Tiếng chuông từ chùa Hộ Quốc
Đảo ngọc Phú Quốc nhạt nhòa trong ánh hoàng hôn. Thứ ánh sáng ở bên kia mỏm núi hắt qua không đủ sức làm bừng lên cây rừng lá biếc. Ở sườn bên này, xe lừ đừ vượt dốc tiến lên.
Hoa lau, cỏ tranh cuốn theo chiều gió cứ thế phất phơ nhẹ tựa bàn tay người khẽ khàng ve vuốt. Bất giác tiếng chuông điểm nhịp khoan thai, vang trong không trung, vọng vào vách núi thứ thanh âm trầm ấm. Cả đoàn khách ngỡ ngàng như được chìm vào không gian thanh bình của một vùng quê Đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng không, đây là đất đảo quanh năm ì ầm sóng vỗ. Tiếng chuông ấy như dẫn lối để khách phương xa chầm chậm bước vào cõi Phật. Ngôi chùa Hộ Quốc nằm trên địa bàn ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) tựa lưng vào vách núi, hướng mặt về phía biển xanh ngời ngời.
Quang cảnh chùa Hộ Quốc. |
Nghe thầy Thích Trúc Thông Kiên trụ trì chùa giảng giải, mọi sự mới thêm tỏ tường. Chùa Hộ Quốc nằm trong hệ thống thiền viện Trúc Lâm, vừa là nơi làm công tác Phật sự, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và khách du lịch tham quan chiêm bái. Ý nghĩa hơn ở giữa trùng khơi lộng gió, ngôi chùa hiển hiện uy nghi như để trấn giữ thế đất, hộ trì cho cương vực Tổ quốc mãi mãi vững bền. Thì ra đằng sau những vút cong mái chùa, những ngân vang chuông mõ ẩn chứa bao điều thiêng liêng.
Qua tam quan sừng sững, tôi bước vào sân hành lễ. Những cảm nhận linh thiêng ấm áp như rõ nét hơn. Giữa quảng trường, bức tượng Phật ngọc được đặt dưới cội bồ đề là hình ảnh hóa thân của đức Phật tu thành chính quả để khách thập phương khấn nguyện. Sau lưng Phật ngọc, tứ long chạm đá dẫn lối đi trên 70 bậc đá xanh. Đó là hình tượng rồng thời Lý-Trần mang đậm hồn dân tộc Việt. Ngắm nhìn kiến trúc nơi đây dễ làm người ta liên tưởng đến những thành quách đền đài của đất đế đô cách nay cả ngàn năm. Trên đỉnh cao vời vợi, tòa đại hùng bảo điện nằm đó thâm nghiêm trầm mặc, đôi bên tả hữu là lầu chuông gác trống. Đứng trên tầm cao lộng gió, điều ấn tượng hơn cả vẫn là tiếng chuông. Chuông chùa sớm khuya chỉ điểm đôi hồi, còn tiếng chuông gió thì reo vui suốt ngày đêm. Gió biển ào ạt vượt qua ngàn cây lá, len lỏi vào chốn thâm nghiêm để lay động những ống chuông gió. Cứ vậy, những thanh âm thi nhau tấu lên, khi thì âm âm vang vang, lúc lại leng keng réo rắt. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng giúp tâm hồn an nhiên tĩnh tại, quên đi bao vướng bận bụi trần.
Đưa đoàn đến thăm chùa Hộ Quốc, lái xe Nguyễn Hữu Ngọc tự nguyện làm hướng dẫn viên nhiệt tình kể rành rọt về thiền viện với vẻ mặt đầy hoan hỉ. Anh bảo để có được quần thể tâm linh rộng hơn 110ha này, nhân công phải làm việc cật lực trong vòng hơn 1 năm mới hoàn thành. Toàn thợ giỏi ở các tỉnh: Bắc Ninh, Hải Dương vào đây xây tường, làm mộc, góp dựng lên ngôi chùa lớn nhất nhì Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu đến Phú Quốc mà chưa tới thăm chùa Hộ Quốc thì dường như thiếu đi một điều gì đó rất linh thiêng. Thế nên dù lịch trình di chuyển dày đặc, anh Ngọc vẫn nhiệt tình chở đoàn chúng đôi đến lễ chùa. Đứng trước thềm chính điện, tôi hướng tầm mắt ra xa, trời biển như hòa vào nhau trong sắc xanh thăm thẳm. Trên nền bức tranh ấy chỉ có những con thuyền vươn mình rẽ sóng vươn khơi là đang chuyển động. Người dân nơi đây vẫn nhắn nhủ nhau rằng, khi ra khơi, mắt hướng về chùa Hộ Quốc như được tiếp thêm sức mạnh, vững tin hơn vào đất mẹ để vượt qua mọi sóng gió hiểm nguy. Ngôi chùa như ngọn hải đăng sừng sững giữa đảo ngọc tươi đẹp dẫn lối ngư dân trở về trong may mắn yên bình. Chiều dần buông, sóng vẫn ì ầm, tiếng chuông gió như lời tâm sự ngàn năm của đất trời, biển cả quê hương…
Ý kiến ()