LSO- Trong sản xuất nông nghiệp, để hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung thì tích tụ đất đai là một trong những yếu tố quan trọng. Đối với các tỉnh miền xuôi thì điều này được thực hiện thông qua dồn điền, đổi thửa. Còn ở miền núi như Lạng Sơn, tích tụ đất đai lại là cả một câu chuyện dài và tốn nhiều công sức. Ở Văn Lãng có một địa phương mà việc bạt dông đồi thành ruộng, san ruộng bậc thang thành ruộng nước… đã và đang trở thành phong trào. Những bãi đất như thế này cần phải đầu tư, cải tạo để thành ruộng canh tácThôn Nà Slả xã Tân Tác có tới 9 phần là đồi núi, toàn thôn có 38 hộ dân với vài trăm nhân khẩu đều trông vào vỏn vẹn 16 mẫu ruộng để gieo, trồng cây lương thực. Chính vì vậy thiếu cái ăn luôn là nỗi lo thường trực của những người dân nơi đây. Ấy thế mà đùng một cái, cách đây 2 năm, trong thôn có người mạnh dạn thuê máy xúc về san dông đồi để mở rộng ruộng...
LSO- Trong sản xuất nông nghiệp, để hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung thì tích tụ đất đai là một trong những yếu tố quan trọng. Đối với các tỉnh miền xuôi thì điều này được thực hiện thông qua dồn điền, đổi thửa. Còn ở miền núi như Lạng Sơn, tích tụ đất đai lại là cả một câu chuyện dài và tốn nhiều công sức. Ở Văn Lãng có một địa phương mà việc bạt dông đồi thành ruộng, san ruộng bậc thang thành ruộng nước… đã và đang trở thành phong trào.
Những bãi đất như thế này cần phải đầu tư, cải tạo để thành ruộng canh tác
Thôn Nà Slả xã Tân Tác có tới 9 phần là đồi núi, toàn thôn có 38 hộ dân với vài trăm nhân khẩu đều trông vào vỏn vẹn 16 mẫu ruộng để gieo, trồng cây lương thực. Chính vì vậy thiếu cái ăn luôn là nỗi lo thường trực của những người dân nơi đây. Ấy thế mà đùng một cái, cách đây 2 năm, trong thôn có người mạnh dạn thuê máy xúc về san dông đồi để mở rộng ruộng khe, bạt ruộng bậc thang dồn điền để tạo mặt bằng canh tác, nghe đâu tốn cả vài chục triệu đồng. Việc làm đó được coi là một cuộc “cách mạng” đối với người Nà Slả và bỗng chốc mở đất, dồn điền trở thành phong trào trong thôn, gia đình anh Hồ Văn Chấn là một điển hình. Cả gia đình có 10 nhân khẩu, cái ăn trước đây trông vào vài sào ruộng khe, mà đâu có phải liền thửa, chỗ thì bậc thang, nơi thì cách nhau cả một eo đồi, đất canh tác cứ lắt nha lắt nhắt khiến cho anh muốn học hỏi, áp dụng mô hình nào vào sản xuất cũng đều không được. Có chút thu nhập từ rừng, lại thấy người trong thôn đã đi trước mở điền, anh Chấn quyết định đầu tư.Thế là thuê máy xúc từ tận Bắc La ra, những đám ruộng trên khe thì anh mở rộng bằng cách bạt dông đồi, eo đồi cũng được “thổi bay” để ruộng liền thửa, mấy thửa bậc thang thì san bằng thành một… Đổ mồ hôi công sức cùng với đội thi công gần tháng trời, gia đình anh Chấn tạo được một mặt bằng canh tác rộng tới vài mẫu, hạch toán lại chi phí cũng hòm hòm trên 30 triệu đồng. Nếu là “bờ xôi ruộng mật” thì mua mấy mẫu với cái giá vài chục triệu đồng là hời chán. Nhưng cái loại ruộng mở rộng ấy đâu phải đã dùng được ngay. Đưa tôi đi thăm vài đám ruộng đã mở rộng của người trong thôn, ông Hồ Sỹ Lưu, Trưởng thôn Nà Slả giải thích: Lổn nhổn những đá thế kia thì trồng gì được ngay. Đầu tiên phải huy động công sức gạt hết đá đi, trồng ngô vài vụ, rồi tiếp tục cải tạo, khoảng 2 năm, hoặc hơn thì mới có thể cấy lúa. Thế mà giờ đây, cả thôn cũng đã có tới một nửa mở điền, nửa còn lại cũng đang chờ rừng trồng đến kỳ thu hoạch là thi công. Hơn 2 năm qua, chẳng ai tính toán là xem đã mở rộng được thêm bao nhiêu ruộng, nhưng tôi đã thấy thấp thoáng dưới các dông đồi là cả những bãi đất rộng bạt ngàn và tương lai nơi đây, người ta đã nhìn thấy những thửa ruộng trù phú. Gia đình anh Chấn và những người khác còn tiếp tục đầu tư đào ao ở những dông đồi cao để hứng nước khe, phòng khi hạn hán. Hồ trên núi đang hình thành nơi vùng khó. Về dự định của mình thì chẳng người dân nào nói, họ chỉ cười rồi bâng quơ: Mình sợ nói trước bước không qua, nhưng biết đâu đấy, nơi này chẳng thành vùng rau an toàn chẳng hạn, cũng gần thị trấn Na Sầm mà. Trao đổi với chúng tôi, ông Lộc Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Tân Tác cho biết: Khởi nguồn từ Nà Slả, giờ đây trên địa bàn xã thôn nào cũng có người khai hoang mở điền, con số cũng lên đến vài chục hộ, diện tích ruộng mở rộng được bao nhiêu thì chưa đo cụ thể, nhưng hiệu quả thấy rõ nhất là cơ giới hóa đã được đưa vào ngày một nhiều và sản lượng lương thực thì cứ tăng lên từng năm.
Trong khi vẫn còn một bộ phận người dân nhận thức chưa đúng, không tận dụng hết tiềm năng về đất đai của địa phương và còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thì ở một xã khó khăn như Tân Tác, nhân dân đã chủ động khắc phục khó khăn, tìm ra hướng đi của riêng mình. Đương nhiên, sự đổi mới nào cũng cần phải đầu tư rất nhiều công sức, nhưng điều quan trọng là nhân dân Tân Tác đã dám nghĩ, dám làm.
Lê Minh
Ý kiến ()