Tiền đề cho sản xuất hàng hóa
Người dân xã Công Sơn, huyện Cao Lộc thu hoạch chanh rừng – Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG |
Từ lâu, người ta đã biết đến quả chanh rừng với công dụng là một vị thuốc trị ho đặc biệt hiệu quả. Quả chanh rừng ngâm mật ong hay đơn giản là ngâm với muối trắng là bài thuốc trị ho, giải cảm, chữa viêm họng… Không chỉ có vậy, trong các món ăn hằng ngày, chanh rừng được sử dụng rộng rãi làm gia vị, ngâm măng ớt giúp tăng hương vị món ăn, kích thích vị giác… Chính vì vậy, quả chanh rừng không chỉ được người dân trên địa bàn tỉnh ưa chuộng mà còn được du khách đưa đi khắp mọi miền. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu nào đánh giá chất lượng sản phẩm chanh rừng trồng ở vùng núi Mẫu Sơn. Đồng thời sản phẩm chanh rừng chưa có NHTT nên giá bán trên thị trường chưa phản ánh được giá trị thực cũng như danh tiếng của nó. Chính vì vậy, Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Cao Lộc đang tích cực xây dựng NHTT “Mẫu Sơn” cho sản phẩm chanh rừng tại vùng núi Mẫu Sơn nhằm giúp người trồng chanh mở rộng diện tích sản xuất, tăng thu nhập.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cây chanh rừng mọc tự nhiên trên các sườn đồi, thượng nguồn khe suối, lạch nước nhỏ các xã Công Sơn, Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc), Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình). Những năm gần đây, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, một số bà con đã nhân giống trên đất vườn đồi quanh nhà. Sau khi trồng từ 5 đến 7 năm, cây bắt đầu cho quả. Đặc biệt, hoa chanh rừng nở gối vụ nên thời gian cho thu hoạch dài (từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch). Quả chanh rừng cho thu hoạch từ lúc còn xanh đến khi chín vàng. Theo thống kê sơ bộ, vùng núi Mẫu Sơn có trên 55 ha chanh rừng với 22.449 gốc, trong đó, trên 10.000 gốc đang cho quả, sản lượng ước đạt trên 100 tấn quả tươi/năm. Ông Dương Dì Mình, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc cho biết: Nhà tôi có hơn 1.000 gốc chanh, thời điểm vào mùa, mỗi ngày, gia đình tôi hái được khoảng 50 kg quả. Do chưa có thị trường ổn định, không có người thu mua nên chủ yếu là tự mang ra chợ, các điểm có nhiều khách du lịch bán.
Ông Hoàng Văn Sỹ, Phó Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Cao Lộc cho biết: Thực hiện chủ trương xây dựng NHTT “Mẫu Sơn” cho sản phẩm chanh rừng, chúng tôi đã điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất, kinh doanh và xây dựng bản đồ vùng trồng chanh rừng Mẫu Sơn. Đặc biệt, gửi mẫu đi phân tích các chỉ tiêu chủ yếu của quả chanh rừng. Cùng đó, tiến hành thiết kế mẫu NHTT “Mẫu Sơn” cho sản phẩm chanh rừng để xác lập quyền sở hữu. Hiện nay, phòng đang xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện để quản lý NHTT “Mẫu Sơn” cho sản phẩm chanh rừng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai các hoạt động quảng bá và thí điểm khai thác NHTT này.
Được biết, hệ thống bưu điện toàn quốc đang triển khai trang web bán hàng trực tuyến các sản phẩm đặc sản mọi vùng miền. Tuy nhiên, trên trang web này, Lạng Sơn hiện vẫn chưa có sản phẩm nào. Nguyên nhân là các sản phẩm đặc sản của Lạng Sơn chủ yếu là sản phẩm tươi, chưa qua chế biến, đặc biệt chưa được đăng ký SHTT. Có thể thấy, muốn mở rộng thị trường, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng thì bên cạnh đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, người sản xuất cần chú trọng đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Chính vì vậy, khi đăng ký NHTT, người trồng chanh sẽ có cơ hội đưa sản phẩm của mình đi khắp nơi, đây cũng chính là tiền đề hình thành vùng chuyên canh cây chanh rừng.
Ý kiến ()