Tiền mất… tội mang!
Đối tượng Long Văn Quốc tại phiên tòa xét xử |
Khoảng đầu tháng 12/2016, Long Văn Quốc, sinh năm 1982, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk một mình đón xe khách từ Đắk Lắk về tỉnh Cao Bằng thăm quê. Đến khoảng 17 giờ ngày hôm sau thì đến Bến xe Cao Bằng. Khi xuống xe, đang tìm thuê phòng nghỉ thì có một người đàn ông khoảng 40 tuổi không quen biết đến bắt chuyện và mời mua tiền giả nhưng Quốc không mua. Người đàn ông đó cho Quốc số điện thoại và hẹn khi cần mua thì gọi. Sau khi thuê được phòng nghỉ, khoảng 18 giờ cùng ngày, Quốc nảy sinh ý định mua tiền Việt Nam giả nên gọi điện cho người đàn ông đó và hẹn gặp nhau tại quán nước gần nơi Quốc đang thuê trọ. Qua trao đổi, thỏa thuận, Quốc đã dùng 20 triệu đồng tiền Việt Nam thật để mua 80 triệu đồng tiền Việt Nam giả, loại tiền polyme, mệnh giá 200 nghìn đồng.
Mua tiền giả xong, Quốc quay về nhà nghỉ, còn người đàn ông kia đi đâu không rõ. Sau đó Quốc không về thăm quê mà ở lại thành phố Cao Bằng chơi đến ngày hôm sau rồi đón xe khách về Đắc Lắk. Tại Đắk Lắk, Quốc 2 lần mang tiền giả đi mua giầy dép, quần áo, mỗi lần 1 triệu đồng, nhưng bị người bán hàng phát hiện trả lại. Ngày 17/1/2017, Quốc đón xe khách từ Đắc Lắk đến Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, mang theo toàn bộ số tiền giả nói trên, với mục đích mua đồ dùng cá nhân. Khoảng 18 giờ ngày hôm sau, khi đến khu vực Cửa khẩu Tân Thanh thì Quốc bị lực lượng biên phòng kiểm tra, bắt giữ cùng tang vật.
Tại phiên xét xử lưu động ngày 18/5/2017, Tòa án Nhân dân huyện Văn Lãng tuyên phạt bị cáo Long Văn Quốc hơn 7 năm tù về tội tàng trữ tiền giả. Ông Vi Đức Trí, Chánh án Tòa án Nhân dân huyện cho biết: Những vụ án liên quan đến tiền giả thời gian qua có xu hướng ngày càng phức tạp. Đặc biệt, nếu như trước đây, tiền giả mà các cơ quan chức năng thu được có mệnh giá thấp thì gần đây số tiền giả thu được thường có mệnh giá lớn hơn. Trong số đó, nhiều người chỉ vì hám lợi nhất thời mà rơi vào bẫy của các đối tượng xấu.
Trong vụ án trên, điều đáng trách là dù lặn lội từ Đắc Lắk về Cao Bằng, nhưng Quốc không thăm quê, mà khi mua được tiền giả đã vội quay trở lại Đắc Lắk để tìm cách tiêu thụ. Lẽ ra khi biết người đàn ông dụ dỗ mình mua tiền giả, Quốc phải trình báo với cơ quan chức năng. Rõ ràng là lòng tham, sự hám lợi của bản thân đã đẩy Quốc vào con đường phạm tội.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Quốc làm nghề nông nghiệp, trước đó chưa có tiền án, tiền sự; đã ly hôn, có 2 con, đứa nhỏ mới 8 tuổi. Chỉ vì phút yếu lòng, Quốc đã phải trả giá cho hành vi phạm pháp của mình. Và đáng thương hơn cả là những đứa con của Quốc sẽ sống ra sao, tương lai thế nào khi không có cha mẹ ở bên chăm sóc?
Để tránh rơi vào tình cảnh “tiền mất, tội mang”, mỗi người chúng ta tuyệt đối không tiêu thụ và mua bán tiền giả. Đồng thời nắm rõ những đặc điểm của tiền thật để hạn chế rủi ro trong quá trình giao dịch. Ngoài ra, người dân cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả; tích cực phối hợp với cơ quan chức năng đấu tranh, phòng chống có hiệu quả đối với loại tội phạm này.
Ý kiến ()