Tiềm năng lớn của ngành thiết kế nội thất Việt Nam
Ngày nay, thiết kế nội thất không chỉ là việc đặt các món đồ vào một vị trí trong công trình mà còn là việc tạo nên tinh thần cho không gian một cách hợp lý và nghệ thuật, cập nhật những thành tựu khoa học kỹ thuật để tạo ra nội thất thông minh và đa năng.
Nội thất sẽ thiết kế sát hơn với cuộc sống con người bên trong các công trình, có thể điều chỉnh và hợp lý hóa kiến trúc, hướng tới sự hoàn thiện không gian hoạt động của con người. Thiết kế nội thất vừa là một phần của thiết kế kiến trúc, vừa là một lĩnh vực thiết kế độc lập trong quá trình xây dựng các công trình.
Lĩnh vực non trẻ
Thiết kế nội thất đã được đưa vào chương trình đào tạo ở bậc đại học tại Việt Nam từ một thế kỷ trước như một lĩnh vực được tích hợp trong đào tạo kiến trúc, sau đó tách ra để trở thành một ngành độc lập đào tạo trong các trường mỹ thuật theo xu hướng trang trí nội thất. Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, thiết kế nội thất bắt đầu nổi lên như một ngành đào tạo chính quy ở các trường đại học thuộc khối kiến trúc và xây dựng nhưng dưới mã ngành độc lập là kiến trúc nội thất và ngày càng “hot” hơn tại Việt Nam.
Như vậy, sự quan tâm của xã hội Việt Nam đến nội thất mới chỉ thực sự phát triển mạnh những năm gần đây do thực tế nước ta cũng vừa thoát nghèo, người dân bắt đầu có “của ăn của để”, hướng đến xã hội tiêu dùng cũng như khẳng định vị thế qua chất lượng và tinh thần của các không gian sống, làm việc. Trước đây, do những hạn chế về điều kiện kinh tế, rất nhiều người vẫn quan niệm nội thất tách rời với kiến trúc, cứ xây dựng lớp vỏ kiến trúc trước đi đã, còn nội thất sẽ bổ sung dần theo thời gian, khiến công trình lúc hoàn thiện trở nên rời rạc, chắp vá.
Khi xã hội Việt Nam ngày càng được hiện đại hóa và tiện nghi hóa, chất lượng cuộc sống được nâng cao, nhu cầu chăm chút cho không gian sống của con người cũng phát triển không ngừng. Không chỉ dừng lại là một nơi để ở, để làm việc, không gian kiến trúc còn bao hàm những trải nghiệm, cảm nhận và giá trị văn hóa, tinh thần, vì vậy kiến trúc nhanh chóng được nhìn nhận tổng thể hơn, không chỉ đẹp hình thức bên ngoài mà cả nội dung không gian bên trong cũng cần có sự hấp dẫn.
Thị trường bất động sản bùng nổ cũng là một trong những lý do khiến thị trường nội thất, đặc biệt là thị trường nội thất nhà ở gia đình phát triển. Người dân Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến không gian sống, chú ý tới tính thẩm mỹ, nghệ thuật của cả không gian lẫn các đồ dùng nội thất chứ không còn mang tính cảm quan như trước đây.
Các thành phần kinh tế tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào ngành nội thất Việt Nam cũng được đa dạng hóa, tiếp cận dưới nhiều lĩnh vực từ tư vấn thiết kế, thi công đến sản xuất, kinh doanh thiết bị, vật liệu... Chủ đầu tư các dự án bất động sản muốn bán được sản phẩm thì ngoài những hình ảnh, đoạn phim giới thiệu về kiến trúc đều cho khách hàng trải nghiệm các nhà mẫu được thiết kế bởi những công ty có uy tín, để dễ dàng mường tượng nội thất ngôi nhà trong tương lai, tăng tính thuyết phục cho quyết định của khách hàng.
Trong bối cảnh sôi động đó, ngày 8-3-2019, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã thành lập Chi hội Kiến trúc-Nội thất, đó là một khởi điểm quan trọng trong việc hình thành một cộng đồng kiến trúc nội thất. Tiếp theo, ngày 12-7-2023, Bộ Nội vụ đồng ý thành lập Hội Nội thất Việt Nam-dấu mốc cho một chặng đường mới của ngành nội thất Việt Nam tuy còn non trẻ so với thế giới nhưng đầy tiềm năng và cơ hội, tương xứng với sự phát triển ổn định về chính trị và kinh tế của đất nước. Sự kiện hình thành những tổ chức xã hội-nghề nghiệp như vậy sẽ góp phần xây dựng nền tảng kết nối, mang lại những đổi thay tích cực và định hướng cho quá trình phát triển của ngành nội thất tại Việt Nam trong tương lai.
Song song đó, các giải thưởng kiến trúc cũng dần dần bổ sung hạng mục nội thất. Từ năm 2002, nội thất đã trở thành chuyên ngành thứ tư sau các chuyên ngành kiến trúc, quy hoạch và ấn phẩm được xét trong Giải thưởng Kiến trúc quốc gia. Ngoài ra, các doanh nghiệp truyền thông hay các tập đoàn, công ty lớn có hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực nội thất cũng đề xướng và bổ sung các giải thưởng nội thất. Điển hình là Giải thưởng Nhà thiết kế trẻ châu Á-AYDA Awards được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 như một phần trong tầm nhìn của Nippon Paint nhằm nuôi dưỡng thế hệ tài năng tương lai thông qua hai mảng thiết kế kiến trúc và thiết kế nội thất.
Hay một giải thưởng khác là Top 10 Awards, mà tiền thân là Top 10 Houses Awards-giải thưởng được khởi xướng năm 2017 nhằm tìm kiếm kiến trúc nhà ở đẹp do Kiến Việt Media tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Từ năm 2021, giải thưởng này bổ sung thêm hạng mục Top 10 thiết kế nội nhất (Top 10 Interior Design Awards) và được hợp nhất trong giải thưởng lớn mang tên Top 10 Awards với mục đích tìm kiếm xu hướng kiến trúc nhà ở và những thiết kế nội thất tiêu biểu tại Việt Nam. Xuất hiện gần đây nhất, Giải thưởng An Cuong Interior Design Award về thiết kế nội thất được Gỗ An Cường tổ chức lần đầu vào năm 2021, là cuộc thi thường niên hướng đến các giải pháp thiết kế, thi công mới, có tính ứng dụng linh hoạt và đề cao tinh thần bền vững trong các không gian, và cao hơn là kết nối, phát triển và vinh danh những kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất tài năng trẻ ở Việt Nam.
Cần có khung pháp lý riêng cho thiết kế nội thất
Tuy được xã hội quan tâm và hưởng ứng như vậy nhưng hoạt động thiết kế và thi công nội thất lại chưa được nhìn nhận đầy đủ trong hệ thống khung pháp lý hiện hành của hoạt động xây dựng. Thông tư số 03/2020/TT-BXD ngày 28-7-2020 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ thiết kế kiến trúc khẳng định hồ sơ thiết kế nội thất không thuộc thành phần hồ sơ thiết kế kiến trúc, chỉ được lập theo yêu cầu của chủ đầu tư với nhà thầu thiết kế. Như vậy, hồ sơ thiết kế nội thất không nằm trong hệ thống chính thức của hồ sơ thiết kế xây dựng được thực hiện thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Xây dựng. Mặt khác, theo Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BXD ngày 14-8-2023 của Bộ Xây dựng liên quan đến Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì chi phí thực hiện nội thất công trình không được đề cập trực tiếp, và có thể hiểu một là tích hợp trong chi phí xây dựng nếu yếu tố nội thất gắn với việc xây dựng công trình như tường, trần, sàn...; hai là sẽ được tính trong chi phí thiết bị công trình nếu đó là những đồ nội thất không gắn với việc xây dựng.
Thông qua những văn bản mới nhất vừa nêu trên, việc không có những quy định pháp lý trực tiếp về hồ sơ thiết kế lẫn chi phí đầu tư đã làm cho kiến trúc nội thất trở thành yếu tố “ăn nhờ ở đậu” ngay chính trong quá trình xây dựng công trình. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, quá trình thiết kế và đầu tư nội thất cho một số công trình có yêu cầu cao vẫn có thể được tách ra thành những hạng mục riêng nhằm bảo đảm các thủ tục pháp lý lẫn tính chất đặc thù của công việc. Như vậy, có vẻ như trong quan điểm của các nhà quản lý thì hạng mục nội thất sẽ được xem như là một phần cấu thành và được ẩn trong kiến trúc công trình. Chính điều này đã làm công tác thiết kế nội thất sẽ được hiểu theo nhiều cách khác nhau theo chủ quan của chủ đầu tư hay nhà quản lý.
Như vậy, sự “danh chưa được chính” trong hệ thống quy định pháp lý xây dựng làm cho hoạt động thiết kế và thi công nội thất công trình chưa thực sự chính quy trong nhiều dự án xây dựng, khiến sự đồng bộ giữa phong cách, hình thức kiến trúc bên ngoài với tinh thần không gian nội thất bên trong chưa bảo đảm, làm phần nào giảm đi giá trị của cả kiến trúc lẫn nội thất công trình, thay vì hỗ trợ, tôn vinh nhau.
Trong những năm tới, ngành nội thất Việt Nam sẽ có những bước phát triển và những người làm nghề nội thất ngày càng hoàn thiện hơn về mọi mặt từ khâu thiết kế, vật liệu đến hoàn thiện sản phẩm. Do vậy, đã đến lúc cần có những khung quy định pháp lý riêng dành cho thiết kế nội thất trong quy trình thiết kế xây dựng nói chung, nói cách khác, các hoạt động thiết kế nội thất cần được định vị vai trò một cách riêng biệt, độc lập song song với nhiệm vụ thiết kế kiến trúc của một công trình hay dự án.
Ý kiến ()