Tiếp cận tự do tín ngưỡng trong công tác dân tộc
Thực hiện quan điểm của Đảng ta về công tác dân tộc, trong nhiều năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, các địa phương đã ban hành nhiều cơ chế triển khai. Chính vì vậy, công tác dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc, miền núi nói riêng đã có nhiều thay đổi. Công tác xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số thu được nhiều kết quả tích cực; văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh trật tự vùng dân tộc ổn định và được giữ vững; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực của vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên; đời sống tín ngưỡng có nhiều thay đổi; bản sắc văn hóa truyền thống tiếp tục là nguồn lực quan trọng trong đời sống của người dân tộc thiểu số.
Nghi lễ cấp sắc 12 đèn của đồng bào dân tộc Dao tại xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh Đăng Anh) |
Để có được những kết quả, thành tựu trên là do trong rất nhiều năm, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách cho hạ tầng, y tế, giáo dục đào tạo…
Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia kể từ sau đổi mới đến nay như Chương trình 135 (giai đoạn 1-2); Chương trình 661 tập trung vào trồng rừng phủ xanh, tạo sinh kế cho nhân dân; Chương trình 134, Chương trình 667 ưu tiên giải quyết đất ở đất sản xuất; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… Nhiều dân tộc thiểu số đặc thù có các nghị quyết, kết luận triển khai thực sự tạo điều kiện tiếp cận toàn diện trong phát triển.
Nhìn chung, công tác dân tộc với các chủ trương, chính sách phù hợp đã thật sự tạo diện mạo mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt. Trong đó quan trọng nhất là quyền bình đẳng giữa các dân tộc được bảo đảm.
Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới đã khẳng định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó cũng nêu ra một số những khuyết điểm, hạn chế đó là so với sự phát triển chung của cả nước và từng địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế-xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu-nghèo có xu hướng gia tăng. Hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chậm được khắc phục; còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân như nhận thức chưa đầy đủ về công tác dân tộc, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo; chính sách, pháp luật được ban hành chủ yếu là hỗ trợ, chưa ưu tiên tập trung đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chưa chú trọng đúng mức phát huy tiềm năng, lợi thế, văn hóa của từng vùng, từng dân tộc; chưa thúc đẩy việc kết nối giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với vùng phát triển…
Để thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025.
Trong chương trình mục tiêu quốc gia đã đề cập toàn diện các mặt của đời sống xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ kinh tế-xã hội; hạ tầng; phát triển tiềm năng, lợi thế của vùng; công tác bảo tồn bản sắc văn hóa, bài trừ hủ tục lạc hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đồng bộ với giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức, công tác quản lý nhà nước…
Trong thực tế một năm qua, để triển khai phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các cơ quan ban, bộ, ngành trung ương, các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện, bước đầu cho thấy công tác phối hợp giữa các cơ quan Trung ương có chuyển biến, các địa phương ngoài việc tích cực triển khai nghị quyết của Trung ương đã chủ động ban hành cơ chế chính sách của địa phương hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong chiến lược này đã nêu ra 5 nhóm giải pháp để thực hiện như: Nâng cao nhận thức về công tác dân tộc; bảo đảm nguồn lực thực hiện; đổi mới xây dựng chính sách; kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc; xây dựng các đề án triển khai chương trình, chính sách thực hiện chiến lược công tác dân tộc. Có thể nói, quan điểm, mục tiêu, chính sách về công tác dân tộc hiện nay đã có nhiều điểm mới như tích hợp các chính sách, gắn kết nguồn lực, phối hợp triển khai…
Tuy nhiên, để cụ thể hóa chiến lược công tác dân tộc trong tình hình hiện nay cần có nhận thức mới về công tác dân tộc, về dân tộc thiểu số để thực hiện quan điểm chuyển từ hỗ trợ sang đầu tư phát triển, cần phải có cơ chế chính sách và việc xác định vị trí, vai trò, sự đóng góp trong công tác dân tộc, vai trò và trách nhiệm, bổn phận của dân tộc thiểu số, tiềm năng, lợi thế trong người dân tộc thiểu số, yếu tố dân tộc thiểu số trong phát triển và hội nhập của đất nước.
Trong cách đặt vấn đề về công tác dân tộc hiện nay cần thấy rằng ngoài những tiến bộ, tích cực, sự đổi thay hòa cùng nhịp phát triển đất nước thì một số mặt trong đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhưng thay đổi sâu sắc cần được đánh giá như những kết quả và những vấn đề còn tồn tại để tiếp tục có những giải pháp thực hiện quan điểm, chủ trương về công tác dân tộc tốt hơn.
Bên cạnh đó cũng cần phải thấy rằng việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, mà ở đây là tín ngưỡng truyền thống, nhu cầu thực hành các nghi lễ có trong phong tục, tập quán hằng ngày của người dân tộc thiểu số là một trong những nội dung cần nghiên cứu và có giải pháp tiếp tục lãnh đạo đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống, đúng quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
Làm thế nào để người dân vừa lưu giữ được bản sắc văn hóa trong đó có tín ngưỡng truyền thống, hay nói cách khác làm thế nào để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng truyền thống vừa xóa bỏ được hủ tục cần một nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc hơn của các cấp, các ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chiến lược công tác dân tộc.
Thậm chí cần có quan điểm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, có đạo nhưng vẫn phải lưu giữ được, bảo tồn được bản sắc văn hóa truyền thống, không được từ bỏ yếu tố văn hóa có từ lâu đời trong đồng bào dân tộc thiểu số là việc cần làm hiện nay, nhất là đứng trước nguy cơ hiện hữu sự mai một bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, công tác dân tộc hiện nay cũng đặt ra một số vấn đề khác cần có nhận thức về công tác dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong chiến lược phát triển quốc gia, đó không chỉ là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh, quốc phòng mà còn là nguồn nội sinh trong phát triển, hay nói cách khác dân tộc thiểu số Việt Nam phải trở thành động lực tạo ra sự khác biệt trong hội nhập và phát triển.
Chính vì vậy, các tiêu chí về dân tộc thiểu số, tiêu chí cho phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng cần phải có cách tiếp cận mới để xây dựng nguồn lực này trong thời gian tới.
Nguồn:https://nhandan.vn/tiep-can-tu-do-tin-nguong-trong-cong-tac-dan-toc-post744994.html
Ý kiến ()