Tiến tới không sử dụng chất cấm và kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi
6 tháng đầu năm 2015, ngành chăn nuôi đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, việc quản lý các khu giết mổ tập trung, kiểm soát sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi,… vẫn là những khó khăn, tồn tại của ngành. Xung quanh vấn đề này, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hoàng Thanh Vân đã có cuộc trao đổi với báo chí.
– 6 tháng đầu năm 2015, ngành chăn nuôi đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, việc quản lý các khu giết mổ tập trung, kiểm soát sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi,… vẫn là những khó khăn, tồn tại của ngành. Xung quanh vấn đề này, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hoàng Thanh Vân đã có cuộc trao đổi với báo chí. Phóng viên (PV): Xin Cục trưởng đánh giá những khó khăn, tồn tại của ngành chăn nuôi trong thời gian qua? Cục trưởng Hoàng Thanh Vân: Trong 6 tháng đầu năm, việc thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trước yêu cầu của thực tiễn sản xuất và vấn đề hội nhập, còn một số tồn tại cần phải nhìn nhận thấu đáo. Trong đó, vấn đề lớn nhất là khâu tổ chức sản xuất để làm sao nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản phẩm chăn nuôi. Để giải quyết vấn đề này, rất cần đến sự vào cuộc của các cấp, các ngành và đặc biệt là các doanh nghiệp, tiến hành “khâu nối” các khâu sản xuất của ngành chăn nuôi. Vấn đề thứ hai là chúng ta đang tiến hành công tác chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua thương mại. Đây là khâu yếu từ trước đến nay. Hiện, các giải pháp đã được chỉ ra tương đối rõ, cùng với đó các tỉnh, thành phố cũng đã hoàn thiện xong các quy hoạch sản xuất. Thứ ba là công tác quản lý về giống, thức ăn, quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, dù đã được triển khai tương đối đồng bộ và quyết liệt, nhưng trong thực tiễn vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Đặc biệt công tác quản lý về giống, về sử dụng thức ăn chăn nuôi hay đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. PV: 6 tháng cuối năm, ngành chăn nuôi tập trung vào những nhiệm vụ chính gì, thưa Cục trưởng? Cục trưởng Hoàng Thanh Vân: Từ nay đến cuối năm, ngành chăn nuôi sẽ tăng cường một số những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của ngành. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác quản lý dịch bệnh, bởi để đảm bảo phát triển chăn nuôi cần đảm bảo không có dịch bệnh, vừa nâng cao được chất lượng đàn gia súc, gia cầm, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ được ổn định số lượng gia súc, gia cầm. Cùng với đó là tăng cường mạnh mẽ công tác quản lý Nhà nước từ Trung ương cho đến cơ sở. Đây là một trong những giải pháp mang tính căn cơ, và có tính thúc đẩy phát triển ngành quan trọng. Thông qua đó chúng ta tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân sản xuất. Đồng thời tăng cường nâng cao công tác xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước nhằm giới thiệu sản phẩm chăn nuôi ra quốc tế và thẩm định điều kiện xuất khẩu. Thực hiện tốt những giải pháp về chế biến, giết mổ để nâng cao hoạt động sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị thu nhập của người chăn nuôi cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho người tiêu dùng tiếp cận được với sản phẩm chăn nuôi với giá thành hợp lý, đảm bảo an toàn thực phẩm. PV: Hiện nay, tỷ lệ khu giết mổ tập trung tại miền Bắc được sử dụng rất thấp, Cục trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này? Cục trưởng Hoàng Thanh Vân: Hiện nay, ở miền Bắc, cơ sở giết mổ phân tán, số lượng lớn những khu giết mổ này thường gắn với các gia đình và nằm rải rác ở các khu dân cư. Do vậy, công tác quản lý những lò giết mổ này gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên đến nay, các tỉnh ở khu vực phía Bắc đã làm xong quy hoạch giết mổ. Để triển khai hiệu quả, cần làm tốt công tác tuyên truyền, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực thú y cũng như quản lý về công tác giết mổ, đưa các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tập trung, thông qua đó, chúng ta mới đảm bảo được khâu an toàn vệ sinh và thú y. PV: Để làm tốt công tác này, về phía Cục đã có chỉ đạo như thế nào? Cục trưởng Hoàng Thanh Vân: Về phía Cục, chủ yếu triển khai thí điểm theo chuỗi và xây dựng các khu an toàn dịch bệnh, hiện nay ở miền Bắc có tỉnh Vĩnh Phúc, TP Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang là những địa phương làm tốt những nội dung này. Đồng thời, tăng cường công tác phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, bởi những người chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại cần có mối liên hệ với các chủ lò mổ tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý. Bên cạnh đó, vừa qua, thực hiện công tác xúc tiến xuất khẩu thịt lợn sang các nước, Cục Thú y cũng đã đi kiểm soát một số lò giết mổ ở khu vực phía Bắc và đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lò giết mổ tập trung mang tính công nghiệp, hiện đại và đảm bảo vệ sinh. Chỉ có vậy, chúng ta mới có điều kiện thuận lợi để xuất khẩu và hiện nay ở khu vực phía Bắc đã có 6 tỉnh, thành phố đăng ký và đang triển khai, tiến độ khá ổn định. PV: Từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát môi trường đã bắt được khá nhiều vụ sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Theo Cục trưởng, vì sao vẫn diễn ra tình trạng này? Cục trưởng Hoàng Thanh Vân: Hiện nay, có một thực tế là ở một số nơi vẫn còn sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Bởi vậy, vừa qua thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp với thanh tra chuyên ngành của Cục tổ chức thanh tra và xử lý một số vụ nhằm mang tính chất cảnh báo, răn đe và thông tin cho người tiêu dùng được biết. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có những khó khăn nhất định, bởi việc nhập lậu sản phẩm được tiến hành qua biên giới, các đối tượng thường chia nhỏ những sản phẩm, bán len lỏi ở các khu vực dân cư, do vậy rất khó phát hiện, kiểm soát và thu giữ chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, lực lượng quản lý công tác này của ngành nông nghiệp còn mỏng, đồng thời ngành môi trường cũng không đủ lực lượng để dàn trải kiểm soát hết công tác này. Thêm vào đó, nhận thức của người chăn nuôi ở lĩnh vực này tại một số nơi vẫn còn chưa rõ, nhiều người chăn nuôi vẫn cho rằng sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi không ảnh hưởng gì đến người tiêu dùng. Bởi vậy, rất cần có sự tuyên truyền để cho người dân, người sản xuất hiểu được những tác hại trong việc sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước nhằm khống chế, hạn chế tình trạng này ngày càng tốt hơn. PV: Việt Nam đã có những quy định tránh việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhưng một số nước đang tham gia đàm phán cùng chúng ta vẫn cho sử dụng một số loại chất cấm trong nhóm mà chúng ta đang cấm. Cục trưởng đánh giá như thế nào khi việc đàm phán có kết quả, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành chăn nuôi? Cục trưởng Hoàng Thanh Vân: Hiện nay với văn bản quản lý Nhà nước của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn không cho phép sử dụng bất cứ loại chất cấm nào trong chăn nuôi. Tuy nhiên, vẫn có một số nước vẫn có sử dụng với những tỷ lệ nhất định. Thế nhưng, trong quá trình đàm phán, Cục vẫn cương quyết duy trì hành lang pháp lý chúng ta đang có, không sử dụng bất cứ một loại sản phẩm chất cấm nào, kể cả sự khuyến cáo của một số nước. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán phụ thuộc vào các cơ quan khác của nhà nước, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi nhưng quan điểm trong lĩnh vực chăn nuôi là tiến tới không sử dụng chất cấm và không sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, để chúng ta tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. PV: Xin cảm ơn Cục trưởng! |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()