Tiếp lửa tinh thần doanh nhân
Song hành quá trình đổi mới, thế hệ doanh nhân đầu tiên đã viết nên kỳ tích thoát nghèo của đất nước.
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty cổ phần Sun Tech ở Cụm công nghiệp Thanh Vân, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh DANH LAM) |
Và hiện tại, lịch sử một lần nữa lại gọi tên lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân trong công cuộc kiến thiết một Việt Nam thịnh vượng vào năm 2045, nhất là khi đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng tới đà tăng trưởng nhanh của nền kinh tế Việt Nam và kéo lùi thành quả phát triển kinh tế toàn cầu.
Tròn một năm dỡ bỏ giãn cách xã hội để từng bước trở lại trạng thái bình thường mới, nền kinh tế Việt Nam đón nhận tin vui tổng sản phẩm kinh tế (GDP) quý III bật tăng 13,67%; đưa tăng trưởng GDP chín tháng tăng 8,83% so cùng kỳ, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay và trở thành điểm sáng tăng trưởng của khu vực và thế giới. Đây là chỉ dấu cho thấy kinh tế Việt Nam đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao.
Không chỉ màu hồng
Bất chấp khó khăn chưa từng có do tác động tiêu cực của dịch bệnh, kỷ lục về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vẫn được thiết lập, thể hiện nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời cho thấy trong khó khăn, nhiều cơ hội kinh doanh mới vẫn xuất hiện.
Đến nay, tuy chưa đạt mục tiêu một triệu doanh nghiệp, nhưng cả nước đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 124 doanh nghiệp và 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia. Đội ngũ làm kinh doanh lên đến bốn triệu doanh nhân, trong đó có bảy doanh nhân lọt vào tốp tỷ phú USD toàn cầu.
Nhưng, bức tranh doanh nghiệp không chỉ có màu hồng. Phân tích chuỗi số liệu nhiều năm cho thấy những vấn đề đáng lo về tình hình phát triển doanh nghiệp. Theo Báo cáo chuyên đề của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011-2020, trung bình mỗi năm có 103.529 doanh nghiệp thành lập mới nhưng có 76.140 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của doanh nghiệp sinh ra chỉ đạt 6,35% ít hơn của doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 7,29%. Tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng giảm ngay cả trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực cải thiện môi trường kinh doanh và kinh tế vĩ mô được giữ ổn định. Số doanh nghiệp phá sản tăng rất cao trong giai đoạn đầu năm 2010-2020 còn cho thấy chính sách chú ý đến phát triển số lượng doanh nghiệp hơn là chất lượng.
Số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động cao bất thường, không còn là sự “thanh lọc” mà đã vượt ra khỏi quy luật đào thải của thị trường
Các chuyên gia kinh tế nhận định, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động cao bất thường, không còn là sự “thanh lọc” mà đã vượt ra khỏi quy luật đào thải của thị trường, do đó, cần phải phân tích sâu để có giải pháp thích hợp trong công tác xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp thời gian tới.
Nếu tính toán đầy đủ số doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong báo cáo đăng ký kinh doanh, bức tranh tổng thể doanh nghiệp rõ ràng chưa hẳn đã tốt và nhìn vào bức tranh kinh tế thì phải nhìn vào doanh nghiệp vì đó là chủ thể chính của nền kinh tế. PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam nhận định: 70% số doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường với “tuổi thọ” trung bình chỉ khoảng 4-5 năm. Quá trình hoạt động đó gần như chưa có đóng góp gì, là một sự lãng phí nguồn lực rất lớn trong xã hội. 30% số doanh nghiệp trụ lại phải cần 30-40 năm mới vươn ra được thị trường thế giới vì xuất phát điểm thấp, quy mô vốn và lao động nhỏ.
Nỗi lo giảm động lực kinh doanh
Mối lo lớn hơn hiện tại là tinh thần kinh doanh. Sự chững lại của cải cách môi trường kinh doanh, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong các cơ quan quản lý và sự chồng chéo của quy định pháp luật đang làm giảm sút động lực của doanh nhân, doanh nghiệp. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 5 năm vừa qua, rất ít dự án, công trình mới của doanh nghiệp nhà nước được khởi công. Hầu như các doanh nghiệp chỉ thực hiện những dự án dở dang hoặc xử lý dự án tồn đọng từ giai đoạn trước.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung lo ngại môi trường kinh doanh đang xuất hiện những lực cản chưa từng có kể từ khi thực hiện Luật Doanh nghiệp 2000 đến nay. Trước đây, công việc của ngành nào ngành đó xử lý nhưng gần đây xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng “đùn đẩy trách nhiệm” vì công chức sợ sai, không muốn hoặc không dám thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ. Các bộ, ngành sẽ gửi công văn tham vấn ý kiến của tất cả cơ quan để quyết định theo cơ chế đồng thuận. Nhưng nhiều trường hợp chỉ nhận được nội dung trả lời chung chung, thời gian kéo dài vô thời hạn mà không đưa ra được quyết định cuối cùng.
Công trình xây dựng nhà ga hành khách Long Thành giai đoạn 1 cũng vướng vào tình trạng này. Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, so với hồ sơ thiết kế cơ sở được phê duyệt tại Quyết định số 1777/QĐ-TTg, hồ sơ thiết kế kỹ thuật được điều chỉnh một số nội dung: Phần thân nhà ga hành khách, chiều cao điều chỉnh tăng từ 45m lên 45,55m, diện tích mặt bằng sử dụng tăng từ 373 nghìn m2 lên 376 nghìn m2.
Việc điều chỉnh này là hết sức bình thường trong công tác xây dựng để phù hợp, hiệu quả hơn và bảo đảm không làm thay đổi phạm vi, công năng, quy mô của nhà ga. Thực tiễn triển khai hoạt động đầu tư xây dựng luôn xảy ra các tình huống, không dự án nào giống dự án nào nên mỗi khi nảy sinh vấn đề khó khăn, chúng tôi đều trăn trở tìm tòi, sáng tạo để dự án thông suốt. Lẽ ra điều này càng thôi thúc hơn ở dự án trọng điểm quốc gia nhưng tôi lại cảm nhận động lực đó đang kém đi”, ông Lại Xuân Thanh nói.
Những rào cản vô hình này cũng là nguyên nhân khiến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ triển khai chậm so yêu cầu, mới giải ngân hơn 61 nghìn tỷ đồng trong tổng quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung lo ngại hệ quả của sự sụt giảm động lực là không thể đo đếm khi năng lực sản xuất, tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn của nền kinh tế có thể bị suy giảm.
Nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân phụng sự
Tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân Việt rất mạnh mẽ, nhưng còn thiếu những điều kiện để nuôi dưỡng, thúc đẩy các ý tưởng và phát triển ra thị trường. Điều đó lý giải vì sao doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn khó trở thành kỳ lân trong khi sự chuyển mình của doanh nghiệp từ quy mô siêu nhỏ lên quy mô vừa cần thời gian quá dài, thậm chí doanh nghiệp không lớn lên được, hoặc không muốn lớn. Vấn đề này cần được đặt ra khi nhìn vào chặng đường phát triển sắp tới của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cho thấy, thời điểm khó khăn nhất cũng là lúc những doanh nghiệp tỷ USD như Vietjet, TH True Milk khởi nghiệp, hay Vingroup, Thaco có bước đi mới để vươn mình.
Đó là những năm đầu của giai đoạn 2010-2020, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đầy bất ổn trong vòng xoáy suy thoái kinh tế toàn cầu, cộng thêm những khó khăn nội tại chưa được giải quyết. Điểm tương đồng khi nhiệm vụ xây dựng và phát triển lực lượng doanh nhân Việt Nam như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng là thời điểm có tính chất lịch sử, khi cộng đồng doanh nghiệp vừa bước ra khỏi đại dịch Covid-19. Sẽ là một thế hệ doanh nghiệp kế tiếp được sinh ra trong giai đoạn khó khăn đặc biệt này, gồm những con sếu đầu đàn đã trưởng thành cùng đội ngũ doanh nhân mới khởi nghiệp từ sự đam mê, ý chí, khát vọng mang tầm thời đại.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam gọi đây là thế hệ doanh nhân phụng sự, những người đặt lợi ích của dân tộc, của quốc gia lên trên hết, như cách họ sẻ chia đầy trách nhiệm với xã hội, với đất nước trong đại dịch và nỗi đau đáu về các mô hình phát triển, về tái cấu trúc, về mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế.
“Quan trọng nhất lúc này là động viên và giữ được tinh thần kinh doanh bằng thông điệp thiết lập lại một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước có động lực phát triển, doanh nghiệp tư nhân yên tâm làm ăn và truyền cho người kế nghiệp. Tôi tin rằng nếu đi đến tận cùng của sự nỗ lực, quyết tâm và cách làm sáng tạo, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu như cách Chính phủ đã nhanh chóng tìm được nguồn vắc-xin trong đại dịch Covid-19”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI kỳ vọng.
Quan trọng nhất lúc này là động viên và giữ được tinh thần kinh doanh bằng thông điệp thiết lập lại một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch
Mong mỏi của Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung là Chính phủ cấp bách tìm lại động lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh để phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, trong đó có vấn đề “hóa giải nỗi sợ” làm sai của công chức nhà nước cũng như trong chính đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp.
Việt Nam đã trải qua một thời kỳ khốc liệt với cả nền kinh tế và các doanh nghiệp. Chính những lúc chùng xuống là lúc cần nạp thêm năng lượng mới cho giai đoạn bùng nổ tiếp sau để bù lại thời gian đã bị đại dịch Covid-19 kéo lùi sự phát triển. Từ phía doanh nghiệp, nguồn năng lượng mới đến từ ý chí vượt lên khó khăn, đổi mới sáng tạo, chấp nhận mạo hiểm để theo đuổi mục tiêu đến cùng; từ phía Chính phủ là quyết tâm thực hiện cam kết đồng hành, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ý kiến ()