Tiên phong trong Cách mạng tháng Tám
LSO- Với vị trí địa chính trị quan trọng của Tổ quốc, Lạng Sơn luôn là địa phương tiên phong trong các cuộc cách mạng của dân tộc, mà điển hình là phát động nổi dậy giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Nhạy bén, nắm bắt thời cơ
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, nhân dân Lạng Sơn chịu cảnh “một cổ 2 tròng”, chỉ mong vùng dậy thoát khỏi ách nô lệ. Nhưng 3 ngày sau- ngày 12/3/1945, nhận được Chỉ thị lịch sử “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, liên Tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng đã chỉ thị ngay cho các đảng bộ địa phương chủ động, khẩn trương nhanh chóng lật đổ bộ máy thống trị thực dân, phát xít.
Hơn 100 ngày, với việc kết hợp giữa vũ trang và nổi dậy, Lạng Sơn đã tiến công các đồn bốt của giặc, giải phóng các châu lỵ và tiến tới giải phóng thị xã, giành chính quyền về tay nhân dân.
Có dịp phân tích về sự kiện trọng đại này, ông Bế Chu Lang, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh nói rằng: ba ngày với hơn 200 km đường đi hồi ấy, mà Chỉ thị từ Từ Sơn (Bắc Ninh) đã vượt rừng núi về đến các đảng bộ địa phương Lạng Sơn quả là “thần tốc”. Sở dĩ Lạng Sơn triển khai nhanh như vậy là do sự chỉ đạo rất kịp thời của liên Tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng với những cán bộ kiên trung, thông minh, biết nắm bắt thời cơ và vận dụng thời cơ. Mặt khác, nghiên cứu kỹ nội dung của Chỉ thị để vận dụng phù hợp với thực tiễn của phong trào cách mạng từng vùng và toàn tỉnh để chỉ đạo sát về tuyên truyền, cách thức, tổ chức thực hiện”.
Di tích đình Nông Lục (Bắc Sơn). Ảnh: BT
Phối hợp tốt giữa 2 lực lượng
Từ năm 1940-1945, sau khởi nghĩa, Bắc Sơn và một số địa phương bị giặc khủng bố trắng. Bị chém giết, tù đày, song phong trào cách mạng vẫn âm ỉ cháy, lực lượng vũ trang vẫn tồn tại trong bí mật và chỉ chờ có luồng gió mới là bùng lên mãnh liệt hơn. Vì vậy, khi có Chỉ thị của Đảng, công tác chuẩn bị lực lượng tại các châu lỵ trong tỉnh chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng là chúng ta đã có đủ lực lượng để hành động… Hơn 1 tháng sau khi có Chỉ thị, trong 3 ngày 16, 17 và 18/4/1945, Đảng bộ Bắc Sơn đã lãnh đạo vũ trang và quần chúng tiêu diệt các đồn bốt của giặc tại các xã và giải phóng châu lỵ Bắc Sơn. Ngày 19/4/1945, với 2 trung đội vũ trang kết hợp với quần chúng nổi dậy, châu lỵ Bình Gia hoàn toàn giải phóng. Tháng 5/1945, trung đội vũ trang tại Bình Gia tiến sang Bằng Mạc, đánh chiếm đồn Vạn Linh, hỗ trợ nhân dân giải phóng; sau đó tiến về Đồng Mỏ, làm chủ châu lỵ.
Trong khi các châu lỵ phía tây- tây nam được giải phóng, công tác giải phóng, giành chính quyền tại Tỉnh lỵ được gấp rút chuẩn bị và Ba Xã (Tân Đoàn) được chọn làm điểm xuất phát. Đêm 24 rạng ngày 25/8/1945, các đội vũ trang tiến vào giải phóng thị xã trước niềm vui hân hoan của hàng vạn đồng bào. Tỉnh trưởng Linh Quan Vọng tuyên bố đầu hàng, giao nộp chính quyền cho cách mạng. Từ ngày 25/8 đến 30/8/1945, lần lượt các châu lỵ: Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập được giải phóng.
Có lực lượng vũ trang làm nòng cốt, phát động nổi dậy của nhân dân, chúng ta đã đánh tan lực lượng quân sự của địch, giành chính quyền. Ở đây, chính quần chúng là lực lượng hậu thuẫn để lực lượng vũ trang tuy còn nhỏ bé nhưng càng đánh càng mạnh, dẫn tới sự sụp đổ mang tính chất “dây chuyền” của thực dân, phát xít.
Vận động đấu tranh phù hợp với tình hình
Giành chính quyền từ tay Phát xít Nhật được đúng 1 ngày, thì ngày 26/8/1945, trên 12 vạn quân Tưởng với danh nghĩa quân Đồng Minh vào giải giáp vũ khí của Nhật đã tiến vào thị xã. Cùng với đó, các đảng phái phản động như Việt quốc, Việt cách mọc lên như nấm sau mưa. Để giảm bớt thù trong giặc ngoài, chính quyền đã cử đoàn đại biểu đến đàm phán, song vẫn rất khó khăn.
Nhận thấy đấu tranh vũ trang lúc này chưa thể giành được thắng lợi, chấp hành chỉ đạo của cấp trên, Đảng bộ liên tỉnh đã quyết định chuyển sang đấu tranh chính trị và ngoại giao. Cùng với việc đưa lực lượng vũ trang ra ngoài, chúng ta đã vận động nhân dân làm “vườn không nhà trống”, tiến hành bao vây kinh tế. Bằng sự khôn khéo, đến tháng 6/1946 quân Tưởng và bè lũ phản động đã cuốn gói rút khỏi Lạng Sơn.
Trung tuần tháng 7/1946, thực dân Pháp quay trở lại chiếm đóng Lạng Sơn. Cùng cả nước, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Bảy mươi năm đã qua, những kinh nghiệm, bài học từ thực tiễn lãnh đạo đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền đã luôn được Đảng bộ Lạng Sơn vận dụng thành công trong các cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đặc biệt, sự nhạy bén trong tư tưởng chỉ đạo và phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân đã được thực tế kiểm nghiệm trong 30 năm đổi mới và những năm đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.
MINH HỒNG. (Tổng hợp)
Ý kiến ()