Tiêm phòng sởi – rubella cho trẻ: Cần nâng cao nhận thức của phụ huynh
LSO-Trước tình hình bệnh sởi có dấu hiệu tăng cao tại nhiều địa phương và đã có người bệnh tử vong, ngành y tế Lạng Sơn phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tiêm vắc-xin sởi – rubella cho học sinh ngay tại trường, tạo thuận lợi cho phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn vẫn còn nhiều phụ huynh lo ngại về việc cho trẻ đi tiêm.
Cán bộ Trung tâm y tế thành phố Lạng Sơn tiêm vắc-xin sởi – rubella
cho trẻ tại trường mầm non 8/3
Nằm trong kế hoạch của Bộ Y tế, tháng 11 và 12 vừa qua, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi – rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi tại 11 huyện, thành phố.
Đối tượng tiêm là trẻ từ 1-5 tuổi (sinh từ 1/7/2013 – 31/6/2017) tại các huyện: Bình Gia, Văn Quan, Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn; trẻ từ 1-5 tuổi (sinh từ 1/1/2014 – 1/11/2017) tại các huyện: Tràng Định, Văn Lãng, Bắc Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập và Chi Lăng.
Tất cả các trẻ từ 1-5 tuổi sinh ra trong thời gian trên tại 11 huyện, thành phố đều được tiêm 1 mũi vắc-xin sởi – rubella không kể tiền sử đã được tiêm chủng vắc-xin sởi, sởi – rubella hoặc sởi – quai bị – rubella trước đó, ngoại trừ những trẻ đã tiêm trong thời gian dưới 1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung.
Theo kế hoạch triển khai chiến dịch, Sở Y tế Lạng Sơn xác định mục tiêu hơn 95% trẻ thuộc đối tượng này trên địa bàn tỉnh được tiêm bổ sung một mũi vắc xin phòng bệnh sởi – rubella.
Trẻ đang đi học sẽ được tiêm chủng đồng loạt tại các trường mẫu giáo, mầm non; trẻ không đi học được tiêm chủng tại trạm y tế và thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị sót ngay cuối mỗi đợt hoặc trong đợt tiêm chủng.
Điều dưỡng Phòng khám đa khoa Phú Lộc kiểm tra
vắc-xin sởi – quai bị – rubella
Tuy nhiên, một số phụ huynh do chưa nhận thức được tầm quan trọng trong việc tiêm bổ sung vắc-xin sởi – rubella cho trẻ nên vẫn còn e ngại khi cho con đi tiêm tại trường.
Chị Bùi Kiều Trinh, đường Lê Đại Hành, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi không cho con đi tiêm tại trường vì sợ con có phản ứng sốt, quấy khóc rồi ốm, với lại, tôi cũng không biết thuốc như nào nên không dám cho con đi tiêm.
Chị Lại Lan Phương, phường Vĩnh Trại cũng e ngại việc tiêm chủng đại trà thì chất lượng thuốc sẽ không đảm bảo, có những biến chứng xảy ra sau tiêm.
Không chỉ riêng chị Trinh, chị Phương, đây cũng là tâm lý chung của nhiều phụ huynh trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Một số người cho rằng: thông thường trước khi tiêm, trẻ sẽ được khám sàng lọc về sức khỏe; sau khi tiêm được theo dõi phản ứng trong vòng 30 phút. Tuy nhiên, ở các trường học, số lượng trẻ khá đông, không giám sát hết được mọi biểu hiện phản ứng của trẻ. Ngoài ra, do số lượng các cháu rất đông cho nên rất khó khăn trong quản lý, giám sát hoạt động khi tiêm chủng.
Bác sỹ Dương Anh Dũng, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn cho biết: Đây là chiến dịch tiêm bắt buộc và hoàn toàn miễn phí vì tình hình chu kỳ bệnh sởi từ 4 đến 5 năm quay lại một lần. Việc tiêm ở trường mầm non sẽ đạt hiệu quả hơn do tập trung đông các cháu, hạn chế tình trạng bố, mẹ không đưa trẻ đi tiêm hoặc tiêm chậm khiến trẻ dễ mắc bệnh.
Chúng tôi khuyến cáo các bậc cha mẹ nên cho con tiêm vắc-xin. Nếu gia đình nào không muốn tiêm ở trường học thì có thể đến trạm y tế để tiêm vắc-xin tiêm chủng mở rộng. Công tác tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc-xin và vật tư tiêm chủng được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy định cho nên cha mẹ học sinh có thể hoàn toàn yên tâm về quy trình tiêm cũng như chất lượng vắc-xin.
Tính đến hết ngày 27/12/2018, toàn tỉnh đã tiêm được 40.504 trẻ (chiếm 83,4%) và đều an toàn.
Bác sỹ Dũng cho biết thêm: Số trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc một số trẻ đã tiêm chủng nhưng mức độ đáp ứng miễn dịch không tốt do cơ địa tích lũy qua các năm, khi số lượng này đủ lớn trong điều kiện vi-rút sởi lưu hành có thể phát thành dịch.
Nhằm tăng cường phòng chống bệnh sởi cho nhóm trẻ em sinh ra sau chiến dịch thì việc mở rộng phạm vi triển khai tiêm vắc-xin sởi – rubella tại các vùng nguy cơ cao là rất cần thiết.
Hoạt động này sẽ góp phần quan trọng không để dịch sởi, rubella quay trở lại và góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu loại trừ bệnh sởi và rubella cùng với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương trong tương lai.
Mục 5, điều 29 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm có quy định: “Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng” |
TRANG VÂN
Ý kiến ()