Tiền Giang thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
Tỉnh Tiền Giang thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, phấn đấu trong năm 2014 có thêm 5.200 hộ dân được công nhận thoát nghèo và giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 5,17%.
* Quảng Ninh đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ trong các lĩnh vực
Tỉnh ưu tiên triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, tạo cơ hội để các hộ nghèo và cận nghèo có việc làm ổn định, đa dạng hóa ngành nghề, khai thác có hiệu quả các tiềm năng về đất đai, lao động để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; trong đó chú trọng việc dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, lao động tại các địa bàn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tỉnh giúp hộ nghèo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, trợ giúp pháp lý cho người nghèo; bảo vệ phụ nữ và trẻ em nghèo. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật địa bàn khó khăn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, gắn công tác giảm nghèo với các chương trình xây dựng nông thôn mới; huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án, các doanh nghiệp… để hỗ trợ hộ nghèo.
Tỉnh triển khai chương trình hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho hơn ba nghìn lao động nghèo; chuyển giao kỹ thuật khuyến nông, khuyến ngư, kỹ thuật canh tác khoa học, hiệu quả cho hơn 15 nghìn lượt người nghèo nhằm giúp bà con khai thác tốt các mô hình sản xuất phù hợp. Ngoài ra, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu, có phương án sản xuất, kinh doanh cũng được giải quyết vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội…
* Tỉnh Quảng Ninh vừa banhành Quy hoạch phát triển khoa học – công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tạo điều kiện, cơ sở để các địa phương, ngành, doanh nghiệp triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án cụ thể. Ðồng thời thúc đẩy ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến trong tất cả các lĩnh vực nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản bền vững phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo đó, tỉnh đã đề ra các nhóm nhiệm vụ để phát triển toàn diện lĩnh vực khoa học và công nghệ gồm: khoa xã hội và tự nhiên; khoa học kỹ thuật trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; phát triển dịch vụ, giáo dục – đào tạo, y tế, môi trường; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; dịch vụ khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế mới về quản lý khoa học và công nghệ.
Thông qua các quy hoạch, các nhóm giải pháp tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt được một số mục tiêu quan trọng như: Hình thành khu công nghiệp công nghệ cao Quảng Ninh; xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống thủy sản, giống gia súc, gia cầm; ứng dụng công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch; ứng dụng khoa học và công nghệ vào tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, quản lý, văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường…; đưa giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 40 đến 45% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh; nâng số cán bộ nghiên cứu và phát triển lên 10 đến 11 người/10 nghìn dân; 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hóa chủ lực thực hiện các dự án nâng cao năng suất, chất lượng…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()