng hơn là trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc. Tuy vậy, do học sinh còn nhỏ nên nhiều cháu chưa thuộc, hát chưa đều, chưa đúng nhạc… nhất là các cháu lớp 1, lớp 2.
Dạy hát Quốc ca – vấn đề rất được quan tâm
Quốc kỳ, Quốc hiệu và Quốc ca là “Quốc hồn, quốc túy” của dân tộc. Là công dân của một nước, không thể không biết, không thể không thuộc. Trường học- nơi không chỉ đào tạo ra những con người có tri thức, những người lao động có trình độ, mà trước hết, phải đào tạo những người biết tự hào về đất nước, có lòng tự trọng, tự tôn dân tộc. Vì vậy, Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả các cơ sở GD&ĐT hát Quốc ca trong giờ chào cờ đầu tuần, trong các sự kiện… Khuyến khích các cơ sở mầm non (MN) dạy bài hát Quốc ca là quyết định đúng đắn. Thực hiện Quyết định này, từ năm học 2014-2015, ngành GD&ĐT Lạng Sơn đã chỉ đạo tất cả các cơ sở GD&ĐT, các nhà trường thay hình thức mở đĩa ghi âm nhạc hoặc bài hát Quốc ca do các ca sĩ trình bày bằng hình thức hát tập thể, có thể hát trên nền nhạc ghi âm, hát trên nền nhạc do giáo viên nhạc thể hiện. Nhiều trường MN đã tiến hành dạy Quốc ca cho trẻ lớp 4 và 5 tuổi. Cô Lê Thanh Hà, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Chi Lăng cho biết: phòng GD&ĐT đã chỉ đạo tất cả các TrườngMN dạy Quốc ca cho trẻ; qua 2 năm thực hiện đã cho kết quả tốt. Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng trường MN1 xã Quang Lang (Chi Lăng) nói rằng, dạy trẻ hát Quốc ca không khó; trẻ MN rất thích ca hát, có những bài ca về trường, về bạn, về tình yêu thiên nhiên hoặc những con vật…, các cháu thể hiện rất tốt; không lẽ gì mà bài Quốc ca lại không thuộc và không biết hát. Vấn đề là ý thức của lãnh đạo nhà trường và sự chủ động của giáo viên âm nhạc.
Từ MN đến tiểu học, bài Quốc ca dần định hình trong học sinh; lên cấp học cao hơn, các em sẽ được phân tích, giảng giải ý nghĩa của bài Quốc ca trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, từ đó góp phần hình thành lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc. Cô Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Như đứa trẻ lần đầu tiên biết tiếng gọi mẹ, gọi cha, ông bà…, học sinh bước vào trường phổ thông là phải biết hát Quốc ca (biết hát là hát đúng lời, đúng nhạc). Vì vậy, cùng với việc chỉ đạo nâng cao hiệu quả các hoạt động trong nhà trường, ngành GD&ĐT rất quan tâm đến việc dạy bài hát Quốc ca và bước đầu đã có hiệu quả”.
Hát Quốc ca là tình cảm, trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc. Vì vậy, không chỉ là học sinh, mà phải là tất cả các công dân Việt Nam. Người lớn chúng ta cũng cần làm gương, trong các ngày lễ, các sự kiện… nên chăng cần thay đĩa nhạc, đĩa hát bằng việc hát tập thể những người tham dự.
Ý kiến ()