“Tiếng mõ an ninh” - Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn
(LSO) – Đến phố Tân An, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, người dân nơi đây đều rất tự hào khi nói về mô hình “Tiếng mõ an ninh” ở khu phố mình. Mô hình được triển khai từ năm 2007 và được duy trì thực hiện liên tục đến hiện tại. Mô hình này đã và đang đem lại hiệu quả tích cực trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội tại khu phố Tân An.
Là người đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình “Tiếng mõ an ninh” ở khu phố Tân An, ông Hoàng Duyên Hải chia sẻ: Vào năm 2007, tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở khu phố rất phức tạp. Nạm trộm cắp vặt, cờ bạc, đánh nhau gây rối trật tự công cộng thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và lao động của bà con. Trước tình hình đó, Ban chi ủy chi bộ khu phố đã phối hợp lực lượng công an xây dựng mô hình tự quản về ANTT. Dựa vào kinh nghiệm từ thời xa xưa, khi làng bản có việc xảy ra thì thường lấy tiếng mõ báo hiệu cho bản trên, xóm dưới để mọi người cùng tham gia bảo vệ xóm làng nên chúng tôi đã xây dựng mô hình lấy tên là “Tiếng mõ an ninh”. Ngay từ khi ra đời, mô hình “Tiếng mõ an ninh” đã được bà con trong khu phố nhiệt liệt hưởng ứng, 100% hộ gia đình ký cam kết tham gia và tự trang bị một cái mõ và cây gậy làm bằng ống cây mai, đèn pin và dây thừng.
Ông Hoàng Duyên Hải (người cầm mõ) hướng dẫn nhân dân cách gõ mõ
Mõ được người dân treo hoặc để ở những nơi thuận tiện nhất trong gia đình để dễ dàng thao tác khi có vụ việc xảy ra. Tổ an ninh của khu phố cùng bà con thống nhất quy định về hiệu lệnh của tiếng mõ để thực hiện. Khi có một gia đình gõ mõ báo động, lập tức tiếng mõ của các gia đình khác cũng vang lên và mỗi hộ cử một thành viên đến nơi phát ra tiếng mõ để hỗ trợ. Ngay sau đó, tổ tự quản cử người chốt chặn ở các đường ra vào khu dân cư, không cho đối tượng tẩu thoát ra ngoài, những người còn lại cùng nhau truy bắt tội phạm. Ngoài ra, bà con trong khu dân cư cũng quy ước số lượng tiếng mõ được gõ để mọi người biết cùng chung tay cứu hộ, cứu nạn trong những tình huống lũ lụt, hỏa hoạn và những việc cấp bách xảy ra. Sau khi xử lý vụ việc xong, tổ trưởng khu phố có trách nhiệm đánh mõ ba hồi dài tập hợp bà con lại để đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm.
Bà Hoàng Thị Chính, Bí thư Chi bộ phố Tân An cho biết: Từ khi có “Tiếng mõ an ninh“, an ninh ở khu phố luôn bình yên. Hoạt động trộm cắp, cờ bạc, đánh nhau, gây rối trật tự không còn, không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, bà con nhân dân yên tâm sinh sống và lao động, sản xuất.
Qua công tác quản lý địa bàn, trung tá Lý Văn Minh, Đội trưởng Đội xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an huyện Văn Quan cho biết: Hơn 10 năm nay, khu phố Tân An, thị trấn Văn Quan luôn được công nhận là khu dân cư tiêu biểu trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, ANTT luôn được giữ vững, không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Có được sự bình yên đó là nhờ bà con đã đồng tâm, hiệp lực, phát huy hiệu quả mô hình “Tiếng mõ an ninh” ở khu phố.
“Tiếng mõ an ninh” ở Tân An là điển hình cho sự tích cực, sáng tạo trong phòng, chống tội phạm của nhân dân và rất cần được nhân rộng ở các địa bàn khác. Mong rằng sẽ có thật nhiều mô hình như thế để phát huy sự chủ động, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân với lực lượng công an trong giữ gìn ANTT tại cơ sở, đem lại bình yên cho cuộc sống.
NGUYỆT MY - HUYỀN MỸ (Công an tỉnh)
Ý kiến ()