Tiềm năng kinh tế từ rau bò khai
LSO-Với nhiều ưu điểm như: chu kỳ thu hoạch nhanh, thời gian thu hoạch kéo dài, chi phí đầu tư thấp, thị trường ổn định… rau bò khai đang có nhiều tiềm năng để trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Chi Lăng.
Người dân thôn Làng Giang, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng thu hái rau bò khai |
Bà Vy Thị Độ, thôn Làng Giang, xã Gia Lộc cho biết: Trước đây, bò khai là loại rau rừng mọc tự nhiên tại khu vực chân núi đá. Gia đình tôi đi rừng lấy vài gốc về trồng chỉ để ăn. Sau đó, có nhiều người tìm về tận làng để hỏi mua nên từ năm 2007, tôi bắt đầu trồng để bán. Hiện nay, tôi có 4 sào rau bò khai, trung bình cách 3 ngày được thu hái một lần, mỗi lần khoảng 20 kg. Từ rau bò khai, mỗi tháng gia đình tôi có thu nhập khoảng 5 triệu đồng…
Ngoài gia đình bà Độ, hiện nay trên địa bàn huyện Chi Lăng cũng có khá nhiều hộ gia đình chọn hướng phát triển kinh tế từ trồng rau bò khai. Theo đó, toàn huyện hiện có hơn 40 ha rau bò khai được trồng chủ yếu ở khu vực núi đá như: thị trấn Đồng Mỏ, các xã: Gia Lộc, Thượng Cường, Bằng Hữu, Hòa Bình… theo quy mô hộ gia đình.
Những người trồng rau bò khai ở đây cho biết: Rau bò khai là cây rất dễ trồng, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh. Sau khi trồng 1 năm đã có thể thu hái. Tuy nhiên, từ năm thứ 3 trở đi sẽ được thu với số lượng lớn hơn. Đặc biệt, ưu điểm lớn nhất của cây trồng này là có thể thu hoạch gần như quanh năm (nếu thời tiết ấm); thời gian thu phổ biến là từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch. Trong khoảng thời gian trồng, người dân chỉ cần chăm bón bằng phân chuồng đã ủ hoai mục là cây sẽ phát triển tốt và cho ngọn đều. Trung bình một tháng, rau bò khai cho thu hái khoảng 5 đến 6 lần tùy thuộc vào thời tiết.
Ở huyện Chi Lăng, hiện nay Thượng Cường là xã có diện tích trồng rau bò khai lớn nhất với 8 ha được trồng ở 9/12 thôn; tập trung nhiều nhất ở các thôn: Quán Hàng, Làng Nong, Khòn Nghiềng, Lũng Luông…
Anh Hoàng Văn Đại, thôn Quán Hàng, xã Thượng Cường cho biết: Gia đình tôi hiện trồng 2 mẫu rau bò khai. Nếu trời nắng ấm, cứ cách 1 ngày tôi được thu hái một lần, mỗi lần được từ 70 kg đến 1 tạ rau. Thu hái xong có thương lái vào tận nhà mua với giá bình quân từ 25 – 50 nghìn đồng/kg. Thường vào những ngày lễ, tết như: 30/4, 8/3, 20/10… nhu cầu tiêu thụ lớn, rau sẽ bán được giá cao hơn và nhiều khi gia đình tôi còn không đáp ứng đủ đơn hàng khách đặt. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng diện tích để trồng thêm rau bò khai…
Được biết, rau bò khai rất dễ nhân giống, chỉ cần cắt một đoạn thân già giâm nơi đất ẩm, thời gian ngắn cây sẽ mọc mầm và phát triển ổn định. Đặc biệt, người dân có thể trồng xen rau bò khai dưới tán các loại cây trồng khác như: hồng, na, bưởi… mà cây vẫn sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch đều…
Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Rau bò khai được trồng trên địa bàn huyện từ khá lâu. Tuy nhiên, từ năm 2014, nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây trồng này, người dân mới bắt đầu trồng nhiều hơn. Hiện nay, rau bò khai là một trong những cây đặc sản có sự sinh trưởng và phát triển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện. Ngoài là rau ăn, đây còn là vị thuốc có tác dụng tốt cho sức khỏe nên hiện nay rau được thị trường rất ưa chuộng với giá cả ổn định. Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, phát triển cây rau bò khai – một trong những cây thế mạnh của địa phương. Đồng thời hướng đến quy hoạch vùng gồm các xã khu vực chân núi đá như: Thượng Cường, Gia Lộc, Quang Lang, Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ… để hình thành vùng sản xuất rau bò khai theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định, lâu dài cho người dân.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()