LSO-Đó là chủ đề của Ngày Dân số thế giới năm 2012. Chủ đề này nhằm tăng cường các cam kết hướng tới tiếp cận, phổ cập các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS); ghi nhận những đóng góp của các cơ quan, cá nhân trong việc cung cấp thông tin và cung ứng các dịch vụ. Khám sức khỏe cho phụ nữ mang thai tại Trung tâm CSSK sinh sản tỉnh - Ảnh: Thúy HườngMục tiêu 5b của các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là “Đạt được tiếp cận phổ cập tới SKSS vào năm 2015”. Nội dung bao gồm KHHGĐ tự nguyện, hỗ trợ sinh nở và dự phòng các nhiễm khuẩn qua đường tình dục, bao gồm cả HIV. Tính đến cuối năm 2011, Lạng Sơn có 172.715 hộ gia đình với 744.527 nhân khẩu; số phụ nữ từ 15- 49 tuổi là 200.963 người, trong đó số phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng là 143.197 người. Qua nhiều năm thực hiện vận động và đưa các dịch vụ KHHGĐ đến các đối tượng, đến nay tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện...
LSO-Đó là chủ đề của Ngày Dân số thế giới năm 2012. Chủ đề này nhằm tăng cường các cam kết hướng tới tiếp cận, phổ cập các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS); ghi nhận những đóng góp của các cơ quan, cá nhân trong việc cung cấp thông tin và cung ứng các dịch vụ.
Khám sức khỏe cho phụ nữ mang thai tại Trung tâm CSSK sinh sản tỉnh – Ảnh: Thúy Hường
Mục tiêu 5b của các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là “Đạt được tiếp cận phổ cập tới SKSS vào năm 2015”. Nội dung bao gồm KHHGĐ tự nguyện, hỗ trợ sinh nở và dự phòng các nhiễm khuẩn qua đường tình dục, bao gồm cả HIV. Tính đến cuối năm 2011, Lạng Sơn có 172.715 hộ gia đình với 744.527 nhân khẩu; số phụ nữ từ 15- 49 tuổi là 200.963 người, trong đó số phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng là 143.197 người. Qua nhiều năm thực hiện vận động và đưa các dịch vụ KHHGĐ đến các đối tượng, đến nay tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) đã đạt 83%, trong đó có 75% áp dụng các BPTT hiện đại. Sau 15 năm (1996-2011), số con trung bình của một phụ nữ đã giảm từ 3,8 con xuống còn 1,84 con; mô hình gia đình ít con, hạnh phúc đã được đa số người dân chấp nhận.
Từ kết quả của giảm tỷ lệ sinh, Lạng Sơn tiến hành công tác nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Từ năm 2000 đến nay, tỉnh ta đã thực hiện 5 đợt chiến dịch “Tăng cường dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng khó khăn, vùng đông dân có mức sinh cao, vùng có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao”. Trong hơn 10 năm, trên 800.000 lượt đối tượng ở trên 1.700 lượt xã phường, thị trấn đã được hưởng lợi từ chiến dịch. Riêng năm 2011 đã thực hiện tại 112 xã, tiếp cận trên 68 ngàn đối tượng phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng. Ngoài việc thực hiện gói dịch vụ KHHGĐ, gói dịch vụ chống viêm nhiễm đường sinh dục đã có trên 18.500 phụ nữ được thụ hưởng. Kết quả này mang ý nghĩa lớn trong dự phòng nhiễm khuẩn qua đường tình dục vì mục tiêu của các chiến dịch là không chỉ khám, chữa trị trực tiếp, mà quan trọng hơn là tư vấn để trang bị cho chị em những kiến thức cần thiết về vệ sinh thân thể, vệ sinh tình dục, tình dục an toàn, chống viêm nhiễm đường sinh sản. Tiếp cận, phổ cập các dịch vụ chăm sóc SKSS mang tính xã hội rộng lớn, vì vậy, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân có vai trò quan trọng. Nắm vững vấn đề này, Chi cục dân số tỉnh đã chỉ đạo các địa phương duy trì phối hợp với các ngành, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB, Đoàn thanh niên để tổ chức và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) như CLB không sinh con thứ 3, CLB Gia đình trẻ…; đến các trường THPT, chuyên nghiệp để tuyên truyền là cách thức mới mà ngành dân số đã thực hiện. Từ năm 2005 đến nay, cán bộ các Trung tâm dân số đã phối hợp với các nhà trường tổ chức trên 10.000 lượt tuyên truyền về dân số/KHHGĐ, trong đó có 780 lần tuyên truyền về giới, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thu hút trên 250.000 lượt thanh niên học sinh sinh viên tham gia. Sản xuất và nhân bản 450 băng video, 450 băng catset (trong đó có 110 băng được dịch ra tiếng Tày, Nùng. Triển khai mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2011-2015” và mô hình “Khám sức khỏe tiền hôn nhân giai đoạn 2011-2015”, chương trình sàng lọc HIV ở bà mẹ mang thai… đã tăng cường thêm một bước “an ninh sinh sản”tại địa phương. Nâng cao chất lượng y tế cơ sở, tăng cường y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh cho trạm y tế xã, kiện toàn mạng lưới cộng tác viên (CTV) dân số tại các thôn bản đã tạo cơ hội cho phụ nữ chủ động trong sinh đẻ và đảm bảo an toàn khi mang thai và sinh đẻ. Công tác tiêm chủng được triển khai rộng rãi, tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm đủ AT2 năm 2011 đạt 98% kế hoạch, tăng 5,4% so với năm 2010. Các trạm y tế xã đều quan tâm về công tác truyền thông giáo dục SKSS, khám và điều trị phụ khoa; các bà mẹ mang thai đều được quản lý thai nghén tại các cơ sở y tế, được tư vấn trước khi sinh và lựa chọn cơ sở sinh con đảm bảo an toàn, phù hợp. Hầu như tất cả các xã đều có bảng theo dõi tình hình bà mẹ mang thai, các cộng tác viên với lợi thế bám nắm địa bàn đã vận động và nhắc nhở phụ nữ đi khám thai đúng kỳ. Vì vậy, tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai 3 lần/ 3 kỳ đã đạt 75%, tỷ lệ phụ nữ đẻ có cán bộ y tế hoặc bà đỡ dân gian đã qua đào tạo, tập huấn đỡ đạt 99%, trong đó đẻ tại cơ sở y tế đã đạt 95,6%. Do chủ động trong thực hiện KHHGĐ, tự quyết định về số con và khoảng cách giữa các lần sinh, do được khám thai đều kỳ để biết và theo dõi sức khỏe thai nhi và khi đẻ có sự giúp đỡ của y tế, nên tỷ lệ chết sơ sinh và tử vong mẹ giảm nhanh. Sức khỏe trẻ em được bảo vệ tốt hơn nhờ tiêm chủng mở rộng thực hiện đều đặn và đúng lịch.
Trong nửa thế kỷ qua, cùng với cả nước, Lạng Sơn đã đạt được sự tiếp cận phổ cập SKSS như tỷ lệ áp dụng các BPTT đã đạt 85%, tỷ lệ sinh ở lứa tuổi vị thành niên, nạo phá thai ngoài ý muốn có chiều hướng giảm, độ bao phủ chăm sóc thai nghén đã đạt 100% vùng lãnh thổ và trên 75% đối tượng. Tuy vậy, chúng ta vẫn chưa đạt tới phổ cập các dịch vụ như dịch vụ cung cấp thông tin, tư vấn, chăm sóc y tế thân thiện với đối tượng thanh niên; sự tiếp cận với dịch vụ trong đối tượng phụ nữ nông thôn còn thấp, dịch vụ cấp cứu và chăm sóc SKSS còn hạn chế. Hưởng ứng ngày Dân số thế giới năm 2012, ngành dân số mong tiếp tục được sự chỉ đạo của Sở Y tế để triển khai tốt hơn các dịch vụ chăm sóc SKSS đến với người dân; nỗ lực đạt được tiếp cận phổ cập tới SKSS vào năm 2015.
Trần Hồng
Ý kiến ()