Tiếng Việt phía trời xa
Tỉnh Chăm-pa-xắc nằm ở phía tây-nam Lào, giáp Cam-pu-chia và Thái-lan, nhưng nơi này ngoài tiếng Lào, ngôn ngữ thứ hai lại là tiếng Việt. Cách biên giới Việt Nam hơn 500 km đường chim bay, nhưng mỗi người Việt Nam qua đây đều thấy gần gũi, thân quen như đang ở quê nhà.
Những xóm của người Việt Nam ở tỉnh Chăm-pa-xắc nằm ven trung tâm Pắc-xế (tỉnh lỵ của Chăm-pa-xắc), mang những cái tên rất Việt Nam: xóm Tân An, xóm Nhà Đèn, xóm Đá, xóm Sân bay… Tổng cộng có bảy xóm của người Việt. Đặt chân vào một xóm nhỏ, chúng tôi cứ ngỡ như đang ở Việt Nam bởi những ngôi nhà kiến trúc theo kiểu người Việt, quán xá ven đường cũng rất đặc trưng của các miền quê Việt Nam và đặc biệt là cách ăn mặc, lời nói thì đúng… trăm phần trăm. Thấp thoáng những bảng hiệu “Phở gia truyền”, “Bún Huế”, “Cơm gà”… và vài phụ nữ đội nón lá, ra vào mua bán. Hầu hết người dân sống trong các xóm này đều là những người Việt thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư sống trên đất Lào.
Gia đình anh Đặng Công Nhân, Hiệu trưởng Trường Hữu Nghị, đã có bốn đời sống tại vùng đất này. Trước năm 1945, do mưu sinh, ông bà nội ngoại của anh từ Quảng Bình đã trôi dạt đến đây rồi định cư luôn. Sống bằng nghề làm bánh và buôn bán nhỏ, các ông bà sinh ra bố mẹ anh rồi tới anh em nhà anh. Năm nay anh đã 54 tuổi và bốn đứa con của anh sinh ra đã có đứa trưởng thành lập gia đình, đứa còn đang học phổ thông. Dù là thế hệ thứ tư sống trên đất Lào, chúng vẫn nói tiếng Việt lưu loát. “Do chúng tôi dạy cả đấy” – anh kể. “Trước đây, cộng đồng người Việt tại Pắc-xế có bốn trường mẫu giáo với 12 lớp và hai trường tiểu học với 20 lớp. Các lớp này đều tổ chức dạy tiếng Việt nên sau khi học hết tiểu học, các em đều nói được tiếng Việt. Cô con gái thứ hai của tôi hiện đang du học tại Đại học Huế theo học bổng của Chính phủ Lào. Cháu học rất khá vì không gặp khó khăn về tiếng Việt”.
Nhà anh Khăm trong xóm cũng thế. Bố anh hoạt động cách mạng tại Hà Tĩnh trong những ngày đất nước còn bị thực dân Pháp đô hộ. Năm 1948, ông qua Lào và đổi tên họ như người Lào. Từ hai bàn tay trắng ông cũng đã tạo được một cuộc sống dư dả, lo cho con cái ăn học thành người. Trước năm 1975, ngụy quyền Lào thân Mỹ cho anh Khăm đi đào tạo phi công. Nhưng anh vừa mới đi học được hơn một tháng thì bị bố lôi về. Ông bảo: “Giờ con phải nghĩ tới mấy chú của con ở Việt Nam đang chiến đấu chống Mỹ. Con học làm phi công rồi đi ném bom vào nơi chú con đang chiến đấu à!”. Giờ thì năm đứa con anh đang du học tại nước ngoài.”Nhưng chúng đều nói tiếng Việt rất tốt. Tôi dạy chúng từ nhỏ, như cha tôi đã dạy cho tôi. Cha tôi thường bảo là người Việt thì phải giữ được bản sắc của người Việt”.
Ở Pắc-xế có ba ngôi chùa của người Việt. Đây là nơi mà người Việt Nam thường tới cúng lễ, gặp gỡ nhau trong những dịp lễ, Tết. Ngôi chùa mang tên Trang nghiêm do vị sư thầy pháp danh Thích Tánh Nhiếp trụ trì. Năm 1994, sư thầy được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử qua để chăm sóc việc đạo cho bà con Phật tử ở Chăm-pa-xắc. Sư thầy chia sẻ: “Hồi mới qua tôi cũng nghĩ sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng thật bất ngờ là bà con Việt kiều ở đây dù mới qua hay đã ở đây mấy đời đều luôn có ý thức giữ gìn truyền thống, bản sắc của người Việt Nam. Con cái gia đình họ không chỉ được học tiếng Việt mà còn được học những phong tục tập quán, học cách sinh hoạt cũng như ý thức cội nguồn. Những ngày Rằm, Giỗ Tổ Hùng Vương, Tết Nguyên đán, các chùa Việt luôn đông người tới cúng lễ, tổ chức những trò chơi dân gian. Những điều linh thiêng về Tổ quốc, về đất nước luôn được bà con gìn giữ, tôn kính…”.
Theo số liệu của Hội người Việt Nam tại Chăm-pa-xắc, cả tỉnh có hơn một nghìn hộ người gốc Việt, chủ yếu là những người sinh ra hoặc đã sống rất lâu trên đất Lào. Rất ít người có điều kiện về thăm quê hương. Người Việt luôn cố gắng duy trì những phong tục tập quán, giúp nhau trong cuộc sống và cùng xây dựng một nếp sống thuần Việt. Nếp sống đó đã đứng vững và duy trì suốt mấy thế hệ. Năm 1975, sau khi nước Lào giải phóng, những người gốc Việt đã thành lập Hội Hữu nghị Việt – Lào. Hiện nay, Hội đã có nhiều Chi hội như Chi hội Phụ nữ, Chi hội Thanh niên, người cao tuổi và đều sinh hoạt ổn định, đa dạng với nhiều hoạt động như văn hóa văn nghệ, thể thao… Những năm 2006 và 2007, được sự giúp đỡ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (thuộc Bộ Ngoại giao) và bà con Việt kiều tại Chămpa-xắc, năm dự án xây dựng trường học đã được khởi động, đến nay một số trường đã hoàn thành. Trường tiểu học Hữu Nghị có 21 phòng học, thu hút 778 học sinh, gồm cả 336 học sinh Lào. Đây là một trong số ít các trường trong tỉnh được đánh giá có chất lượng đào tạo tốt, là niềm tự hào của cộng đồng người Việt tỉnh Chăm-pa-xắc và là biểu tượng của tình hữu nghị truyền thống và mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào.
Dọc những con đường ở Pắcxế thi thoảng lại gặp những biển hiệu trước nhiều ngôi nhà được viết bằng chữ Việt. Qua đó có thể biết rằng, đây là khách sạn 5 sao duy nhất, thuộc sở hữu của một người Lào gốc Việt, kia là khu chợ lớn nhất Pắc-xế mang tên công ty của một người Việt Nam… Tinh thần đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau luôn đồng hành cùng cộng đồng người Việt để tạo dựng cuộc sống ổn định. Bước vào mỗi căn nhà, có thể thấy bàn thờ tổ tiên, cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ luôn được đặt ở những nơi trang trọng. Và tiếng mẹ nựng con, âu yếm vẫn vang lên, quen thuộc như ở quê nhà.
Theo nhandan
Ý kiến ()