Tiềm năng phát triển du lịch làng nghề truyền thống ở Lạng Sơn
LSO-Tuy không nhiều làng nghề truyền thống nhưng Lạng Sơn cũng có những làng nghề mang đậm nét đặc trưng văn hóa. Tiêu biểu như nghề làm bánh cao khô Vạn Linh (Chi Lăng), cao khô xã Tân Liên, nghề thổ cẩm ở xã Hòa Cư, nghề nấu rượu ở xã Công Sơn, Mẫu Sơn (Cao Lộc), nghề làm ngói (âm dương) ở xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn),… Bên cạnh đó còn nhiều nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt, rèn, làm hương vẫn được các tầng lớp nhân dân duy trì để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế gia đình và sinh hoạt hàng ngày. Đây thực sự là những tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch làng nghề truyền thống hoặc gắn kết, là điểm đến của các loại hình du lịch hấp dẫn khác như du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.
Nghề làm hương ở xã Gia Cát, Cao Lộc |
Trong những năm qua, vấn đề bảo tồn nghề thủ công truyền thống được tỉnh ta quan tâm và nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng, người dân. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Theo đó, trong các định hướng, quy hoạch, chương trình phát triển du lịch của tỉnh cũng đều đề cập rất rõ việc phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Khuyến khích phát triển các loại hình gắn với bảo tồn tự nhiên và văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số, sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch… Đặc biệt, trong kế hoạch của tỉnh về bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa (DSVH) của tỉnh từ nay đến năm 2015 đã đặt ra việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng và phổ biến một số loại hình DSVH phi vật thể của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu về văn hóa tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học về phát huy giá trị DSVH phi vật thể ở Lạng Sơn. Lựa chọn các DSVH phi vật thể (như nghệ thuật âm nhạc, múa, lễ hội, tiếng nói, chữ viết, tập quán xã hội, các tri thức bí quyết nghề thủ công,…) bảo tồn bằng phương pháp tư liệu hóa và trao truyền qua nhiều thế hệ. Khuyến khích đội ngũ nghệ nhân trao truyền bí quyết, kiến thức DSVH cho thế hệ trẻ. Trong Đề án bảo tồn DSVH tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2015, mục tiêu cụ thể đến năm 2015, đầu tư xây dựng từ 2 – 3 Làng văn hóa dân tộc tiêu biểu trở thành Làng văn hóa du lịch cộng đồng. Để đạt được mục tiêu đó, sẽ tiến hành nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các làng văn hóa tiêu biểu của dân tộc gắn với xây dựng mô hình làng văn hóa – du lịch.
Có thể nói, chủ trương, định hướng, mục tiêu phát triển du lịch đã có. Do đó, nếu du lịch làng nghề truyền thống được phát huy thì chắc chắn sẽ tạo ra sự phong phú, đa dạng trong nội dung loại hình du lịch văn hóa mà lâu nay vẫn được xem là thế mạnh của tỉnh. Đặc biệt, sẽ tăng thêm chiều sâu, điểm nhấn cho du lịch cộng đồng tại các làng quê Xứ Lạng và các tua, tuyến du lịch đã, đang và sẽ hình thành, phát triển. Tất nhiên, phải đặt sự phát triển làng nghề đó trong nhu cầu phát triển kinh tế của người dân sở tại. Qua khảo sát thực tế cho thấy, các sản phẩm của làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh hiện đều tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm. Đây vẫn là một khó khăn lớn cho sự phát triển làng nghề một cách mạnh mẽ. Thứ nữa, ý thức trong việc đưa các sản phẩm của làng nghề phục vụ du lịch cũng chưa được chú ý nhiều. Thêm vào đó, công tác giới thiệu, quảng bá còn hạn chế, nhất là việc xây dựng thương hiệu… Trên thực tế, nhu cầu của du khách đối với việc tham quan du lịch làng nghề truyền thống là có. Đơn cử, mới đây, tôi có anh bạn từ Thanh Hóa ra Lạng Sơn chơi. Theo lệ, lần nào có khách, khi chia tay tôi đều biếu lọ măng ớt, mác mật, mấy bầu rượu Mẫu Sơn. Nhưng lần này với anh bạn ở Thanh Hóa tôi biếu thêm chục gói cao khô Vạn Linh. Sau một tuần, lại thấy anh bạn điện ra tấm tắc khen cao khô Vạn Linh ngon miệng, dễ ăn. Anh bảo lần sau ra Lạng Sơn nhất định tôi phải đưa anh đi thăm làng nghề này. Hay như anh Nguyễn Văn Cảnh (ở Thanh Ba, Phú Thọ) lên du lịch Lạng Sơn cho biết, được thưởng thức hương vị của rượu Mẫu Sơn, thậm chí mua về làm quà nhưng nếu được tham quan các công đoạn chưng cất và mua sản phẩm tại đó thì rất ý nghĩa…
Từ thực tế trên, thiết nghĩ, các cấp, ngành hữu quan cần tiếp tục lựa chọn một số làng văn hóa dân tộc để tập trung đầu tư, xây dựng và bảo tồn gắn với các hoạt động du lịch, dịch vụ; đặc biệt là các làng có những nét đặc trưng văn hóa riêng, còn giữ được các yếu tố cổ truyền như nhà ở, ngành nghề truyền thống… nhằm tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá; xây dựng các mô hình trình diễn tại các làng nghề truyền thống, thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề. Về phía các doanh nghiệp du lịch lữ hành cần quan tâm, xây dựng các tua du lịch gắn kết với các làng nghề, làng văn hóa – du lịch.
Ý kiến ()