Tiền đề cho sản xuất hàng hóa
LSO-Để măng tre Bát độ phát triển lâu dài, bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân, thời gian qua, huyện Hữu Lũng đã chú trọng hướng dẫn nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu tập thể, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Công nhân Hợp tác xã Quyết Thắng sơ chế măng bát độ
Cây tre Bát độ được nông dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng trồng từ những năm 2000. Tính đến năm 2018, toàn huyện có 186 ha tre Bát độ, sản lượng trên 1.100 tấn măng. Giá bán bình quân từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg măng tươi, mỗi năm, măng Bát độ mang về cho nông dân nguồn thu nhập hơn 7 tỷ đồng. Từ năm thứ 3 cây tre Bát độ cho thu nhập ổn định từ 200 đến 300 triệu đồng/ha/năm, những năm sau thu nhập sẽ tăng dần vì đây là giai đoạn măng phát triển mạnh.
Trên địa bàn huyện Hữu Lũng măng Bát độ được trồng dọc 2 bên bờ sông Trung, sông Thương. Ngoài để ăn tươi, măng Bát độ còn có thể chế biến thành đồ hộp, đóng túi, làm măng chua, sấy khô dạng lát, sợi… để tăng thời gian bảo quản và chủ động nguồn cung cho thị trường.
Thấy được giá trị kinh tế lâu dài mà cây trồng này mang lại, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng đã triển khai dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm măng Bát độ của huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn”. Dự án được triển khai từ tháng 8/2017 đến 1/2019 với mục tiêu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cao hơn là tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là yêu cầu khách quan trong điều kiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Ông Vũ Đình Thứ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng, chủ nhiệm dự án cho biết: Triển khai dự án, phòng đã điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về sản phẩm măng Bát độ và vùng bảo hộ để làm cơ sở xây dựng hồ sơ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời xây dựng hệ thống công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể, hệ thống nhận diện sản phẩm, quy chế sử dụng tem, nhãn… Ngày 17/1/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm măng Bát độ của huyện Hữu Lũng. Tháng 5/2020, dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm măng Bát độ của huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn” được Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu.
Song song với xây dựng hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng đã chủ động tuyên truyền, định hướng nông dân mở rộng diện tích trên cơ sở quy hoạch vùng chuyên canh mà dự án đã đề ra. Cùng với đó, xây dựng tài liệu hướng dẫn, tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế măng cho nông dân trên địa bàn huyện. Cùng đó, tranh thủ các nguồn vốn, phòng đã cấp trên 27.000 cây giống, trên 20 tấn phân bón cho 1.600 hộ dân tại 12 xã trong diện quy hoạch vùng trồng tre Bát độ.
Xác định xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ là tiền đề để nông dân yên tâm đầu tư cho cây trồng này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ động phối hợp với Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C Bắc Giang ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm măng sơ chế cho nông dân trên địa bàn huyện làm thực phẩm đóng hộp. Theo đó, huyện Hữu Lũng đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng cơ sở sơ chế măng tre tại xã Quyết Thắng. Hiện nay, cơ sở sơ chế trên 500 kg măng tươi mỗi ngày.
Sau khi nhãn hiệu tập thể “Măng Bát độ Hữu Lũng” được công nhận, nông dân trên địa bàn không chỉ yên tâm sản xuất mà còn chủ động mở rộng diện tích. Đến nay, tổng diện tích tre Bát độ trên địa bàn huyện Hữu Lũng đạt 179 ha. Những năm gần đây, măng tre Bát độ đã trở thành cây trồng giúp nông dân tăng thêm thu nhập, từng bước làm giàu.
Ý kiến ()