Tiêm phòng cho đàn vật nuôi: Cần sự chủ động từ phía người chăn nuôi
– Tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả. Tuy nhiên, hiện việc triển khai công tác tiêm phòng trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ chưa cao và trở ngại chính lại từ phía người chăn nuôi.
Thời gian qua, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung tiêm phòng đợt I/2023 (từ ngày 1/3 đến ngày 30/4) cho đàn vật nuôi theo kế hoạch. Tuy vậy, tỷ lệ tiêm phòng đợt I/2023 đạt rất thấp.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định tiêm phòng cho đàn trâu trên địa bàn xã Đề Thám
Như tại huyện Hữu Lũng, tính đến hết ngày 30/4, cơ quan chuyên môn mới tiêm phòng được cho hơn 2,8 nghìn lượt con trâu, đạt 11,67% so với tổng đàn; gần 13 nghìn lượt con lợn, đạt 32,28%; 131 nghìn lượt con gia cầm, đạt 24%.
Các huyện, thành phố khác cũng gặp không ít trong việc triển khai tiêm phòng các loại bệnh dịch cho đàn vật nuôi. Tính đến hết tháng 4/2023, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố mới thực hiện tiêm phòng một số loại bệnh cho 10.535/95.909 con trâu, bò; tiêm phòng 34 nghìn/179.000 con lợn; hơn 174 nghìn /4,5 triệu con gia cầm.
Chia sẻ những khó khăn trong công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi, bà Chu Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Bình cho biết: Số lượng con vật nuôi được tiêm phòng còn thấp so với tổng đàn, phần lớn là do các chủ chăn nuôi, nhất là các chủ hộ chăn nuôi quy mô hộ gia đình chưa thực sự hợp tác với cán bộ thú y để triển khai tiêm phòng cho đàn vật nuôi của mình. Cụ thể như mặc dù đã được cán bộ thú y cơ sở phụ trách địa bàn thông báo trước về lịch tiêm phòng nhưng nhiều chủ hộ nuôi trâu, bò vẫn cứ thả rông trâu, bò ra ngoài khiến cán bộ thú y đến nhưng không có vật nuôi để tiêm. Cùng đó, theo quy định thì người chăn nuôi phải chi trả tiền mua vắc-xin phòng một số loại bệnh trên đàn gia cầm, nhà nước chỉ hỗ trợ tiền công tiêm phòng nhưng do ngại phải trả chi phí nên nhiều hộ không đồng ý thực hiện tiêm phòng.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Thời gian qua, ngành chuyên môn và chính quyền các huyện đã đẩy mạnh hoạt động tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, khi được vận động hầu hết các hộ chăn nuôi đều từ chối tiêm phòng, phần vì không muốn tốn kinh phí, phần vì sợ vắc-xin tiêm phòng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn vật nuôi. Ngoài ra, người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi nên khi chưa thấy có dịch bệnh người chăn nuôi thường chủ quan, không chủ động thực hiện tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm của mình.
Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: theo quy định, tỷ lệ tiêm phòng các loại bệnh cho đàn vật nuôi phải đạt ít nhất 80% tổng đàn trở lên mới đạt yêu cầu về công tác phòng, chống dịch bệnh. Để nâng cao kết quả công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm, sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất, nhất là đảm bảo đủ số liều vắc-xin phục vụ công tác tiêm phòng. Đồng thời, chủ động phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức hướng dẫn cán bộ thú y cơ sở thực hiện tiêm phòng theo phương pháp cuốn chiếu, tức là thực hiện dứt điểm từng khu vực, địa bàn, xử lý kịp thời các trường hợp không chấp hành tiêm phòng xong mới được chuyển sang điểm tiêm khác, và nếu kết quả chưa đạt chỉ tiêu phải tổ chức rà soát tiêm phòng lại. Cùng đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền về công tác tiêm phòng và lợi ích của tiêm phòng để người chăn nuôi được biết và tích cực, tự giác thực hiện.
Tiêm phòng cho đàn vật nuôi nhằm kiểm soát sự phát sinh, lây lan của một số loại bệnh phổ biến, nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giúp hạn chế dịch bệnh. Do vậy, bên cạnh những giải pháp của ngành chuyên môn, để tránh thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra trong chăn nuôi, các hộ chăn nuôi cần chủ động thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi của mình.
Ý kiến ()