Tiêm vaccine cho trẻ để giảm thiểu dấu hiệu chuyển nặng của bệnh
Số mũi tiêm cho trẻ từ 12 cho đến 17 tuổi ở Việt Nam đã đạt tới con số 17 triệu, trong đó mũi tiêm thứ nhất đạt trên 97% và mũi tiêm thứ hai đạt 94,6%.
Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam đến nay, tỷ lệ mắc COVID-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng 490.000 trẻ, trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi.
Trẻ 12-17 tuổi đã tiêm chủng đều có triệu chứng nhẹ khi mắc COVID-19
Thông tin về tình hình tiêm chủng cho trẻ từ 12 cho đến 17 tuổi ở trong nước, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết chiến dịch rất thành công.
Số mũi tiêm đã đạt tới 17 triệu, trong đó mũi tiêm thứ nhất đạt trên 97% và mũi tiêm thứ hai đạt 94,6%. Việc này chứng tỏ kết quả tổ chức tiêm chủng rất an toàn và nhận được sự đồng tình cao của các bậc phụ huynh.
Chỉ có từ 0,5-10% các cháu được ghi nhận tiêm chủng có phản ứng thông thường, tùy từng địa phương, thấp hơn nhiều so với số liệu khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Một số trường hợp phản vệ độ 2, viêm cơ tim, nhưng đã được xử trí kịp thời, không để xảy ra rủi ro đáng tiếc.
Đánh giá về hiệu quả ban đầu của việc tiêm vaccine trong phòng, chống lây nhiễm, điều trị COVID-19 ở nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, hiện đang điều trị trong hai Bệnh viện Nhi hàng đầu của đất nước, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, hiệu quả của vaccine là cơ bản và hữu hiệu để đẩy lùi COVID-19.
Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục khuyến cáo cần đẩy mạnh bao phủ tiêm chủng hơn nữa, đặc biệt cho nhóm người nguy cơ và nhóm yếu thế (nhóm trẻ em).
“Tại Hà Nội, tình hình dịch bệnh đang diễn ra và nhóm trẻ được tiêm chủng đã đi học. Các cháu khi bị nhiễm thì tình trạng nhẹ. Chưa có trường hợp nào được tiêm chủng từ 12-17 tuổi phải nhập viện. Với nhóm này, chúng ta đã làm giảm tình trạng phải nhập viện, giảm thiểu được dấu hiệu chuyển nặng của bệnh,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Điển nói.
Thông tin về tình hình tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi ở các nước trên thế giới hiện nay, cùng những thông tin mới nhất từ nghiên cứu và thực tiễn tiêm ở các nước phát triển, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Thị Hồng cho biết, theo thông tin của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới, có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Đã có 80 triệu liều của hãng Pfizer/BioNTech được phân bổ cho các quốc gia.
Tính an toàn của vaccine cho trẻ ở độ tuổi này cũng tương tự như đối với vaccine sử dụng cho người lớn và trẻ lớn từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Do đó, Việt Nam đã triển khai như các quốc gia trên thế giới.
Theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng, đối với mỗi nhóm tuổi sẽ có từng loại vaccine khác nhau. Tới đây, tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi, chúng ta sử dụng vaccine do hãng Pfizer Biontech sản xuất, tuy nhiên hàm lượng vaccine chỉ bằng 1/3 hàm lượng kháng nguyên so với lứa tuổi lớn hơn.
Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển cho biết bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin – khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus.
Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng. Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm không nên lo ngại, vì cũng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn.
Chia sẻ lý do vì sao đa số trẻ em mắc COVID-19 đều không triệu chứng và triệu chứng nhẹ nhưng vẫn nên tiêm vaccine, Tiến sĩ Phạm Quang Thái – Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) cho biết hiện nay, số lượng nhiễm ở người lớn đang tăng rất nhanh kéo theo tỷ lệ mắc ở trẻ cũng tăng.
Mặc dù số ca nặng ở trẻ không cao như người lớn, nhưng có trường hợp nặng, nguy kịch và thậm chí tử vong. Tỷ lệ lớn trẻ em mắc COVID-19 bị nhẹ nhưng với số lượng trẻ nhiễm lớn, số ca nặng và tử vong cũng sẽ không nhỏ.
Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc hội chứng hậu COVID-19, viêm đa tạng hay biến chứng bất lợi như viêm cơ tim chiếm tỷ lệ không nhỏ. Các đối tượng này chưa được tiêm vaccine.
Đảm bảo an toàn cho học sinh
Ngày 18/2, Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc cao nhất cả nước với 4.549 ca. Đây là ngày thành phố ghi nhận số ca F0 cao nhất từ trước tới nay với 4.549 ca F0, trong đó có 964 ca tại cộng đồng; 3.585 ca đã cách ly.
Bệnh nhân phân bố tại 495 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh có 308 ca; Hoàng Mai có 282 ca; Nam Từ Liêm có 244 ca… Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội từ ngày 29/4/2021 đến nay là 191.547 ca.
Trước tình trạng tăng nhanh số ca F0 trên địa bàn, trước đó, ngày 17/2, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND về việc quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, của người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong; khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Ngày 18/2, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký Văn bản số 472/UBND-KGVX gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, UBND các quận về việc điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thống nhất đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 397/TTr-SGDĐT ngày 18/2/2022 về việc điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối lớp 1-6 thuộc 12 quận cho đến khi có thông báo mới.
Tại tỉnh Lào Cai, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã yêu cầu tạm dừng việc tổ chức dạy và học trực tiếp đối với tất cả các cấp học trên địa bàn thành phố Lào Cai kể từ ngày 19/2/2022 cho đến khi có thông báo mới gồm: Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, Giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp.
Đây là nội dung công điện hỏa tốc số 616/UBND-VX ngày 18/2 của UBND tỉnh về việc tạm dừng tổ chức dạy và học trực tiếp trên địa bàn thành phố Lào Cai để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang, từ 7/2 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 600 giáo viên, học sinh mắc COVID-19 ở các huyện, thành phố.
Sở yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; không tập trung đông người. Các đơn vị không tổ chức các hoạt động tập thể vượt quá quy mô của lớp học; quản lý học sinh ở trong lớp học trong thời gian nghỉ giữa giờ, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là việc đeo khẩu trang khi đến trường, sát khuẩn tay, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn khuôn viên, phòng lớp học, đồ dùng dạy học, kiểm soát khách đến đơn vị bằng QR-Code trên ứng dụng PC-Covid/.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()