Tiến độ thành lập Trường phổ thông dân tộc bán trú ở Văn Quan: Những ghi nhận tích cực
LSO-Nhận thức việc đẩy nhanh tiến độ thành lập Trường Phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) là tạo nguồn lực quan trọng cho giáo dục vùng khó khăn phát triển, trong thời gian vừa qua, Văn Quan đã nỗ lực thực hiện công tác này.
Giờ lên lớp của lớp 6 Trường phổ thông DTBT xã Tri Lễ |
Sau khai giảng vài ngày, trường phổ thông DTBT- THCS xã Tri Lễ đã ổn định và đi vào nếp sinh hoạt. Nếu ở các lớp học, thầy và trò đang chú trọng vào công tác chuyên môn, thì dưới nhà bếp, các nhân viên cấp dưỡng đang tất bật với soong chảo để chuẩn bị bữa cơm trưa cho 198 học sinh. Chỉ cho chúng tôi xem cái nhà bếp của phòng công vụ giáo viên bé xíu, ngột ngạt khói, cô giáo Hoàng Thị Kim, Phó Hiệu trưởng nhà trường nói rằng, không còn cách nào khác, muốn thu hút học sinh thì phải khắc phục vậy thôi. Dẫn chúng tôi xem phòng ăn được tận dụng từ một phòng học cũ, trong đó kê 9 chiếc bàn, cô nói thêm: “Nếu trước đây chúng ta có tình trạng học “3 ca”, thì bây giờ trường bán trú Tri Lễ có tình trạng “phòng ăn 3 ca”; tuy vậy, các cháu đều được ăn no, đủ chất và tiến tới ăn ngon. Trò chuyện với cháu Hoàng Thị Nguyệt, học sinh lớp 6, nhà ở thôn Nà Chầu cách trường 5 cây số, cháu cho biết, mỗi ngày được ăn 3 bữa, bữa nào cũng có thịt, hơn hẳn ở nhà; việc sinh hoạt học tập có các cô giáo hướng dẫn và quản lý, nên chỉ mấy ngày đến trường, cháu đã tự tin hơn rất nhiều.
Thầy giáo Trần Văn Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường được thành lập và đi vào hoạt động từ năm học 2012-2013, chỉ 1 năm thực hiện bán trú, 100% học sinh đã được học 2 buổi/ngày, chất lượng giáo dục của nhà trường đã được nâng lên nhiều, nhà trường đã có học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Là trường đầu tiên của huyện thực hiện loại hình này, nhà trường đã nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan như Tỉnh đoàn, các cơ quan của huyện xây dựng được 2 phòng bán trú. Do chỉ bố trí được chỗ ở cho trên 100 học sinh nên năm học 2012-2013, nhà trường đã liên hệ với các nhà dân xung quanh chợ Bản Châu cho 104 cháu ở trọ, số tiền hỗ trợ nhà ở cho các cháu (100 ngàn đồng/học sinh), nhà trường trực tiếp trả cho các gia đình. Vì vậy các gia đình rất phấn khởi, vì vừa là tình nghĩa, vừa không bị thiệt thòi về các khoản chi điện, nước… khi cho các cháu ở trọ. Theo thống kê của ngành GD&ĐT Văn Quan, năm học 2013-2014 toàn huyện có 1167 học sinh tiểu học và THCS của 6 xã đặc biệt khó khăn thuộc diện bán trú. Theo kế hoạch, ngành phải chuyển đổi các trường tiểu học và THCS ở các địa phương này thành 11 trường phổ thông DTBT; trong năm học 2012-2013, trường phổ thông DTBT –THCS Tri Lễ được coi là “điểm” của ngành để năm học 2013-2014 nhân rộng loại hình. Trong tháng 6/2013, huyện đã chuyển đổi thêm 2 trường của xã Hòa Bình với 84 học sinh và xã Phú Mỹ với 67 học sinh. Ngay trong cuối tháng 9 này sẽ thành lập thêm 4 trường từ việc chuyển đổi trường THCS Đồng Giáp, Tiểu học 2 Tri Lễ, Tiểu học Hữu Lễ, THCS Song Giang. Còn 4 trường nữa sẽ hoàn thành việc chuyển đổi vào cuối năm học này. Khi chuyển đổi, một số trường tiểu học có thuận lợi là đã thực hiện chương trình SEQAP nên cơ sở vật chất phục vụ và nền nếp sinh hoạt và học tập của học sinh đã khá ổn định. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất vẫn là nơi ăn nghỉ cho học sinh bán trú.
Thầy giáo Đổng Tiến Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết, là huyện nghèo, nên sự hỗ trợ ngân sách địa phương cho xây dựng nhà bán trú hầu như không có. Cũng không thể huy động sự đóng góp của người dân. Vì vậy bên cạnh việc tận dụng tối đa cơ sở vật chất cho phòng bán trú, các nhà trường liên hệ với người dân xung quanh trường cho các em ở trọ. Về nhà bếp, dụng cụ cấp dưỡng, ngành cố gắng tiết kiệm từ chi thường xuyên để hỗ trợ cho các trường mua sắm dần.
Tuy vậy, cần có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn về vật chất của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức cá nhân để học sinh các trường Phổ thông DTBT của Văn Quan ngày càng bớt khó khăn.
Ý kiến ()