Tiên phong làm chủ lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao
Sau 5 năm thành lập (25-2-2017), vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Viện Hàng không Vũ trụ (HKVT) Viettel thuộc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công nhiều loại trang bị kỹ thuật quân sự công nghệ cao (CNC), đặc biệt là làm chủ các công nghệ lõi trong lĩnh vực HKVT.
Đây là bước đột phá, tiên phong của Viện HKVT Viettel trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng (CNQP) CNC ở Việt Nam.
Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội được ra đời trong thời bình với nhiệm vụ chủ yếu trên mặt trận kinh tế, nhưng trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Viettel luôn mang những giá trị truyền thống Bộ đội Cụ Hồ với sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Làm việc khó, việc chưa ai làm trở thành văn hóa của người Viettel. Trên cơ sở kinh nghiệm và nguồn lực lớn về viễn thông và công nghệ thông tin, sự chủ động, trách nhiệm, Viettel đã đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng được tham gia phát triển CNQP CNC. Tháng 8-2014, Quân ủy Trung ương thông qua đề án nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trang bị kỹ thuật quân sự CNC trong lĩnh vực HKVT. Tháng 1-2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án trên, giao cho Bộ Quốc phòng là đơn vị chủ quản, Viettel là đơn vị chủ trì thực hiện.
Để có đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ, ngày 18-1-2016, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (nay là Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội) đã ký Quyết định số 21/QĐ-VTQĐ-TCNL thành lập tạm thời Viện HKVT Viettel. Ngày 25-2-2017, Bộ Quốc phòng chính thức ra Quyết định số 501/QĐ-BQP thành lập Viện HKVT Viettel, trực thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội, có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các trang thiết bị kỹ thuật quân sự CNC theo yêu cầu, nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao và phục vụ dân sinh; liên kết hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước về nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực HKVT. Đây là quyết định lịch sử đối với sự ra đời và phát triển của Viện HKVT Viettel và ngày 25-2 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của viện.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm và kiểm tra Viện Hàng không Vũ trụ Viettel năm 2022. Ảnh do đơn vị cung cấp |
HKVT là lĩnh vực mới, đòi hỏi công nghệ và trình độ cao, trên thế giới chưa có nhiều quốc gia thành công. Việc tiếp cận công nghệ trong lĩnh vực này cũng không dễ dàng, bởi tính bảo mật cao, các quốc gia không chuyển giao. Để đạt được thành công trong lĩnh vực đầy khó khăn và thử thách này, điều cốt lõi phải chọn được hướng đi đúng và cách làm phù hợp. Đó là làm chủ được thiết kế hệ thống, làm chủ tích hợp hệ thống và làm chủ các công nghệ lõi của sản phẩm; kết hợp những kinh nghiệm trong tác chiến của các đơn vị trong quân đội, hợp tác với các đối tác trong và ngoài quân đội để sản xuất các thành phần. Về cách làm, Viện HKVT Viettel xác định đi từ nhỏ đến lớn; đi từ dễ đến khó; dùng các công nghệ tiên tiến của thế giới như mô hình mô phỏng, sử dụng hệ thống siêu máy tính. Cách làm này vừa góp phần tăng số lần thử nghiệm, rút ngắn quá trình nghiên cứu, đồng thời tối ưu chi phí.
Một tổ chức làm những việc mới và khó đòi hỏi bộ máy rất linh hoạt, cùng những con người giỏi và tràn đầy nhiệt huyết. Với những chính sách trọng dụng, thu hút nhân tài, Viện HKVT Viettel đã quy tụ được nhiều chuyên gia giỏi, hàng đầu trong lĩnh vực HKVT, trong đó có những nhân sự từng làm việc ở những công ty hàng không hàng đầu thế giới, như: Boeing, Airbus… Viện HKVT Viettel cũng là môi trường làm việc chuyên nghiệp với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, các quy trình, tiêu chuẩn nghiêm ngặt được các tổ chức thế giới công nhận (AS 9100D và ISO 9001:2015).
Sau 5 năm thành lập, với tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thử thách, Viện HKVT Viettel đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các sản phẩm trang bị kỹ thuật quân sự CNC. Đến năm 2021, Viện HKVT Viettel đã hoàn thành nghiệm thu cấp Bộ Quốc phòng hai dòng sản phẩm chiến lược quan trọng, tiến tới đưa vào trang bị trong quân đội. Những kết quả trên đã đánh dấu bước phát triển mới của ngành CNQP Việt Nam, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất, kể từ khi thành lập đến nay, Viện HKVT Viettel đã hoàn thành mở mới 32 nhiệm vụ khoa học công nghệ; nghiệm thu 16 nhiệm vụ khoa học công nghệ; xét công nhận và khen thưởng gần 200 ý tưởng và sáng kiến áp dụng trong sản xuất, kinh doanh, làm lợi cho quân đội nhiều tỷ đồng. Đơn vị đã hoàn thành đăng ký bảo hộ gần 200 sáng chế, được đăng công báo sở hữu công nghệ của Cục Sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, đơn vị đã đăng ký bảo hộ gần 20 sáng chế tại cơ quan quản lý sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ và đã có sáng chế được cơ quan này công nhận.
Với những nỗ lực không ngừng, 5 năm qua, Đảng bộ Viện HKVT Viettel luôn đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; đơn vị luôn được công nhận đơn vị vững mạnh toàn diện; 2 năm 2017, 2020 được tặng Cờ thi đua Chính phủ, 3 năm (2016, 2019, 2021) được tặng Cờ thi đua Bộ Quốc phòng, năm 2018 được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, đồng thời là đơn vị tiêu biểu được nhận Cờ thi đua của Tập đoàn Vietel trong Phong trào Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2014-2019.
Thành công trên của Viện HKVT Viettel đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có khả năng làm chủ các sản phẩm CNQP CNC, khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam. Với những kết quả đó, ngày 13-12-2021, Viện HKVT Viettel vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
Phát huy những kết quả đã đạt được, với sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và khát khao chinh phục công nghệ, những năm tới, Viện HKVT Viettel tiếp tục nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất nhiều dòng sản phẩm mới tiên tiến, hiện đại đưa vào trang bị cho quân đội, phấn đấu trở thành hạt nhân nòng cốt trong tổ hợp CNQP CNC của Việt Nam.
Ý kiến ()