"Tích hợp", "liên môn" và bài toán thực tiễn
Tính chủ động không chỉ của người học
Hiệu trưởng Trường THPT Lạng Giang số 2 (Lạng Giang, Bắc Giang), thầy giáo Nguyễn Văn Nam cho biết: Những năm gần đây, nhà trường liên tục đổi mới phương pháp dạy và học, nhất là sau khi có “Nghị quyết số 29” về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT. Hiện nay, nhà trường đang tập trung dạy tích hợp, liên môn, nhằm tạo nhiều điều kiện tốt nhất để giáo viên, học sinh tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật, giải đáp những vấn đề của thực tiễn đặt ra. Nhờ đó, ba, bốn năm gần đây, nhà trường có nhiều học sinh tham gia các cuộc thi ở một số lĩnh vực, đạt thành tích cao.
Thầy giáo Nguyễn Văn Nam tâm sự: Trước đây, khi soạn giáo án, ở phần mục đích yêu cầu bao giờ cũng có nội dung yêu cầu gắn với thực tiễn.
Bây giờ mình gọi theo kiểu mới là tích hợp, liên môn để nhắc lại “anh em” phải đưa vấn đề thực tiễn cuộc sống vào bài giảng cho sinh động. Vì vậy, ở phần mục đích yêu cầu bao giờ cũng ghi rèn kỹ năng là gì, như thế nào; bài này, môn này gắn với thực tế thì có ứng dụng ra sao. Bây giờ có nhiều đổi mới hơn, nhà trường chia theo hai “trường phái” đó là bộ môn gắn với môn khoa học xã hội và bộ môn gắn với môn khoa học tự nhiên.
Môn khoa học xã hội gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, trong đó có nhóm tư vấn kỹ năng sống. Khi tư vấn kiến thức thực tiễn, giáo viên sẽ đưa ra những hình ảnh sưu tầm từ địa phương cũng như trên các phương tiện thông tin làm tư liệu giảng dạy. Đối với bộ môn khoa học tự nhiên, nhà trường đầu tư ba phòng thí nghiệm (Vật lý, Hóa học, Sinh học) để các thầy giáo, cô giáo có điều kiện trải nghiệm, hỗ trợ học sinh nghiên cứu, khích lệ các em giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Cô giáo Bùi Thị Hồng, giáo viên dạy môn Vật lý (Trường THPT Lạng Giang số 2) chia sẻ một số khó khăn.
Thí dụ, khi tích hợp, liên môn để giải quyết thực tiễn mà mình chỉ nắm được trong sách giáo khoa, thì bản thân người dạy cũng phải tự mày mò, tìm hiểu thêm kiến thức ở đời sống để lý giải bài học. Giáo viên mất không ít thời gian chuẩn bị, tìm tòi, phải suy nghĩ nội dung bài học. Bởi vậy, nên tích hợp những nội dung nào để đạt hiệu quả cao, chứ không nhất thiết bài nào cũng tích hợp. Mặc dù nhà trường có phòng thí nghiệm, thiết bị thực hành nhưng độ chính xác không cao do đã sử dụng qua nhiều năm, cho nên nhiều khi giáo viên phải mô phỏng, mà mô phỏng thì nó sẽ làm mất đi rất nhiều bản chất thực tiễn.
Cái khó nhất trong tích hợp, liên môn đó là phải đầy đủ cơ sở vật chất. Thứ hai,mỗi một giáo viên phải biết cách và có ý thức tìm tòi về các hiện tượng diễn ra chung quanh liên quan không chỉ bộ môn mình dạy mà còn đến nhiều môn học khác.
Em Nguyễn Văn Hoan, lớp 11A3 (Trường THPT Lạng Giang số 2) đang cùng cả nhóm chế tạo máy rô-bốt đa năng để cứu người chết đuối trên biển tại phòng thí nghiệm. Theo “chủ nhân” của chiếc rô-bốt này, máy được thiết kế như xe tăng, có thể đi được trên mặt biển và trên đất liền, có ca-mê-ra, vòi phun nước được điều khiển tự động. Em Hoan cho chúng tôi biết, trước đó em đã tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia, cuộc thi khu vực châu Á và đoạt Huy chương vàng châu Á với sản phẩm “Băng tải đa năng” có gầu múc cát ở mọi góc độ, địa hình, có hệ thống rửa cát sỏi, sàng rung. Còn với rô-bốt đa năng này, em sẽ lắp thêm phần cảm biến để khi xảy ra đám cháy, nó sẽ tự động tìm để dập lửa. Đây là kết quả của việc học tích hợp, liên môn, tất nhiên cốt lõi là sự đam mê, tìm tòi của bản thân. Nguyên liệu mà Hoan sử dụng chủ yếu là đồ phế liệu, dễ tìm, dễ kiếm.
Phân phối chương trình linh hoạt
Trước băn khoăn về việc phân phối chương trình giảng dạy, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam giải thích: Sở GD và ĐT Bắc Giang đã chỉ đạo và giao cho các trường tự chủ trên tinh thần định hướng của Bộ GD và ĐT về 37 tuần thực học và số tiết theo phân ban chương trình. Phần việc của nhà trường là tổ chức họp, xây dựng các tổ chuyên môn, chọn giáo viên giỏi, có kinh nghiệm để tổ hợp. Khi xây dựng chương trình, nhà trường không gọi là phân ban hay không phân ban mà là “có tự chọn” và “không có tự chọn”.
Bởi vì bây giờ học phân hóa, học sinh đăng ký theo môn, theo khối liên quan đến tốt nghiệp. Thí dụ học sinh đăng ký học khối A thì các em đã ngầm định tự chọn môn Toán, Vật lý, Hóa học. Như vậy, các em học theo phân phối chương trình môn tự chọn.
Các em đăng ký khối khác thì không phải học nhiều chương trình khối A có các môn nói trên. Đề cập vấn đề phối hợp các môn với nhau như thế nào, thầy giáo Nguyễn Văn Nam cho biết thêm: Sở GD và ĐT Bắc Giang cũng đã chỉ đạo là mỗi tiết học cần có bài giảng cụ thể, nếu đã có ở môn Ngữ văn thì không nhắc lại ở môn Lịch sử nữa. Tích hợp liên môn hay đa môn phải tùy theo từng bài cụ thể và theo chuyên đề chứ không tích hợp riêng rẽ, rời rạc.
Giám đốc Sở GD và ĐT Bắc Giang Nguyễn Đức Hiền khẳng định: Trước đây sở đã chỉ đạo dạy tích hợp, liên môn nhưng còn “ngại” đổi mới trên chương trình của Bộ. Bây giờ, Sở GD và ĐT Bắc Giang đã xây dựng lộ trình và chọn ra bảy vấn đề đổi mới để triển khai ở cấp trung học, trong đó chú trọng phát triển kỹ năng người học thông qua hình thức thi, kiểm tra, đánh giá. Khảo sát, đánh giá và tập huấn thí điểm cho thấy, học sinh ở khối môn khoa học tự nhiên khi học tích hợp, liên môn khá thuận lợi, vì có điều kiện làm thường xuyên hơn.
Còn ở các môn khoa học xã hội, các trường cũng liên tục tăng cường dạy những vấn đề cuộc sống như: Biển đảo, tình yêu, đạo đức, môi trường… Để nâng cao hiệu quả, Sở yêu cầu các trường căn cứ cụ thể từng môn học, bài giảng để xây dựng lại chương trình, có thể có môn 10 tiết, có môn 20 tiết học…
Thực tế cho thấy, bên cạnh việc dạy tích hợp, liên môn, các trường phổ thông còn thường xuyên gặp khó khăn khi phải “mày mò” đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn vì đây là vấn đề cốt lõi để nâng cao chất lượng dạy học. Tổ chuyên môn khi họp phải bàn cách tìm ra những ý hay để phối hợp tổ chuyên môn khác giảng giải cho học sinh hiểu. Ngoài ra, Sở GD và ĐT Bắc Giang còn chỉ đạo các trường chủ động phối hợp các trường lân cận họp theo cụm ít nhất mỗi tháng một lần (mỗi cụm khoảng ba trường).
Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ GD và ĐT) Vũ Đình Chuẩn cho biết: Từ năm học 2012-2013 đến nay, có 53 đơn vị tham gia dạy học tích hợp, liên môn, trong đó có nhiều địa phương làm tốt như: Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phúc và Lào Cai… Cuộc thi dạy học tích hợp, liên môn đã thu hút hàng trăm nghìn học sinh tham gia; nhiều “dự án” của các em tuy chưa được ứng dụng rộng rãi nhưng đã góp phần thúc đẩy học sinh vận dụng kiến thức trong nhà trường vào giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn; tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu theo phương châm “học đi đôi với hành”.
Ý kiến ()