Tiếp cận và khai thác thị trường nông thôn
Với hơn 70% dân số nước ta sống ở nông thôn, tiềm năng của thị trường nông thôn Việt Nam là rất lớn. Khác với thị trường thành thị, thị trường nông thôn có những đặc điểm riêng, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải nghiên cứu kỹ để tìm ra những hướng tiếp cận và khai thác thị trường này.Không dễ khai thác thị trường nông thônKhông phải DN nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận và khai thác thành công thị trường nông thôn, mặc dù thị trường này còn rất nhiều tiềm năng. Đây là nhận xét của phần lớn các DN sau khi tham gia các phiên chợ Hàng Việt về nông thôn. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thực phẩm Hà Nội Lê Thanh Thủy cho biết, khó khăn lớn nhất của DN khi tiếp cận thị trường nông thôn chính là việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân nơi đây. Hiện nay, tại thị trường này, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu tràn ngập, trong khi người tiêu dùng lại không có khả năng phân biệt được chất lượng và xuất xứ của hàng...
Không dễ khai thác thị trường nông thôn
Không phải DN nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận và khai thác thành công thị trường nông thôn, mặc dù thị trường này còn rất nhiều tiềm năng. Đây là nhận xét của phần lớn các DN sau khi tham gia các phiên chợ Hàng Việt về nông thôn. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thực phẩm Hà Nội Lê Thanh Thủy cho biết, khó khăn lớn nhất của DN khi tiếp cận thị trường nông thôn chính là việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân nơi đây. Hiện nay, tại thị trường này, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu tràn ngập, trong khi người tiêu dùng lại không có khả năng phân biệt được chất lượng và xuất xứ của hàng hóa.
Cũng cần thừa nhận một thực tế là không ít người dân nông thôn muốn sử dụng hàng Việt nhưng DN lại chưa có đại lý phân phối tại thị trường này nên người dân phải chấp nhận dùng hàng ngoại, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc Lê Thanh Thủy, để xây dựng được hệ thống phân phối về nông thôn đòi hỏi chi phí lớn. Chỉ riêng các chuyến bán hàng về nông thôn, chi phí vận chuyển hàng hóa tới các xã gần trung tâm thành phố, công ty đã mất 3 triệu đồng (chưa tính các xã vùng sâu, vùng xa), rồi chi phí lắp đặt gian hàng khoảng 5,5 triệu đồng… Doanh thu mỗi chuyến bán hàng về nông thôn phải đạt từ 150 đến 170 triệu đồng thì DN mới có thể hòa vốn, nếu dưới mức này, coi như lỗ. Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thực phẩm Hà Nội đã tổ chức được bốn phiên chợ Hàng Việt về nông thôn, doanh thu trung bình mỗi phiên đạt hơn 100 triệu đồng/phiên. Phó Tổng Giám đốc Lê Thanh Thủy chia sẻ, công ty trước mắt không kỳ vọng tìm kiếm lợi nhuận tại thị trường này mà chỉ mong muốn các phiên chợ Hàng Việt về nông thôn do công ty tổ chức sẽ góp phần định hướng người dân nông thôn thói quen tiêu dùng hàng Việt – hàng có chất lượng và nguồn gốc rõ ràng.
Không chỉ do chi phí đầu tư lớn, nhiều DN còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng bán hàng tại khu vực nông thôn. Hiện nay, các chuyến bán hàng về nông thôn của các DN phần lớn đều được chính quyền địa phương hỗ trợ về mặt bằng, bảo vệ an ninh. Song, để DN một mình xoay xở tìm kiếm thì không hề dễ, chưa kể DN không nhận được sự ủng hộ của các hộ kinh doanh tại đây vì lo ngại mất thị phần.
Tiếp cận thị trường nông thôn như thế nào?
Bằng kinh nghiệm tổ chức các phiên chợ Hàng Việt về nông thôn, Phó Tổng Giám đốc Lê Thanh Thủy cho rằng, DN có thể tiếp cận thị trường nông thôn bằng những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm chế biến (nước mắm, mì chính, dầu ăn…), hóa mỹ phẩm (dầu gội đầu, nước rửa bát, bột giặt…), đồ gia dụng… Mỗi phiên chợ của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thực phẩm Hà Nội đều có hơn 2.000 mặt hàng nhưng doanh thu các mặt hàng thiết yếu chiếm tới 70% tổng doanh thu. Đặc biệt cần chú ý tới những sản phẩm mà thị trường nông thôn chưa có, chẳng hạn như thực phẩm chế biến sẵn. Bên cạnh chất lượng sản phẩm phải bảo đảm, thì một trong những yếu tố quan trọng để thu hút người dân nông thôn là giá cả phải bình dân.
Song, theo Phó Trưởng phòng Công thương huyện Thạch Thất (Hà Nội) Đỗ Đăng Hùng, với mức sống của người dân khu vực nông thôn đang ngày càng được cải thiện thì yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng ngày càng tăng lên. Tại các phiên chợ bán hàng Việt về nông thôn, mặc dù giá các sản phẩm cao hơn bên ngoài, nhưng nhiều người dân vẫn chọn mua sản phẩm tại đây bởi chất lượng tốt hơn. Do đó, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn chính là cơ hội để người dân nơi đây tiếp cận hàng có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, DN cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nhằm nâng cao nhận thức của người dân, không 'ham' giá rẻ mà mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Tại thị trường nông thôn hiện nay, phần lớn người dân vẫn chủ yếu gắn bó với các loại hình chợ truyền thống. Mặc dù vậy, Phó Tổng Giám đốc Lê Thanh Thủy nhận xét, hiện một bộ phận người dân nông thôn với thu nhập khá có nhu cầu được lựa chọn các sản phẩm đa dạng. Vì vậy, qua các phiên chợ, công ty của ông cũng muốn người tiêu dùng làm quen dần với mô hình bán hàng tự chọn. Trên cơ sở đó, công ty tìm kiếm các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu hợp tác mở các điểm bán hàng tự chọn tại nông thôn. Công ty sẽ cung cấp sản phẩm theo phương thức thanh toán trả chậm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()