Tiền Hải (Thái Bình): Phát triển kinh tế biển gắn với chống biến đổi khí hậu
Với chiều dài 23 km bờ biển, huyện Tiền Hải là địa phương có thế mạnh về phát triển nuôi trồng thuỷ, hải sản và du lịch biển của tỉnh Thái Bình. Nhiều năm qua, huyện là một trong những địa phương đi đầu về phát triển kinh tế của tỉnh, với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,2%. Tuy nhiên, Tiền Hải đang là vùng bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.Theo đồng chí Nguyễn Như Thăng, Bí thư Huyện uỷ Tiền Hải, từ năm 1960 đến năm 2010, nhiệt độ trung bình của huyện đã tăng 0,4 độ C, vào mùa hạ nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao đột ngột. Cũng trong 50 năm qua, lượng mưa trên địa bàn huyện giảm 9%, nhưng khi có mưa thường kèm theo lốc xoáy và mưa to, kéo dài, gây ngập lụt trên diện rộng. Về mùa đông, nền nhiệt trung bình tăng, nhưng thường xuyên xuất hiện rét kéo dài và gây ra rét đậm, rét hại. Diện tích nuôi ngao của Tiền Hải bị tổn thất nặng nề do cơn bão số 8 gây ra. (Ảnh: Đ.H)Mực nước biển cũng tăng 20 cm...
Với chiều dài 23 km bờ biển, huyện Tiền Hải là địa phương có thế mạnh về phát triển nuôi trồng thuỷ, hải sản và du lịch biển của tỉnh Thái Bình. Nhiều năm qua, huyện là một trong những địa phương đi đầu về phát triển kinh tế của tỉnh, với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,2%. Tuy nhiên, Tiền Hải đang là vùng bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Theo đồng chí Nguyễn Như Thăng, Bí thư Huyện uỷ Tiền Hải, từ năm 1960 đến năm 2010, nhiệt độ trung bình của huyện đã tăng 0,4 độ C, vào mùa hạ nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao đột ngột. Cũng trong 50 năm qua, lượng mưa trên địa bàn huyện giảm 9%, nhưng khi có mưa thường kèm theo lốc xoáy và mưa to, kéo dài, gây ngập lụt trên diện rộng. Về mùa đông, nền nhiệt trung bình tăng, nhưng thường xuyên xuất hiện rét kéo dài và gây ra rét đậm, rét hại.
Diện tích nuôi ngao của Tiền Hải bị tổn thất nặng nề do cơn bão số 8 gây ra. (Ảnh: Đ.H) |
Mực nước biển cũng tăng 20 cm trong vòng 50 năm qua, tình trạng nhiễm mặn đã xảy ra ở các cửa sông, nhất là về mùa khô mưa ít làm ảnh hưởng lớn tới diện tích canh tác trồng cây màu ven sông, ven biển. Biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng đã tác động đến tất cả các lĩnh vực trong sản xuất và môi trường, xuất hiện nhiều loại thiên địch làm thay đổi cơ cấu mùa vụ, phá huỷ nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi, giảm độ bền của máy móc thiết bị và làm tăng chi phí sản xuất. Trước thực trạng đó, địa phương triển khai nhiều biện pháp để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Nhiều mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu
Từ việc chủ động đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Tiền Hải đã tìm ra mô hình nuôi thuỷ hải sản dưới tán rừng ngập mặn để thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, địa phương đã tập trung chỉ đạo tổ chức xây dựng các dự án chuyển đổi sản xuất với tổng diện tích là 722 ha từ đất làm muối, đất cấy lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ hải sản với tổng mức đầu tư 82,3 tỷ đồng. Các vùng chuyển đổi trong thời gian qua đều đạt kết quả tốt, hiệu quả kinh tế cao gấp 5-6 lần so với cấy lúa và làm muối. Đã hình thành một số vùng nuôi thuỷ hải sản tập trung ở các xã Nam Cường, Đông Minh, Nam Thịnh, Nam Thắng, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ nông dân.
Huyện cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển nuôi ngao tại bốn tiểu vùng thuộc bãi triều ven biển để đẩy mạnh nuôi ngao hàng hoá gắn với chế biến và xuất khẩu, tạo bước đột phá trong phát triển thuỷ sản của Thái Bình. Ngoài việc phát triển diện tích nuôi ngao thương phẩm, huyện cũng quy hoạch một số vùng ươm ngao giống với diện tích 600 ha. Với ba cơ sở sản xuất giống thuỷ sản là Công ty TNHH Trường Đại (xã Nam Phú); Công ty TNHH giống thuỷ sản Hải Long (xã Nam Cường) và Trại giống thuỷ sản Đông Minh, mỗi năm đã đáp ứng được 20% nhu cầu con giống trong huyện. Tính đến năm 2011, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản toàn huyện là 4.073 ha, sản lượng đạt 39.100 tấn, đạt giá trị 364,4 tỷ đồng, đã đưa hoạt động nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Củng cố kết cấu hạ tầng
Để ngăn ngừa thảm hoạ và phòng chống thiên tai, nhất là nước biển dâng, địa phương cũng tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội vùng ven biển. Thời gian qua, địa phương đã tăng cường phát triển trồng rừng ngập mặn với đa dạng loại hình, loại cây. Đến nay, địa phương có trên 4.300 ha rừng ngập mặn xen ghép, gồm các loại cây như bần, vẹt, phi lao… tập trung ở các xã như Đông Long, Nam Thịnh, Nam Hưng, Nam Phú,…
Cùng với trồng rừng, địa phương cũng tập trung nâng cấp đê biển, xây dựng phương án chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng sẵn sàng ứng cứu khi có bão lũ xảy ra. Huyện đã phối hợp với các ngành hữu quan của tỉnh thực hiện có hiệu quả việc nâng cấp đê biển, hoàn thành cứng hoá đê biển số 5 và đang triển khai thực hiện dự án cứng hoá đê biển số 6 với tổng mức đầu tư 408 tỷ đồng. Đầu tư xử lý một số kè xung yếu ở khu vực xã Nam Hồng, Nam Hải; xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực di dân xã Đông Long để thực hiện dự án di dân vùng sạt lở ngoài đê quốc gia xã Đông Long. Ngoài ra, năm 2011, địa phương cũng đã triển khai thực hiện dự án bến cá Cửa Lân với tổng vốn đầu tư trên 28 tỷ đồng. Hiện, dự án này đã hoàn thành các công trình bến nghiêng, bến đứng, nạo hút luồng, đường ra vào bến, mái kè đường xuống bến cá… Những công trình hoàn thành đã đưa vào sử dụng góp phần quan trọng cho ngành thuỷ sản của địa phương phát triển.
Các tàu cá ở xã Nam Thịnh cũng bị cơn bão số 8 làm hỏng không thể ra khơi. (Ảnh: Đ.H) |
Tuy địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc phát triển kinh tế gắn với chống biến đổi khí hậu, nhưng vẫn còn một số tồn tại cần sớm khắc phục, đó là: một số vùng chuyển đổi hiệu quả chưa cao, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ. Một số cấp uỷ, chính quyền và nhân dân vùng ven biển chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của biến đổi khí hậu, chưa có những chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể và đầu tư nguồn lực cho phát triển kinh tế bền vững. Công tác quy hoạch còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, chưa có quy hoạch chuyên ngành. Tuy đã có hai tuyến đê biển đã được Nhà nước đầu tư xây dựng một số đoạn đủ cao trình và mặt cắt thiết kế, đủ khả năng chống đỡ với bão cấp 10 và triều trung bình, nhưng những đoạn đê còn lại chưa được đầu tư xây dựng. Cao trình mặt đê, mặt cắt đê còn thiếu so với thiết kế; nền và thân đê, đất đắp đê không được đồng chất, chủ yếu được đắp bằng đất cát pha, một số chân kè không ổn định, nhiều bãi đầu kè bị sạt lở. Cơ sở vật chất hiện tại chưa đáp ứng được với việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; kinh phí đầu tư cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế…
Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu
Để phát triển kinh tế và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu bền vững, Tiền Hải đang ra sức nâng cao nhận thức cộng đồng và các bên liên quan để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, trồng mới và khoanh vùng bảo tồn rừng ngập mặn theo mô hình quản lý khu dự trữ sinh quyền thế giới châu thổ sông Hồng. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống đê biển, chống triều cường.
Nghiên cứu quy hoạch các loại đất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu, trong đó đề cao việc đánh giá toàn diện về khả năng thích nghi cũng như dự báo về khả năng suy giảm năng suất cây trồng. Chọn tạo những giống lúa mới có khả năng thích nghi với đồng đất Tiền Hải và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu như QR2, DT68,J02,… và giống lúa chống mặn như H1, H2. Chủ trương của huyện là đầu tư 100% kinh phí mua giống để cấy khảo nghiệm. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ; đa dạng hoá các loại cây màu, bố trí vùng phù hợp với từng loại cây màu, mở rộng diện tích các loại cây màu trồng trên đất 2 lúa.
Trên cơ sở đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với diện tích, năng suất và sản lượng nuôi trồng thuỷ hải sản để đề xuất các biện pháp đối phó và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản khi nước biển dâng. Nhanh chóng cải tiến những công nghệ nuôi, đối tượng nuôi mới; những công nghệ khai thác phù hợp với biến đổi khí hậu. Chọn tạo những giống nuôi mới có khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khả năng kháng bệnh cao. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ, phát triển ngành thuỷ sản, sản xuất giống thuỷ sản nhân tạo để tái tạo và phục hồi nguồn lợi thuỷ sản. Áp dụng quy trình GAP trong thuỷ sản để nâng cao hệ số sử dụng thức ăn, giảm chi phí, xử lý chất thải hữu cơ trong nuôi trồng thuỷ hải sản.
Đẩy nhanh thực hiện các chương trình, dự án nâng chất lượng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ chắn sóng, chắn gió, chắn cát di động ven biển. Triển khai kế hoạch quản lý chống phá rừng, sâu bệnh hại rừng, trồng rừng mới. Xây dựng Khu du lịch sinh thái Cồn Vành có bãi biển trải dài 6 km gắn với rừng phi lao trồng chắn sóng, chắn gió và rừng ngập mặn tự nhiên. Nhanh chóng đánh giá khả năng chịu đựng được biến đổi khí hậu đối với các công trình thuỷ lợi, làm tốt công tác bảo vệ đê biển; sớm hoàn thiện tuyến đê biển số 5, triển khai cứng hoá tuyến đê biển số 6. Nâng cao năng lực và trình độ khoa học công nghệ và quy hoạch, thiết kế, xây dựng công trình thuỷ lợi, tăng cường trang thiết bị cơ sở vật chất và tính chuyên nghiệp cho các lực lượng khi thiên tai xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất tổn thất, rủi ro. Lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu vào quá trình xây dựng các biện pháp bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế – xã hội…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()