Tiền Giang tái tạo nguồn giống thuỷ sản
Thời gian qua, việc khai thác thủy sản bằng những ngư cụ có tính chất hủy diệt hàng loạt, nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang có nguy cơ biến mất một số loài, các loài có giá trị kinh tế ngày càng giảm dần về tính đa dạng, về thành phần loài và số lượng.
Sản xuất cá giống trên sông Tiền, thành phố Mỹ Tho (Ảnh: K.V) |
Để khắc phục tình trạng trên, từ ngày 26/3 đến nay, Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang cùng với Chi cục Thủy sản tỉnh cùng với chính quyền và người dân các địa phương trong địa bàn tỉnh tiến hành thả hai đợt thuỷ sản với gần 500 nghìn con tôm và cá giống các loại vào môi trường nước tự nhiên thuộc địa bàn Bến phà Mỹ Thuận cũ, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè và Bến đò ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.
Nguồn tôm, cá giống thả bổ sung để khôi phục nguồn lợi thủy sản đợt này được tranh thủ từ sự hỗ trợ của các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm, cá giống trên địa bàn huyện Cái Bè, huyện Tân Phú Đông, Trung tâm Quốc gia giống Thủy sản nước ngọt Nam bộ và Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang.
Theo Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang, hiện nguồn lợi thủy sản tự nhiên, nhất là khu vực nội đồng đang bị suy giảm rất nghiêm trọng. Nhiều loài thủy sản trong các thủy vực tự nhiên có sản lượng giảm từ 80% đến 90% so với cách đây 10 năm, thậm chí có nhiều loài cá trên sông Tiền, cũng như trong các kênh rạch nội đồng sắp bị tuyệt chủng như cá hô, cá trê vàng, cá ngát, cá lăng, tôm sú, tôm càng xanh…
Được biết, Chi cục thuỷ sản tỉnh Tiền Giang cũng đã có đề tài “Khảo sát, đánh giá môi trường, đề xuất và triển khai giải pháp phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Tiền Giang”, đây là đề tài được thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh Tiền Giang với mục tiêu khảo sát, đánh giá tác động môi trường nước trên các thủy vực sông, rạch, vùng nội đồng và vùng Cửa Tiểu tỉnh Tiền Giang; tập huấn tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tập huấn quy trình sản xuất giống, kỹ thuật nuôi thương phẩm một số giống loài cá bản địa và một số giống loài thủy sản nước lợ, mặn; Thả giống phục hồi nguồn lợi thủy sản một số giống loài cá bản địa; và đề ra giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Theo đánh giá của đề tài trên, nguồn lợi thủy sản của tỉnh Tiền Giang đã và đang sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng và thành phần loài do nguồn lợi thủy sản sông Mê kông giảm, do khai thác bừa bãi, ý thức cộng đồng chưa cao, khai thác tận diệt, do hình thành ô đê bao trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến hệ sinh thái có nhiều thay đổi ảnh hưởng đến các loài thủy sản sinh sống, sinh sản và phát triển. Do vậy, cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ thủy sản/năm đối với những vùng thích hợp, nhằm vừa tăng hiệu quả sản xuất kinh tế hộ vừa mang tính bền vững, tạo điều kiện cho thủy sản tự nhiên có nơi sinh sống và sinh sản; đồng thời tăng cường công tác thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các địa phương, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, tiếp tục tuyên truyền các quy định của Nhà nước và ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân, bên cạnh đó, cần xã hội hóa công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vào môi trường tự nhiên một cách thường xuyên hơn nữa.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()