Tiềm năng kinh tế từ trồng chè dưới tán hồi
(LSO) – Mô hình trồng chè dưới tán hồi của người dân xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia đang là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhanh tay hái những búp chè tươi, non, bà Nguyễn Thị Dung, thôn Khau Phụ, xã Tô Hiệu phấn khởi cho biết: Gia đình tôi có 5 ha chè trồng dưới tán hồi. Thời gian thu hoạch chè thường từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch hằng năm. Nếu thời tiết thuận lợi, trung bình mỗi ngày, tôi hái được khoảng 15 – 20 kg chè tươi, tương đương khoảng 4 kg chè khô. Hằng ngày, hái chè về tôi sao và chế biến luôn nên chè đảm bảo độ tươi ngon, hương vị đặc trưng của chè dưới tán hồi. Chính vì vậy, chè sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó; chủ yếu khách uống quen gọi điện thoại đặt chứ không phải mang ra chợ. Với nguồn thu ổn định từ hồi và chè, hiện nay bình quân mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Người dân thôn Khau Phụ, xã Tô Hiệu chăm sóc cây hồi và chè trồng dưới tán
Ngoài gia đình bà Dung, hiện nay xã Tô Hiệu có khá nhiều hộ gia đình chọn hướng phát triển kinh tế từ trồng chè dưới tán hồi. Với mô hình này, người dân sẽ có hai nguồn thu nhập ổn định trên cùng một đơn vị diện tích. Các hộ dân ở đây cho biết: Trồng chè dưới tán hồi là mô hình truyền thống đã có từ lâu trên địa bàn xã. Tuy nhiên, trước đây, người dân chỉ duy trì và thu hái trên những diện tích của cha ông để lại. Từ năm 2015, nhận thấy hiệu quả kinh tế, người dân mới bắt đầu mở rộng diện tích trồng thêm cây chè và trồng dặm cây hồi, nâng tổng diện tích cây chè trồng dưới tán hồi của xã lên gần 45 ha.
Để phát triển mô hình này, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân từng bước đưa cây chè có năng suất cao, chất lượng tốt vào canh tác; đồng thời duy trì và nhân giống cây chè bản địa. Cùng với đó, từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức từ 1 đến 2 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc chè và hồi theo tiêu chuẩn VietGAP… để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm chè của địa phương.
Ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu cho biết: Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu, xã đã định hướng, quy hoạch vùng trồng chè dưới tán hồi tập trung chủ yếu ở 6 thôn: Khau Phụ, Yên Bình, Nà Làng, Pác Nàng, Tân Thành và Rừng Thông. Năm 2017, xã thành lập Hợp tác xã Chè dưới tán hồi, góp phần quan trọng trong việc duy trì, phát triển mô hình.
Theo đó, từ năm 2017 đến nay, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Hợp tác xã Chè dưới tán hồi đã được hỗ trợ một số trang thiết bị máy móc phục vụ việc chế biến chè như: máy vo, máy quay, máy hút chân không; hỗ trợ thiết kế logo, bao bì sản phẩm…
Ông Lê Tiến Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Chè dưới tán hồi cho biết: Từ khi hợp tác xã được đầu tư, hỗ trợ, các sản phẩm chè đã có cơ hội được đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua các hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại. Theo đó, giá trị sản phẩm chè tăng lên gấp 2 – 3 lần. Nếu như sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống thì trung bình mỗi ki-lô-gam chè của bà con chỉ có giá khoảng 100 đến 150 nghìn đồng. Từ khi HTX được nhà nước đầu tư, khâu chế biến tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật; năng suất, chất lượng cây chè ngày càng được nâng cao. Hiện nay, sản phẩm chè dưới tán hồi của HTX có giá 300 nghìn đồng/kg.
Nhờ phát triển chè dưới tán hồi, đời sống người dân của xã từng bước được nâng cao. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người là 30 triệu đồng/năm, tăng 12 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Tỉ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 0,87%.
Ý kiến ()