Tiến tới loại trừ bệnh sởi ở Việt Nam
Đến nay, hầu hết các khu vực trên thế giới đều cam kết thực hiện mục tiêu đến năm 2015 giảm 95% tỷ lệ tử vong của bệnh sởi so với năm 2000.
Đồng thời hướng tới loại trừ sởi trước năm 2020. Khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam đặt mục tiêu loại trừ sởi vào năm 2017. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả trẻ em phải được tiêm đủ hai mũi vắc-xin sởi. Khi tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng cao, sẽ làm ngăn chặn sự lưu hành của vi-rút sởi, duy trì tỷ lệ đạt trên 95% trong nhiều năm liên tục sẽ dẫn đến loại trừ bệnh sởi.
Chiến lược loại trừ bệnh sởi đã được trình bày rõ trong Kế hoạch hành động tiêm chủng vắc-xin toàn cầu 2012 – 2020 và được các nước thành viên của Đại hội đồng Y tế thế giới thông qua năm 2012. Kế hoạch gồm các chiến lược: Đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao với hai mũi vắc-xin sởi thông qua tiêm chủng thường xuyên theo lịch và tiêm chủng chiến dịch cho tất cả trẻ em, không bỏ sót trẻ em ở các vùng nghèo, di biến động ở các vùng núi, vùng nông thôn và thành phố. Giám sát chặt chẽ bệnh sởi, phát hiện sớm nguồn bệnh và theo dõi đánh giá tiến bộ của chương trình loại trừ sởi thông qua Ủy ban quốc gia xác nhận loại trừ sởi. Xây dựng và duy trì các kế hoạch ứng phó nhanh với dịch bùng phát tại chỗ hay xâm nhập từ nơi khác đến, ngăn chặn lây truyền và tái thiết lập sự lây truyền dịch sởi; truyền thông và xây dựng lòng tin và đáp ứng nhu cầu về tiêm chủng của cộng đồng. Tiến hành các nghiên cứu nhằm phát triển các hoạt động có hiệu quả cao, nâng cao chất lượng tiêm chủng và cải thiện các công cụ chẩn đoán.
Tuy nhiên thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong phòng, chống bệnh sởi. Ước tính khoảng 20 triệu trẻ em trên thế giới chưa được tiêm mũi một vắc-xin sởi. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong dự phòng và điều trị, nhưng đến năm 2012 vẫn còn tới 122 nghìn trẻ bị chết vì bệnh sởi, nhiều nước vẫn để xảy ra bùng phát dịch sởi quy mô lớn. Như vậy, để đạt được mục tiêu loại trừ sởi, cần triển khai các chiến dịch tiêm vắc-xin với tỷ lệ trên 95%…
Tại Việt Nam, Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) được chính thức triển khai từ năm 1985 với sáu mũi vắc-xin cơ bản cho tất cả trẻ em dưới một tuổi, trong đó có vắc-xin phòng bệnh sởi. Thực tế và kinh nghiệm của chương trình trong gần 30 năm qua, và ở các nước trên thế giới cho thấy tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Bằng việc thực hiện tiêm chủng vắc-xin, tỷ lệ mắc sởi năm 2012 đã giảm 573 lần so với năm 1984. Thông qua việc triển khai thành công chương trình tiêm chủng mở rộng và các chương trình y tế khác, Việt Nam giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới năm tuổi, và đang tiến tới đạt được Mục tiêu thiên niên kỷ thứ tư vào năm 2015 (giảm hai phần ba tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới năm tuổi trong giai đoạn 1990 – 2015). Các biện pháp khống chế bệnh sởi trong nhiều năm qua đã được thực hiện bao gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền cho cộng đồng về bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống; triển khai tiêm chủng theo lịch cho trẻ hai mũi vắc-xin lúc chín tháng và lúc 18 tháng tuổi. Đồng thời triển khai các chiến dịch phòng bệnh sởi cho trẻ từ chín đến 24 tháng tuổi ở những vùng có nguy cơ cao và trên phạm vi toàn quốc; triển khai tiêm vắc-xin chống dịch ở những vùng có dịch và có nguy cơ cao bùng phát dịch. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh ở tất cả các tuyến, điều tra và lấy mẫu bệnh phẩm; cách ly sớm các ca bệnh sởi và những người tiếp xúc nguy cơ cao tại cộng đồng hoặc tại bệnh viện theo quy định; quản lý và điều trị ca bệnh sởi, đặc biệt tất cả những trường hợp có nguy cơ hoặc những trường hợp nặng tại cơ sở y tế để hạn chế biến chứng và tử vong.
Tại Việt Nam từ giữa năm 2013 đến những tháng đầu năm 2014 đã có hơn 20 tỉnh, thành phố ghi nhận khoảng 1.500 trường hợp mắc bệnh sởi. Hầu hết bệnh xuất hiện rải rác ở các tỉnh, chỉ có bảy tỉnh báo cáo có dịch trên quy mô nhỏ và vừa là: Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bệnh xảy ra chủ yếu ở nhóm đối tượng dưới 10 tuổi chưa được tiêm vắc-xin sởi hoặc tiêm vắcxin chưa đủ mũi, đặc biệt tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi đạt thấp trong những năm trước đây, và những vùng có biến động dân cư cao. Hiện nay bệnh sởi ở Việt Nam chưa được loại trừ, nghĩa là vi-rút sởi hiện vẫn đang còn lưu hành trong cộng đồng. Với chu kỳ ba, bốn năm xuất hiện một lần, tình hình bệnh sởi năm 2013 – 2014 hiện nay nằm trong chu kỳ dịch, với số ca mắc thấp hơn nhiều so với chu kỳ trước (năm 2009 -2010). Trong thời gian vừa qua, nhiều quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương cũng đã ghi nhận các trường hợp mắc sởi như Phili-pin, Nhật Bản, Lào, đặc biệt tại Trung Quốc dịch sởi xuất hiện trên diện rộng và tại một số tỉnh biên giới giáp với Việt Nam gây ảnh hưởng xấu đến tình hình dịch bệnh trong nước.
Trước những diễn biến tình hình dịch sởi, để khẩn trương khống chế dịch sởi, song song với việc tăng cường tiêm chủng thường xuyên, Bộ Y tế đã và đang triển khai kế hoạch tiêm vét vắc-xin sởi trong các tháng 2, 3 và 4-2014. Đối tượng tiêm vét là tiêm mũi một cho trẻ từ chín tháng đến hai tuổi chưa được tiêm vắc-xin sởi, tiêm mũi hai cho trẻ từ 18 tháng đến hai tuổi đã tiêm một mũi vắc-xin sởi. Để bảo đảm không bị bỏ sót, các địa phương đang rà soát danh sách tất cả các đối tượng cần được tiêm trên địa bàn, kể cả đối tượng vãng lai; chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh và nơi có biến động dân cư.
Nhằm giảm tỷ lệ mắc các bệnh sởi, rubella góp phần tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2017, giảm gánh nặng bệnh tật của hội chứng Rubella bẩm sinh, tiến tới loại trừ bệnh Rubella trong tương lai, từ đó nâng cao thể chất của trẻ em Việt Nam, được sự hỗ trợ của Liên minh Toàn cầu Vắc-xin và Tiêm chủng (GAVI) và được Bộ Y tế phê duyệt, Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam dự kiến sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi -rubella miễn phí vào quý IV năm 2014 cho khoảng hơn 23 triệu trẻ từ 9 tháng đến 14 tuổi trong toàn quốc. Thông qua chiến dịch này, toàn bộ hệ thống TCMR cũng được nâng cao chất lượng về mọi mặt như tổ chức, truyền thông, năng lực chuyên môn kỹ thuật, xã hội hóa…
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()