Tiềm năng phát triển bền vững điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Công Thương cùng Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Cộng hòa LB Đức tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2023 lần thứ 6, năm 2023 với chủ đề “Chính sách, giải pháp công nghệ phục vụ phát triển bền vững điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam”.
Chương trình có sự quan tâm, đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP |
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Thị Hồng Lan cho biết, từ sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể, triển khai quyết liệt các hành động một cách hiệu quả nhằm đạt mục tiêu này.
Nhờ những chính sách và hành động mạnh mẽ, Việt Nam đã trở thành thị trường sôi động bậc nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương và dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển điện gió và điện mặt trời. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.250 MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt khoảng 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 25,4%.
Chia sẻ tại Diễn đàn Công nghệ và năng lượng Việt Nam 2023 lần thứ 6, ông Nguyễn Ngọc Hưng – Viện Năng lượng khẳng định, Việt Nam có cơ hội lớn để thúc đẩy nội địa hóa năng lượng tái tạo bằng việc tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo. Có cơ hội tham gia vào đầu tư, vận hành, bảo dưỡng dự án điện năng lượng tái tạo và thúc đẩy chuyển đổi việc làm xanh năng lượng tái tạo.
Về hiện trạng phát triển năng lượng điện gió, mặt trời tại Việt Nam, theo ông Hưng, tính đến cuối năm 2022, có 145 dự án điện mặt trời trang trại với tổng công suất 8.908 MW và sản lượng điện 15.293 GWh. Những địa phương có quy mô công suất lớn: Ninh Thuận, Bình Thuận Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng – Viện Năng lượng phát biểu tại Diễn đàn |
Việt Nam có hơn 100 nghìn điểm điện mặt trời mái nhà với công suất 9.608 MWp sản lượng phát lên lưới đạt gần 13 tỷ kWh. Các địa phương có quy mô công suất lớn về điện mặt trời mái nhà là Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phuoc, Long An…
Theo ông Hưng, công suất đặt và sản lượng nguồn điện mặt trời, điện gió tăng nhanh với sự xuất hiện cơ chế khuyến khích sử dụng giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ). Tỷ trọng sản lượng điện gió, điện mặt trời từ mức không đáng kể năm 2018 tăng lên 13,8% năm 2022. Sản lượng điện gió cao nhất vào các tháng 1, 2, 12. Sản lượng điện mặt trời cao nhất vào các tháng 3, 4, 5, 6.
Quy mô đầu tư cho nguồn điện gió, điện mặt trời ước tính gần 20 tỷ USD. Dư nợ tín dụng xanh cho năng lượng tái tạo tính đến cuối năm 2022 là 233 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,4% tổng GDP năm 2022.
Diễn đàn sẽ góp phần nâng cao tính lan tỏa, xây dựng hoàn thiện chính sách phát triển công nghệ năng lượng và đưa lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng thành một trong những lĩnh vực có đóng góp ngày càng hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với đó, Diễn đàn thúc đẩy mở rộng hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tăng cường chuyển giao công nghệ có hàm lượng tri thức cao, nguồn vốn từ các đối tác quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến góp phần vào mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.
Toàn cảnh Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2023 lần thứ 6 |
Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Trần Thị Hồng Lan cho rằng, tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng cũng như sự tham gia sâu của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) còn thấp. Dữ liệu thống kê, các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn nhập khẩu gần như 90% thiết bị từ Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Hoa Kỳ. “Việc chậm nội địa hóa sản xuất thiết bị và dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam một phần do còn thiếu năng lực đánh giá, phát triển dự án, cơ sở hạ tầng kém và phụ thuộc vào nước ngoài. Bên cạnh đó, năng lực công nghệ, trình độ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, chính sách và cơ chế hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ cho điện tái tạo còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh”, bà Trần Thị Hồng Lan cho hay.
Nguồn:https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/tiem-nang-phat-trien-ben-vung-dien-mat-troi-va-dien-gio-tai-viet-nam-655972.html
Ý kiến ()