Tiềm năng phát triển bất động sản du lịch ven đô Hà Nội
Trong khi du lịch nghỉ dưỡng bùng nổ ở những địa phương ven biển như Quảng Ninh, Đà Nẵng-Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu và Phú Quốc thì ở vùng ven những đô thị lớn như Hà Nội lại phát triển rất chậm.
Du lịch nghỉ dưỡng ở vùng ven những đô thị lớn như Hà Nội lại phát triển rất chậm. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)
Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 ưu tiên phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch bao gồm biển đảo, văn hóa, sinh thái và đô thị.
Trong bối cảnh đó, đầu tư vào du lịch cũng bùng nổ mạnh mẽ, hình thành nên những khu du lịch và khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, làm tăng sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.
Hệ thống cơ sở lưu trú không những tăng nhanh về số lượng mà chất lượng cũng ngày càng cải thiện, đặc biệt là làn sóng đầu tư căn hộ khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng đã bùng nổ trong những năm gần đây, đồng thời trở thành kênh đầu tư hấp dẫn cũng như làm phong phú loại hình lưu trú và nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế, trong khi du lịch nghỉ dưỡng bùng nổ ở những địa phương ven biển như Quảng Ninh, Đà Nẵng-Hội An, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu và Phú Quốc thì du lịch nghỉ dưỡng ở vùng ven những đô thị lớn như Hà Nội lại phát triển rất chậm, nếu không nói là tụt hậu rất xa so với du lịch nghỉ dưỡng biển.
Số lượng những khu du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản ở vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hoà Bình, Ninh Bình… rất khiêm tốn; trong đó có thể kể đến một số dự án đã đi vào hoạt động như khu du lịch Flamingo Đại Lải , Melia Ba Vì , Mai Châu Ecolodge , Serena Resort Kim Bôi và Emeralda Ninh Bình.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thản – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội chia sẻ, hiện có nhiều loại hình du lịch đang phát triển, đặc biệt là các khu quy mô lớn chất lượng cao khiến nhiều khách nước ngoài cũng phải choáng ngợp.
Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Ninh… đến nay đã phát triển quá nóng và đến một lúc nào đấy sẽ ít nhiều dẫn đến các hậu quả về môi trường, xã hội.
Lúc này, việc phát triển du lịch ven đô sẽ trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh các khu đô thị bị áp lực về môi trường, cuộc sống và không ít người cần có thời gian ngắn với chi phí thấp để giải quyết các vấn đề này.
Việc nghỉ ngơi, xả stress và tìm đến các khu nghỉ dưỡng ven đô trong tương lai cũng quan trọng như việc ăn uống. Chính vì vậy, trong tương lai, du lịch ven đô sẽ phát triển tốt.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường không thể ngồi chờ nhu cầu của xã hội về du lịch ven đô. Điều này cũng giống như câu chuyện con gà – quả trứng, cái gì có trước cái gì có sau, cung có trước hay cầu có trước.
Nếu chủ đầu tư chủ động đưa ra nguồn cung phù hợp với nhu cầu theo quy luật thị trường thì sẽ thành công. Cung đi trước đón đầu thì ắt sẽ có cầu. Trên thực tế, du lịch ven đô đã có từ khá lâu, nhưng vẫn còn hoạt động theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún và chưa tạo thành chuỗi.
Nếu chỉ đầu tư xong và chờ khách hàng tìm đến thì sẽ rất khó. Bởi vậy, xu thế hiện nay là các chủ đầu tư cần liên kết, hợp tác để đưa thông tin đến du khách và có dịch vụ tốt thì mới hiệu quả.
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển du lịch ven đô, ông Amorn Harnkham – nguyên Giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan cho biết, từ năm 2017, Thái Lan đã đón 37 triệu lượt khách du lịch trên toàn thế giới; trong đó 10 triệu đến từ Hàn Quốc cùng một lượng lớn du khách đến từ châu Âu, châu Á, châu Mỹ.
Theo ông Amorn Harnkham, Hà Nội cũng là 1 trong những điểm đến tốt nhất để đầu tư du lịch ven đô nhờ lợi thế kết nối giao thông thuận tiện, cơ cấu phù hợp giữa những vùng đồi núi kết nối rất tuyệt với.
Ông Amorn Harnkham kỳ vọng, Hà Nội sẽ là một trong những điểm đến tốt nhất châu Á về du lịch nghỉ dưỡng ven đô. Điều cần quan tâm là làm thế nào để kết nối Thái Lan và Việt Nam, xây dựng một khối liên minh về du lịch ven đô, kết nối khách cả hai chiều.
Là một trong những doanh nghiệp bước chân vào thị trường nghỉ dưỡng ven đô từ năm 2007, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Archi Invest Nguyễn Thành Trung chia sẻ, đơn vị không chuyên phát triển các khu du lịch cộng đồng mà lựa chọn đầu tư vào các homestay, resort và khu nghỉ dưỡng ngoại ô.
Kỳ vọng của doanh nghiệp này là sử dụng 3 mảng ghép từ loại hình cộng đồng, homestay và resort để tạo nên bức tranh hoàn chỉnh cho nghỉ dưỡng ven đô. Phân tích về tiềm năng của thị trường nghỉ dưỡng ven đô, ông Trung đánh giá đây là phân khúc có khả năng tăng trưởng mạnh và bền vững trong nhiều năm tới.
Nguồn cầu chính là khách du lịch nội địa và quốc tế đến Hà Nội. Với nhu cầu này, thị trường ngoại ô chính là khu vực “chia lửa” cho thị trường nội đô đang quá tải một cách toàn diện.
Đơn cử như năm 2016, Hà Nội đón 21,8 triệu lượt khách du lịch, cao gấp 5 lần thị trường Nha Trang và giữ mức tăng trưởng mỗi năm đều trên 10%. Thế nhưng, trong vòng 5 năm, từ 2012-2017, Hà Nội chỉ tăng thêm 1.200 phòng khách sạn từ 3-5 sao.
Lượng cung mới vô cùng khiêm tốn khiến sức ép cho nguồn cung ngày càng tăng. Điều này làm cho thời gian lưu trú của khách du lịch đến Hà Nội ngày cảng giảm, hiện trung bình chỉ đạt 4 ngày.
Rất nhiều cuộc họp của Tổng cục Du lịch đã đưa ra giải pháp; trong đó có việc san sẻ bằng cách kết nối với hệ thống du lịch của ngoại vi Hà Nội. Khu vực này được đánh giá có rất nhiều ưu điểm về văn hóa, thiên nhiên.
Với gần 30 triệu khách đến Hà Nội trong tương lai, khu vực ngoại vi sẽ chia sẻ điều này. Tiềm năng đã rõ, tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng, cái khó khăn của phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven đô là vào các ngày trong tuần và mùa đông, đặc biệt ở miền Bắc thì khả năng khai thác vẫn còn những hạn chế nhất định.
Điều này khiến các nhà đầu tư không mấy hứng thú sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng ven đô bởi lo ngại tài sản này khó được tối ưu hóa về giá trị. Nhưng yếu tố này cũng sẽ được loại bỏ nếu các khu nghỉ có sự liên kết cùng nhau và có dịch vụ tốt cũng như kết hợp được với hình thức hội họp, hội thảo./.
Ý kiến ()