Tiềm năng nơi địa đầu Xứ Lạng
Trong thời gian gần đây Tổng cục Du lịch, Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch cùng các tổ chức phi chính phủ đã và đang nghiên cứu về phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, việc phát triển hơn nữa một loại hình sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn cao, đó là du lịch văn hóa tâm linh ở Lạng Sơn rất cần được chú trọng.
Lễ hội Chùa Bắc Nga, huyện Cao Lộc – Ảnh: BT |
Lạng Sơn được Tổng cục Du lịch đánh giá là một trong những điểm du lịch an toàn, luôn có sự ổn định và cân bằng về hệ sinh thái, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không có hiện tượng quấy nhiễu du khách bởi những người bán hàng rong, người ăn xin, không xảy ra nạn cướp giật, đe doạ tính mạng du khách, môi trường trong sạch thoáng đãng…. Tuy nhiên, du lịch Lạng Sơn chưa thực sự phát triển, chưa có thương hiệu để thu hút khách du lịch trong cả nước do sản phẩm du lịch địa phương chưa phong phú.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có gần 500 cơ sở thờ tự tín ngưỡng dân gian như: đình, đền, chùa, miếu, am, nghè, từ đường, nhà thờ họ và các cơ sở thờ tự khác. Cùng với hệ thống di tích và cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng trên 300 lễ hội thuộc nhiều loại hình khác nhau, trong đó chủ yếu là lễ hội tín ngưỡng dân gian và lịch sử cách mạng. Hiện nay hoạt động tại các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng đã phần nào đáp ứng nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa tâm linh của nhân dân trong và ngoài địa bàn như: hành lễ, dâng hương, dâng hoa, cầu nguyện, tế nam, tế nữ, rước kiệu thả đèn hoa đăng, thắp hương ngày rằm… Ngoài ra còn nhiều hoạt động tín ngưỡng – tôn giáo thiết thực phù hợp với thuần phong mỹ tục và đảm bảo tự do tín ngưỡng trong nhân dân như: tổ chức ngày ăn chay tại Chùa Thành, tổ chức lễ cầu siêu cho các chiến sỹ, anh hùng có công với đất nước và các hoạt động khác trong dịp lễ hội.
Lễ hội Tả Phủ, thành phố Lạng Sơn |
Khi đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, thì nhu cầu về đời sống tinh thần cũng càng cao. Du lịch văn hóa tâm linh sẽ giúp con người tháo gỡ được các cảm xúc vun bồi tâm trí và tinh thần minh triết. Nó bao hàm cả hành trình tìm kiếm các giá trị văn hóa truyền thống lẫn tìm lại chính mình. Làm trỗi dậy đời sống giác ngộ của khách du lịch tại những địa danh tâm linh chính là mục tiêu của các tour du lịch này. Do đó cần phải được khảo sát, nghiên cứu và đưa ra các giải pháp nhằm phát triển du lịch văn hóa tâm linh thành sản phẩm du lịch bền vững và đem lại hiệu quả cao không những đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân địa phương mà còn phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
Ý kiến ()