Tiện ích mua sắm qua các kênh bán lẻ
(LSO) – Thời gian qua, hoạt động bán lẻ trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển. Các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi ngày càng nhiều, không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn có mặt ở các cụm xã, thị trấn tại các huyện trong toàn tỉnh. Qua đó, đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày một tăng cao của người dân.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có 3 siêu thị hạng 3 gồm: Thành Đô, Đồng Tiến, VinMart và các trung tâm thương mại (TTTM) như: Đồng Đăng, Đồng Tiến, Phú Lộc Plaza … Cùng đó là 7 cửa hàng Vinmart bán lẻ tổng hợp thuộc chuỗi cửa hàng của Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce Chi nhánh Lạng sơn… Qua đó, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo.
Người dân mua sắm tại cửa hàng tiện lợi 142 phố Đức Hinh 1, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan
Bên cạnh các siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở thành phố thì các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tại các huyện cũng đang dần hình thành và phát triển, với đa dạng sản phẩm, thu hút khách hàng. Hiện nay, tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh đều có các siêu thị mini, cửa hàng tiện ích để phục vụ người dân. Như cửa hàng tự chọn 142, phố Đức Tâm 1, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan.
Bà Triệu Tố Ninh, chủ cửa hàng cho biết: Nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao của người dân, năm 2018 tôi quyết định mở cửa hàng tự chọn với đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng. Khách hàng ở đây chủ yếu là người dân khu vực thị trấn và các xã lân cận như: Tú Xuyên, An Sơn, Điềm He, Bình Phúc… Trung bình mỗi ngày, cửa hàng đón hơn 200 lượt khách, doanh thu hằng tháng đạt hơn 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong năm, cửa hàng thực hiện từ 3 đến 4 chương trình khuyến mại và có nhiều sản phẩm khuyến mại xuyên suốt cả năm.
Bà Hoàng Thị Chính, xã An Sơn, huyện Văn Quan cho biết: Hai năm trở lại đây, khi có cửa hàng tiện lợi, tôi đã chuyển sang mua sắm ở đây, bởi các mặt hàng đa dạng, sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên yên tâm hơn về chất lượng, cùng với đó, giá cả được niêm yết và thường có chương trình khuyến mại.
Theo số liệu của Sở Công thương, mạng lưới cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh hiện có gần 20.000 điểm (trong đó có các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi với phong cách bán hàng hiện đại) đã đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu của dân cư. Sự ra đời của các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi đã từng bước thay đổi thói quen mua sắm của người dân. Thay vì mua sắm tại các điểm bán hàng nhỏ lẻ với nỗi lo về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa thì người dân đã lựa chọn những điểm bán hàng, cửa hàng tiện lợi uy tín. Các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được sắp xếp một cách ngăn nắp, dễ nhìn, thanh toán nhanh chóng.
Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai mô hình điểm bán hàng hiện đại không chỉ ở địa bàn thành phố mà còn mở rộng ra ở khu vực nông thôn; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp quan tâm đầu tư, phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại.
Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong 10 tháng của năm 2020 vẫn được xấp xỉ 16.500 tỷ đồng, đạt 73,5% kế hoạch năm. Từ nay đến cuối năm, sức mua của người dân tăng cao, Sở Công thương đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát thị trường và việc thực hiện chương trình dự trữ, bình ổn hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, vừa đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, vừa hỗ trợ hệ thống bán lẻ phát triển. |
Ý kiến ()