Tiêm phòng vacxin sởi - công việc cấp bách hiện nay
LSO-Tuy Lạng Sơn vẫn nằm trong số 4 tỉnh, thành phố chưa xuất hiện bệnh sởi, song nguy cơ là rất lớn. Thực hiện Công điện “Khẩn” của Bộ Y tế và sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành y tế đã khẩn trương triển khai các biện pháp hành động.
Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Mỹ (Văn Lãng) tiêm phòng sởi cho trẻ em |
Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi ở các địa phương, thực hiện Quyết định số 601/QĐ-BYT, ngày 20/2/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về “Triển khai tiêm vacxin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vacxin sởi”, ngành y tế Lạng Sơn đã chỉ đạo tất cả các huyện, thành phố tiến hành thống kê số trẻ trong tuổi tiêm và trẻ dưới 5 tuổi để lập kế hoạch tiêm phòng sởi. Thống kê cho biết, đến cuối tháng 3/2014, toàn tỉnh còn 8.490 trẻ từ trong 9 tháng tuổi chưa tiêm đủ mũi 2 và trẻ dưới 5 tuổi chưa tiêm phòng sởi.
Trên cơ sở thống kê, Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) đã lấy đủ 8.490 liều vac xin để cấp cho cơ sở. Song song với việc cung cấp đủ vacxin, ngành đã tiến hành chỉ đạo các Trung tâm y tế triển khai tổ chức tiêm và giám sát kiểm tra tất cả 226 điểm tiêm tại 226 trạm y tế xã. Trung tâm YTDP tổ chức giám sát nghiêm ngặt các ca bệnh ở trẻ em, nhất là những trường hợp sốt, phát ban để xét nghiệm phát hiện bệnh sởi. Trong tháng 3 và 10 ngày đầu tháng 4/2014, Trung tâm đã lấy 10 mẫu nghi sởi tại thành phố Lạng Sơn, Cao Lộc và Văn Quan để xét nghiệm, kết quả cho thấy có 6 mẫu trả lời là âm tính với sởi, 4 mẫu còn lại chưa có kết quả.
Nếu trước đây, Lạng Sơn thường có những vụ dịch sởi xảy ra với hàng trăm trẻ mắc, trong đó có nhiều trẻ tử vong, thì từ năm 2000 tới nay bệnh sởi đã giảm nhiều; đặc biệt, từ năm 2005 đến nay Lạng Sơn chỉ có những ca sởi nhỏ lẻ mà không diễn biến thành dịch. Kết quả đó là do khâu tuyên truyền tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm phòng sởi được tiến hành rộng khắp, người dân luôn có ý thức tự giác đưa con em mình đi tiêm đúng tuổi và đủ mũi. Kết quả đó cũng là biểu hiện rõ nhất trong hiệu quả hoạt động của y tế tuyến xã, công tác giám sát của YTDP.
Theo các chuyên gia y tế, đến nay sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu như ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, sau tai), sưng đau khớp. Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, bệnh nhân dễ mắc các biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não… có thể dẫn đến tàn phế, tử vong. Sởi là bệnh dễ lây, nên phải thực hiện cách ly, không cho trẻ đến gần hoặc tiếp xúc với người nghi sởi. Khi phụ huynh phát hiện có trẻ sốt, phát ban, cần thông báo và đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly để kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm và tránh lây nhiễm.
Ngoài các khuyến cáo trên, bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh lưu ý các gia đình có con em trong tuổi tiêm (từ 1-9 tháng tuổi) phải đưa trẻ đi tiêm đủ 2 mũi. Các gia đình có con dưới 5 tuổi chưa tiêm phòng sởi cần phải đưa trẻ đi tiêm ngay. Hiện nay vacxin sởi đã có đủ và các trạm y tế đã triển khai tiêm cùng với tiêm chủng mở rộng, nên rất thuận lợi cho chiến dịch tiêm phòng sởi năm 2014. Tại các trường mầm non, các điểm trông giữ trẻ, các giáo viên và người trông giữ trẻ cần phải tìm hiểu kiến thức về sởi, cách phát hiện các triệu chứng về sởi để thông báo cho các gia đình, tránh tình trạng không phát hiện trẻ mắc, dẫn tới điều trị trễ, dễ nguy hiểm đến tính mạng và lây ra diện rộng.
MINH HỒNG
Ý kiến ()