Tiền Giang chủ động ứng phó hạn, mặn
Mùa khô năm 2013, tình hình nắng hạn đến sớm, kéo dài, mặn lấn sâu nhanh vào nội đồng, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân nông thôn, nhất là các huyện phía đông của Tiền Giang. Tuy nhiên, nhờ chủ động triển khai sớm, đồng bộ các giải pháp trữ nước cho sản xuất, cũng như tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cấp nước sinh hoạt, cho nên đến thời điểm hiện nay, Tiền Giang vẫn bảo đảm đủ nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt, không để xảy ra thiệt hại.
Mùa khô năm 2013, tình hình nắng hạn đến sớm, kéo dài, mặn lấn sâu nhanh vào nội đồng, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân nông thôn, nhất là các huyện phía đông của Tiền Giang. Tuy nhiên, nhờ chủ động triển khai sớm, đồng bộ các giải pháp trữ nước cho sản xuất, cũng như tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cấp nước sinh hoạt, cho nên đến thời điểm hiện nay, Tiền Giang vẫn bảo đảm đủ nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt, không để xảy ra thiệt hại.
Trữ nước cho sản xuất nông nghiệp
Những ngày cuối tháng 3, tình hình nắng hạn ở Tiền Giang đã bước vào cao điểm của mùa khô. Nắng nóng gay gắt, mặn đã lấn sâu trên sông Tiền đến khu vực TP Mỹ Tho. Hầu hết các cống ngăn mặn đều đóng. Nước trên các kênh phục vụ sản xuất bắt đầu cạn kiệt. Thế nhưng, khác với mùa khô của những năm trước, áp lực và nỗi lo thiếu nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân các huyện phía đông Tiền Giang đã dần xua tan. Tại huyện giáp biển – Gò Công Ðông, mặc dù diễn biến của mùa khô năm nay khá phức tạp, gay gắt nhưng tình hình sản xuất vụ đông xuân của huyện vẫn an toàn. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Nguyễn Văn Quý cho biết: Ngay từ đầu mùa khô, huyện tập trung mọi nguồn lực để làm thủy lợi nội đồng từ nhiều nguồn vốn, đồng thời được tỉnh hỗ trợ kinh phí công tác bơm chuyền nên hơn 11 nghìn ha lúa đông xuân của huyện đến thời điểm này đã thu hoạch dứt điểm, không có diện tích thiệt hại, năng suất đạt khá cao, bình quân 60 tạ/ha. Ngoài huyện giáp biển, tình hình sản xuất của các xã cuối nguồn Dự án ngọt hóa Gò Công vẫn ổn định, người dân phấn khởi. Anh Nguyễn Chí Trung, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo cho biết, gần một tuần nay, UBND xã đã tổ chức bơm chuyền từ kênh Tham Thu vào kênh nội đồng để người dân bơm nước về ruộng cho nên ruộng lúa khu vực này sẽ an toàn cho đến khi thu hoạch.
Tại xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, nhờ chính quyền và nhân dân tích cực làm tốt công tác thủy lợi nội đồng và bơm chuyền cho nên tình hình sản xuất cây lúa cũng không đáng ngại. Anh Lưu Văn Tuấn, ấp Bình Hòa Long, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây cho biết, mấy năm gần đây, chưa có năm nào nước kênh nội đồng thấp như năm nay. Năm rồi, thu hoạch xong, nước kênh vẫn còn rất cao. Năm nay, nhiều trà lúa còn xanh mà nước kênh đã hết. Gần một ha lúa đang làm đòng tưởng bị chết khô, nhưng nhờ xã chủ động được nguồn nước cho nên an toàn rồi. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nhì Nguyễn Văn Thanh nói: Mực nước kênh mùa khô năm 2013 thấp nhất trong những năm trở lại đây. Trên địa bàn xã có bốn tuyến kênh cấp 2 bị cạn nước. Hơn một tuần qua, xã phải tổ chức bơm chuyền từ kênh Tham Thu vào các kênh này để người dân có nước bơm vào ruộng, phục vụ cho hơn 230 ha lúa đang làm đòng. Hiện mực nước kênh đã được nâng lên hơn trước, tình trạng thiếu nước ở các tuyến kênh trên đã được cải thiện.
Tập trung bảo đảm nước sinh hoạt
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cho biết: Từ việc nắm chắc nguyên nhân và dự báo mặn 2013 đến sớm và xâm nhập sâu vào nội đồng, tỉnh đã có kế hoạch chủ động và chỉ đạo các ngành có liên quan quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm không để thiếu nước cho sản xuất và “khát” nước đối với người dân nông thôn, nhất là các xã vùng ven biển thuộc các huyện phía đông Tiền Giang trong mùa khô 2013. Cụ thể, vụ đông xuân năm 2012-2013, toàn tỉnh gieo sạ hơn 80 nghìn ha, trong đó đặc biệt là khu vực các huyện phía đông của tỉnh sẽ thiếu nước ngọt trầm trọng khi các cống ngăn mặn đóng triệt để, lượng nước trữ trong kênh không đáp ứng đủ cho sản xuất sẽ xảy ra tình trạng phải bơm chuyền. Theo số liệu thống kê của các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Ðông và thị xã Gò Công và qua khảo sát thực tế diện tích lúa đông xuân 2012-2013 của Dự án Ngọt hóa Gò Công có khả năng bị thiếu nước cần phải bơm chuyền hai cấp khoảng 2,8 nghìn ha/gần 30 nghìn ha. Từ thực tế này, để giảm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ kinh phí bơm chuyền (hai cấp) chống hạn cứu lúa. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang Nguyễn Thiện Pháp cho biết: Do người dân tuân thủ lịch thời vụ và chủ động bơm tác nên đến thời điểm này không có diện tích bị thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Gần 30 nghìn ha lúa đông xuân đã cơ bản thu hoạch dứt điểm, an toàn. Riêng vụ hè thu sớm năm 2013, theo kế hoạch toàn tỉnh dự kiến xuống giống hơn 42 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở bốn huyện phía tây Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành. Theo đó, căn cứ hiện trạng công trình thủy lợi, tình hình xâm nhập mặn và mực nước vùng Ðồng Tháp Mười xuống thấp, các diện tích xa nguồn nước phải bơm chuyền hai cấp khoảng 11.500 ha, kinh phí hơn mười tỷ đồng. Ðồng thời, để bảo đảm cho sản xuất vụ hè thu sớm không xảy ra thiệt hại, Sở NN-PTNT đã phối hợp các ngành liên quan, các địa phương triển khai thực hiện các kế hoạch như: Thường xuyên quan trắc theo dõi đo độ mặn và thông báo kịp thời cho các phòng nông nghiệp huyện khi độ mặn đạt 2 g/lít để có kế hoạch đắp đập ngăn mặn và thông báo kịp thời cho nhân dân biết để chủ động lấy nước.Tổ chức thực hiện tốt công tác giải tỏa lòng kênh, rong cỏ, nạo vét khơi thông dòng chảy, củng cố bờ bao, bờ vùng và thường xuyên theo dõi diễn biến mặn để tuyên truyền vận động nhân dân chủ động bơm trữ nước trong điều kiện độ mặn cho phép.
Thời điểm hiện nay đã bước vào cao điểm của mùa khô năm 2013 và theo dự báo hạn, mặn có thể kéo dài đến cuối tháng 5, cũng là thời điểm các huyện phía đông người dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang Cao Văn Hóa cho biết: Ðể chủ động đối phó với hạn, mặn năm 2013, ngay từ đầu năm, sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cấp nước sinh hoạt bằng những giải pháp cụ thể và hiệu quả. Ðến nay, tỉnh đã đầu tư gần 16 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp và làm mới hệ thống dẫn nước ngọt cho các huyện phía đông; đồng thời mở 72 vòi nước công cộng miễn phí phục vụ cho người dân thuộc các xã ven biển, ven sông chưa có nguồn nước sinh hoạt cho nên việc phục vụ nước sinh hoạt cho các huyện thường xuyên thiếu nước vào mùa khô năm nay cơ bản ổn định.
Từ việc chủ động tích cực xây dựng kế hoạch và triển khai sớm các giải pháp ứng phó hạn, mặn mùa khô năm 2013 đã bảo đảm an toàn cho hơn 80 nghìn ha lúa đông xuân thu hoạch an toàn, hiệu quả khá cao; vấn đề thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng hằng năm ở các huyện phía đông của tỉnh đặc biệt là các huyện ven biển đã được cải thiện tốt. Tuy nhiên, theo Sở NN-PTNT tỉnh thì không thể lơ là vì hạn, mặn năm nay có thể kéo dài. Các địa phương, nhất là các huyện phía tây cần chủ động nguồn nước để tránh thiệt hại cho vụ hè thu sớm; đồng thời thường xuyên theo dõi tình hình cấp nước sinh hoạt ở các huyện phía đông để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Theo Nhandan
Ý kiến ()