Tiếng kèn “xung trận” ở Điện Biên
Trong các lễ kỷ niệm lớn của Đảng, Nhà nước và Quân đội, chúng ta đã khá quen thuộc hình ảnh dàn quân nhạc oai nghiêm, hùng tráng, đặc biệt là tiếng nhạc kèn theo tiết tấu hành khúc mạnh mẽ, dứt khoát, đồng loạt vang lên dưới sự chỉ huy nhịp nhàng, linh hoạt của người nhạc trưởng. Họ chính là một trong lực lượng quan trọng góp phần vào thành công của buổi lễ.
Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi có mặt tại sân vận động tỉnh Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đúng lúc Khối đứng Đoàn Nghi lễ Quân đội, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đang hợp luyện cùng các lực lượng diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ nhạc trưởng đến các nhạc công, ai cũng tập trung tinh thần cao độ, say sưa thổi hồn vào giai điệu các bài ca cách mạng. Không cần bất cứ sự “trợ giúp” nào của hệ thống âm ly, loa đài, nhưng từ cách đó hàng trăm mét, người ta có thể nghe rõ những âm thanh vang vọng, giai điệu hào sảng, trào dâng niềm tự hào phát ra từ dàn kèn đồng.
Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, Thượng tá Bùi Trung Dũng, nhạc trưởng, chỉ huy khối đứng, Đoàn Nghi lễ Quân đội chia sẻ với chúng tôi, đơn vị đang tập trung luyện tập các nội dung phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, do đó từng cán bộ, nhạc công trong đơn vị luôn xác định tốt tinh thần trách nhiệm, tích cực luyện tập, ai cũng cảm thấy vinh dự, tự hào khi được tham gia phục vụ một sự kiện chính trị quan trọng nhất năm 2024.
Nhìn vào bản nhạc của các chiến sĩ kèn đồng với chi chít “giá đỗ” (nốt nhạc), chúng tôi không khỏi khâm phục khả năng thẩm thấu âm nhạc của các cán bộ, nhạc công. Bởi, nghe họ đọc các nốt nhạc rồi thổi chúng thành các giai điệu khác nhau còn nhanh hơn cả chúng ta đọc chữ.
Thấy chúng tôi “mắt tròn mắt dẹt” xem các nhạc công hợp luyện, Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú Đào Quang Tiến, Phó đoàn trưởng Chuyên môn Đoàn Nghi lễ Quân đội, giải thích: “Đội ngũ nhạc trưởng của đơn vị đều được đào tạo cơ bản tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam); 100% nhạc công đều tốt nghiệp Khoa Quân nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, trong đó đa phần tốt nghiệp loại giỏi. Do được đào tạo cơ bản ở những cái nôi của nền âm nhạc quốc gia, khi về đơn vị lại thường xuyên được tham gia huấn luyện phục vụ các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước, Quân đội và các địa phương trong cả nước, nên cán bộ, nhạc công của Đoàn Nghi lễ Quân đội đều có chuyên môn vững vàng, đáp ứng tốt mọi yêu cầu nhiệm vụ đề ra”.
Trò chuyện với cán bộ, nhạc công của đơn vị, chúng tôi được biết, để có được một dàn nhạc với đội ngũ nhạc công có trình độ tương đối đồng đều như hiện nay, Đoàn Nghi lễ Quân đội đã trải qua nhiều đợt “sát hạch” về chuyên môn để tham gia phục vụ tại các lễ kỷ niệm lớn. Ngoài ra các anh cũng trải qua nhiều đợt tập huấn, hội thao, hội diễn ở cấp toàn quân. Thực hiện lời dạy của Bác: “Trống năng rèn, kèn năng thổi”, các nhạc công Đoàn Nghi lễ Quân đội luôn say mê với nghề, nêu cao tinh thần tự học hỏi, nghiên cứu, đồng thời không ngừng khổ công luyện rèn để nâng cao trình độ chuyên môn.
Thượng tá Hoàng Ngọc Thanh, Phó trưởng Phòng chuyên môn Âm nhạc, Đoàn Nghi lễ Quân đội tâm sự, quá trình phục vụ các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị phải đảm nhiệm hòa âm phối khí và trình diễn liên tục hàng chục tác phẩm âm nhạc, kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, trong điều kiện thời tiết hanh khô, nắng nóng. Để có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, mỗi nhạc công đều phải thực sự yêu nghề, tâm huyết với nhiệm vụ, đặc biệt phải thực sự chủ động trong tự học, tự rèn, nhất là thường xuyên trau dồi, bổ sung kiến thức cơ bản về lý thuyết âm nhạc. Mỗi người phải nắm chắc được nhạc lý mới có thể đọc được các bản nhạc khác nhau và tiến hành luyện tập một cách trôi chảy.
Mặc dù là thời gian nghỉ giữa giờ, nhưng chúng tôi quan sát thấy không ít nhạc công chủ động tìm cho mình một chỗ yên tĩnh để tập bài. Trung úy QNCN Nguyễn Hải với cây kèn trumpet trên môi, đôi mắt “dán” vào bản nhạc. Anh đang tập đi tập lại một đoạn khó trong bản tổng phổ “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.
Theo anh, đây là một bản nhạc rất quen thuộc, tuy nhiên để thổi cho đúng, hay và “có hồn” lại bảo đảm đều, thống nhất trong toàn dàn nhạc thì từng nhạc công phải thuần thục từng nốt trong bản nhạc. Do vậy, ai cảm thấy yếu chỗ nào, chưa đạt yêu cầu chỗ nào thì phải kiên trì tự luyện tập, để khi tập tổng hợp đạt được kết quả tốt.
Đảm nhiệm vai trò nhạc trưởng, Thượng tá Bùi Trung Dũng đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề. Được biết, anh nằm trong số các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Với anh, việc tự học tập, tự nghiên cứu luôn đòi hỏi ở mức cao hơn các nhạc công trong dàn nhạc. Vì vậy, ngoài việc thường xuyên ôn luyện những kiến thức cơ bản được trang bị khi ở trường, anh còn chủ động sưu tầm, mua thêm các tài liệu chuyên sâu để học tập, nghiên cứu, tìm ra nhiều phương pháp hòa âm phối khí mới hay hơn, hiệu quả hơn, đồng thời làm cơ sở cho việc bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ cho anh em nhạc công trong dàn nhạc.
Theo Đại tá Nguyễn Trung Tâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn Nghi lễ Quân đội, đơn vị thực hiện nhiệm vụ tại Điện Biên đúng thời điểm nắng nóng kéo dài, cường độ luyện tập cũng như chất lượng đòi hỏi rất cao. Ngoài bảo đảm các nội dung quân nhạc phục vụ hoạt động diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị còn được giao mở màn đại lễ bằng tiết mục xếp hình nghệ thuật; thuyết minh tại Lễ kỷ niệm; phối hợp phục vụ Cuộc đua xe đạp - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân...
Do đó, từng cán bộ, nhạc công đều xác định tốt vinh dự, trách nhiệm, nỗ lực vượt bậc trong quá trình huấn luyện. Kết quả, 100% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị, chức trách được giao, phối hợp nhuần nhuyễn với các lực lượng trong suốt quá trình hợp luyện, sơ duyệt, tổng duyệt cũng như buổi lễ chính, góp phần quan trọng vào thành công của Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ý kiến ()