1
17
5025354
150
“Tiếp lửa” truyền thống múa sư tử mèo cho thế hệ trẻ - Báo Lạng Sơn
https://baolangson.vn/tiep-lua-truyen-thong-mua-su-tu-meo-cho-the-he-tre-5025354.html
longform
“Tiếp lửa” truyền thống múa sư tử mèo cho thế hệ trẻ

Cover

Với những điệu múa uyển chuyển, mạnh mẽ và mang đậm nét văn hóa truyền thống, múa sư tử của dân tộc Tày - Nùng ở Lạng Sơn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia năm 2017. Trong những năm qua, việc truyền dạy múa sư tử mèo cho thế hệ trẻ được các cấp, ngành liên quan, các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Qua đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy vốn di sản văn hóa quý báu này.

Tham dự Hội thi múa sư tử mèo dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn lần thứ II năm 2024 được tổ chức đầu tháng 10 vừa qua, khán giả như được hòa mình vào một không gian văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc.

Tiếng trống, thanh la rộn rã của âm nhạc múa sư tử mèo hòa cùng tiếng reo hò cổ vũ của khán giả tạo nên không khí riêng biệt không giống với bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác. Sự khác biệt của hội thi năm nay (so với lần đầu tiên tổ chức năm 2022) là sự tham gia của rất nhiều thành viên trẻ.

Các thành viên trẻ tham gia múa sư tử, sử dụng nhạc cụ, múa võ trong các tiết mục dự thi tại Hội thi múa sư tử mèo các dân tộc Tày - Nùng lần thứ II năm 2024

Là thành viên nhỏ tuổi nhất tham gia hội thi, em Nông Gia Bảo (7 tuổi), thôn Hợp Tân, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: Em tham gia đội múa sư tử của thôn từ lúc 5 tuổi. Được các ông, các bác, các chú hướng dẫn nên em thuộc nhiều bài múa và được chọn tham gia hội thi. Đây là lần đầu tiên em được biểu diễn trân sân khấu, "trong vai" một chú sư tử mèo con trình diễn các điệu múa và tham gia phần múa võ dân tộc. Em rất hào hứng và cố gắng phối hợp với các bác, các chú thực hiện thật tốt bài thi của đội mình.

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Qua tìm hiểu thông tin từ Ban Tổ chức giải, trong số gần 200 thí sinh đến từ 11 đội múa sư tử dự thi năm nay, có gần 100 thí sinh trong độ tuổi từ 7 đến 18 tuổi.

Không chỉ tại hội thi múa sư tử, những năm gần đây, loại hình nghệ thuật múa sư tử trên địa bàn tỉnh đang dần có sự chuyển tiếp mạnh mẽ từ thế hệ đi trước sang thế hệ kế cận. Nếu như trước đây di sản múa sư tử chủ yếu do lứa trung tuổi thực hành trình diễn trong cộng đồng thì hiện nay, ngày càng có nhiều thanh, thiếu niên, nhi đồng học và cùng tham gia múa.

Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản múa sư tử mèo, ngành văn hóa đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp như: nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, thu thập thông tin, tư liệu về di sản múa sư tử mèo; tạo không gian thực hành múa sư tử mèo tại các lễ hội, sự kiện văn hóa; tổ chức các sự kiện văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương…

"Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị múa sư tử dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021 - 2030” với những nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng khuyến khích, vận động các nghệ nhân quan tâm truyền dạy di sản múa sư tử mèo cho thế hệ trẻ"

Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh

Bên cạnh đó, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị múa sư tử dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021 - 2030” với những nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng khuyến khích, vận động các nghệ nhân quan tâm truyền dạy di sản múa sư tử mèo cho thế hệ trẻ.

Theo đó, từ năm 2021 đến nay, Sở VHTT&DL tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức 30 lớp truyền dạy múa sư tử, thu hút gần 200 học viên tham gia, trong đó có khoảng 40% các học viên thuộc độ tuổi thanh thiếu niên, thiếu nhi. Các lớp truyền dạy đã góp phần thúc đẩy, lan tỏa phong trào múa sư tử mèo trong cộng đồng các dân tộc Tày - Nùng trên địa bàn.

Tổng kết bế giảng lớp truyền dạy, phục dựng múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tại xã Hồng Phong, huyện Bình Gia

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 100 đội múa sư tử dân tộc Tày, Nùng với gần 1.000 thành viên (tăng 20% so với năm 2020). Trong đó, tính riêng từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh tăng thêm 10 đội, câu lạc bộ (CLB) múa sư tử mèo với các thành viên chủ yếu trong lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Tiêu biểu như các đội múa sư tử mèo: xã Hồng Phong, huyện Bình Gia; thôn Tồng Riềng, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc; xã Yên Phúc, huyện Văn Quan…

Bên cạnh việc phát triển phong trào, những năm qua, các đội múa sư tử thường xuyên tạo điều kiện cho các thành viên trẻ tham gia trình diễn. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm, các sư tử "con" lại được cùng tham gia múa khắp xóm làng.

Cùng đó, những năm gần đây, múa sư tử mèo luôn là phần trình diễn không thể thiếu tại các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh và tại nhiều lễ hội trên địa bàn. Tham gia các sự kiện, các đội, CLB múa sư tử thường xuyên lựa chọn một số thành viên trẻ cũng biểu diễn để tạo cơ hội duy trì tập luyện, giao lưu, học hỏi và kinh nghiệm trình diễn múa sư tử cho các thành viên trẻ. 

Theo số liệu chưa đầy đủ từ năm 2020 đến nay, đã có trên 1.000 lượt giao lưu, trình diễn, hội thi múa sư tử mèo được tổ chức trên địa bàn tỉnh. Trong đó nhiều màn trình diễn có sự tham gia của thanh thiếu niên, nhi đồng.

Trình diễn múa sư tử mèo có sự tham gia của các "sư tử nhỏ" tại một số lễ hội, sự kiện, lễ Tết trên địa bàn tỉnh

Về phía các xã có truyền thống múa sư tử mèo, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng định hướng, tạo điều kiện để duy trì, phát huy di sản. Ông Lý Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Yến, huyện Cao Lộc cho biết: Xã Hải Yến là một trong những nơi tiêu biểu trên địa bàn tỉnh được biết đến với bề dày truyền thống múa sư tử mèo. Nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản múa sư tử mèo, nhiều năm qua, chúng tôi luôn khuyến khích các thôn, nhà trường thành lập các CLB, đội múa sư tử trong học sinh. Hiện nay, trường THCS xã Hải Yến đã có đội múa sư tử mèo của học sinh.

Cùng đó, các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS trên địa bàn xã đều đưa việc giáo dục di sản văn hóa, đặc biệt là múa sư tử mèo vào các tiết học ngoại khóa. Tại phòng truyền thống của các trường đều dành một gian trưng bày tranh ảnh và đầu sư tử mèo.

Các hoạt động đã góp phần làm tăng hiểu biết, tạo tiền đề cho các em thêm yêu quý và mong muốn được tiếp nối di sản văn hóa múa sư tử mèo của dân tộc.

Thiếu niên, nhi đồng tham gia trình diễn múa sư tử mèo trong một số chương trình, hội thi

Song song với sự quan tâm của chính quyền và cơ quan chuyên môn, các nghệ nhân, các CLB múa sư tử cũng chủ động trong việc trao truyền giá trị văn hóa truyền thống này đến thế hệ trẻ.

Anh Linh Văn Chiến, Đội trưởng đội múa sư tử mèo xã Yên Phúc, huyện Văn Quan chia sẻ: Đội múa sư tử mèo của xã được thành lập từ năm 2018 với 8 thành viên. Nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hoá truyền thống múa sư tử cho thế hệ kế tiếp, từ tháng 5/2024, chúng tôi đã mở lớp truyền dạy múa sư tử mèo và kết nạp thêm 9 thành viên từ 11 - 12 tuổi. Hiện nay, vẫn có nhiều em có mong muốn được học và tham gia đội sư tử của xã.

Ảnh với chú thích

Một số thành viên trẻ của đội múa sư tử xã Yên Phúc, huyện Văn Quan

 Với sự chung tay, vào cuộc của các cấp, ngành cũng như các nghệ nhân, di sản văn hóa phi vật thể múa sư tử mèo trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng được thế hệ kế cận có niềm đam mê, có kiến thức, kỹ năng để bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa này. Từ đó, giúp cho múa sư tử mèo - nét văn hóa đặc trưng luôn giữ được sức sống trường tồn trong cộng đồng các dân tộc Tày - Nùng Xứ Lạng.

Thực hiện:
TUYẾT MAI - HOÀNG NHƯ