Tiềm năng lớn của thị trường xe máy điện tại Việt Nam
Sự thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng đang khiến nhu cầu xe máy điện tăng nhanh trong thời gian qua, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Nhu cầu xe máy tại Việt Nam trên đà suy giảm
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), tổng cầu xe máy trong 5 năm qua đang có xu hướng suy giảm ngày càng rõ nét. Sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhu cầu mua xe máy tại Việt Nam phục hồi rất yếu ớt bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian dài. Song, nguyên nhân đáng lưu tâm hơn là suy thoái kinh tế trong bối cảnh thị trường xe máy đã bão hòa, khiến doanh số toàn ngành đi vào chu kỳ suy giảm nhanh hơn.
Thống kê giai đoạn 2003-2022, thị trường hình thành các chu kỳ 5 năm trong đó xu hướng tăng trưởng xuất hiện trong 1-2 chu kỳ đầu tiên, sau đó thị trường dần chững lại và suy giảm. Đơn cử như giai đoạn 2018-2022 đang cho thấy tổng cầu sụt giảm so với với doanh số của chu kỳ trước, khoảng những năm 2016.
Sự sụt giảm đang dần tăng tốc. Theo VAMM, năm 2022, doanh số thị trường xe máy chỉ đạt khoảng 3 triệu xe, giảm 8% so với năm 2019, thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát. Số liệu thực tế trong ngành xe máy tháng 1-2/2023 cho thấy tổng cầu có thể tiếp tục lao dốc mạnh.
Xe máy điện – điểm sáng của thị trường xe máy Việt Nam
Trong bức tranh chung thị trường, điểm tích cực trong 3 năm qua là sự xuất hiện của xe máy điện. Xe máy điện vốn không phải khái niệm mới. Tuy nhiên, trong những năm trước, xe máy điện “đội lốt” xe đạp điện chủ yếu được tiêu thụ tại vùng nông thôn với mức giá và chất lượng thấp.
Xu hướng sử dụng xe máy điện dần hiện hữu rõ ràng hơn ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM trong những năm gần đây nhờ tính tiện ích, tính kinh tế và thân thiện môi trường. Đặc biệt, nhu cầu của người dân với xe máy điện tăng lên còn nhờ sự xuất hiện của các nhà sản xuất nội địa với chiến lược đầu tư bài bản, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng mẫu mã.
Hiện tại, các mẫu xe máy điện có kiểu dáng sang trọng, thời trang như Evo200, Feliz S, Vento S đang là sự thay thế phù hợp cho phương tiện truyền thống bởi sức ép giá xăng tăng cao quá mức và ô nhiễm môi trường do khí thải.
Cùng với đó, không thể phủ nhận nỗ lực của các thương hiệu trong việc tăng quãng đường vận hành của xe máy điện. Ví dụ như VinFast, hãng đã giới thiệu ra thị trường dòng pin LFP với đặc tính độ bền cao và tầm vận hành dài. Feliz S, Klara S, Vento S hay Theon S đều có thể đi tối đa hơn 150 km/lần sạc, và cao nhất là Evo200 với quãng đường tối đa 203 km/lần sạc.
Các dòng xe máy điện giờ đây cũng nhiều tiện ích hơn, có khả năng kết nối với điện thoại thông minh để dễ dàng đọc lỗi, kiểm tra thông tin từ xa hay cập nhật phần mềm. Chúng dễ sử dụng như một chiếc điện thoại, minh bạch mọi thông tin, tạo động lực cho người dùng chuyển sang xe máy điện.
Sử dụng phương tiện giao thông thân thiện môi trường và chi phí thấp là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Trên thế giới, nhu cầu xe máy điện được dự báo sẽ tăng ở các đô thị lớn bởi đặc thù giao thông, thói quen di chuyển trong quãng ngắn và chi phí thấp.
Với Việt Nam, cho dù bước vào chu kỳ bão hòa của thị trường nhưng tổng cầu được dự báo vẫn trên 2,7 triệu xe/năm giai đoạn 2023-2030. Với những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người dùng, đây là cơ hội để xe máy điện dần chiếm lĩnh thị trường, từ đó tạo thói quen di chuyển xanh cho mọi người.
Nguồn:https://vtc.vn/tiem-nang-lon-cua-thi-truong-xe-may-dien-tai-viet-nam-ar784350.html
Ý kiến ()