Tiếng nói chung vì hòa bình và phát triển
Với chủ đề "Thúc đẩy hòa bình và ổn định vì sự phát triển bền vững", Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết (NAM) lần thứ 18 diễn ra tại A-déc-bai-gian mới đây đã thông qua văn kiện khẳng định những nguyên tắc vốn định hình hoạt động của tổ chức này kể từ khi thành lập năm 1961. NAM muốn khẳng định vai trò trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có những biến động phức tạp. Xung đột và bạo lực tiếp diễn tại nhiều nơi, đặt các nước trước hàng loạt thách thức. Trong khi đó, khoảng cách giàu – nghèo ngày càng gia tăng kéo theo xung đột, bất ổn. Hội nghị Bộ trưởng NAM đã tập trung thảo luận các biện pháp đối phó thách thức toàn cầu, khu vực, phát triển kinh tế, xã hội; tăng cường hòa bình, ổn định an ninh quốc tế và khu vực; thúc đẩy hợp tác và phát triển giữa các nước thành viên.
Với 125 thành viên, hầu hết là các nước đang phát triển, NAM chiếm gần 60% tổng số thành viên Liên hợp quốc (LHQ), hơn 50% dân số thế giới. Sự đoàn kết của các thành viên NAM đã tạo ra một sức mạnh to lớn góp phần giải quyết những vấn đề của thế giới thứ ba như đập tan hệ thống thuộc địa vào giữa thập kỷ 70 của thế kỷ 20; chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc A-pác-thai ở Nam Phi; yêu cầu các nước công nghiệp phát triển, các đế chế thực dân cũ phải có trách nhiệm giải quyết những hậu quả kinh tế mà họ gây ra… Các thành viên của phong trào đã cùng với các lực lượng tiến bộ khác nỗ lực đấu tranh nhằm chấm dứt chạy đua vũ trang, phi hạt nhân hóa và giải trừ quân bị.
Sau hàng chục năm phát triển, để có thể giữ vững và nâng cao hơn nữa vai trò của NAM trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, phong trào cần có những định hướng mới, những hình thức hoạt động mới nhằm thích ứng với những biến đổi hiện nay. Tại hội nghị lần này, các đại biểu nhất trí NAM cần tiếp tục thúc đẩy các nguyên tắc như tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ, không sử dụng, đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao, pháp lý. Hội nghị cũng đã bao quát một số vấn đề nổi cộm tác động tới các thành viên, như kêu gọi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương, kêu gọi chấm dứt cấm vận đối với Cu-ba, ủng hộ các quyền chính đáng của người Pa-le-xtin. Các thành viên cũng khẳng định đoàn kết chống các hành động khủng bố dưới mọi hình thức, cũng như tiếp tục nỗ lực nhằm đạt được một thế giới không vũ khí hạt nhân và ủng hộ thành lập vùng không sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Trung Đông.
Nhằm khẳng định hơn nữa vai trò và vị thế của mình, các đại biểu dự hội nghị cũng nhất trí rằng, NAM cần tích cực, chủ động hơn trong việc phối hợp với LHQ và các tổ chức khu vực nhằm chống các chính sách cường quyền, chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy hợp tác đa phương trên nguyên tắc bình đẳng. Phong trào cũng cần đưa ra những sáng kiến cụ thể trong việc phối hợp với các tổ chức khu vực nhằm tìm kiếm những giải pháp hóa giải xung đột, tranh chấp có liên quan các thành viên. NAM cần tận dụng lợi thế đông đảo thành viên của mình để có thể đóng góp hơn nữa trong quá trình giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực.
Là diễn đàn thu hút đông đảo các quốc gia đang phát triển, NAM đang nỗ lực nâng cao tinh thần đoàn kết, thúc đẩy hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, chứng tỏ vai trò là một tập hợp lực lượng chính trị hùng hậu, hình thành tiếng nói chung đối với các vấn đề toàn cầu quan trọng vì hòa bình, an ninh ổn định và phát triển bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()