Tích hợp, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội
Thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các bộ, ngành làm giàu, tích hợp, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu an sinh xã hội. Đó là dữ liệu ở nhiều lĩnh vực như lao động, việc làm, trẻ em, bảo trợ xã hội, giảm nghèo…
Ông Lưu Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, cơ quan này phối hợp Cục Việc làm, cùng Cục C6 (Bộ Công an) đã tiến hành làm việc và trao đổi về việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực lao động, việc làm.
Tháng 4/2022, dịch vụ công “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia với quy trình về việc tiếp nhận, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp hoàn thiện. Quy trình này hoàn thành sớm 1 tháng so với tiến độ nhiệm vụ đề ra tại Quyết định số 06/QĐ-TTg. Đến nay, dịch vụ công này đã bắt đầu phát sinh hồ sơ người lao động nộp đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh đã tiếp nhận hơn 304 nghìn người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, hơn 651 nghìn lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm và gần 6.200 người được hỗ trợ học nghề.
Nhằm mở rộng phạm vi tới các địa phương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn thực hiện tiếp nhận, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo hiểm thất nghiệp cấp sở. Cơ quan này cũng tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời, gửi công văn tới UBND cấp tỉnh về việc tiếp nhận và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đây là thông tin từ phiên họp Tổ công tác triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Tổ công tác 06) của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội diễn ra ngày 6/6.
Cùng với đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hiện đang phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát các chính sách và các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc bảo vệ trẻ em để hướng dẫn các địa phương triển khai trên cơ sở ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Song song với đó, xây dựng dự thảo Quy trình để hướng dẫn địa phương trong việc làm sạch, xác thực và bổ sung thông tin về dữ liệu trẻ em qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tính đến ngày 6/6, hơn 6,5 triệu trẻ em được làm sạch cơ sở dữ liệu và bổ sung căn cước công dân, trên tổng số hơn 22,2 triệu dữ liệu.
Trao đổi về xây dựng cơ sở dữ liệu về trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, chia sẻ, qua quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vấn đề. Cụ thể như: trẻ em di cư theo cha mẹ; trẻ em nghèo ở đô thị không nơi cư trú; … Từ đó, vai trò, năng lực thực hiện của cán bộ địa phương được đòi hỏi cao hơn, đặc biệt là trách nhiệm của cảnh sát khu vực khi phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về trẻ em.
Trong phạm vi của mình, ngành lao động-thương binh và xã hội làm giàu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng các thông tin về an sinh xã hội cho trẻ em (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo và cận nghèo… và chính sách cho các nhóm đối tượng trẻ em này); thông tin về bảo vệ trẻ em và quản lý trường hợp trẻ em (trẻ em bị xâm hại, lao động trẻ em, trẻ em bị mua bán…).
Trong lĩnh vực bảo trợ xã hội và giảm nghèo, cả nước hiện có khoảng 3,4 triệu người cần sự trợ giúp xã hội, gần 9 triệu người khuyết tật, 3,9 triệu người nghèo, hộ nghèo và hàng triệu người cao tuổi đang được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý. Con số này có nhu cầu rất lớn trong việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tới cuối tháng 5/2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã làm việc với Bộ Công an thử nghiệm xác thực thông tin của hơn 11 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội, đối khớp được hơn 7 nghìn đối tượng; thử nghiệm thành công việc kết nối, liên thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu lĩnh vực bảo trợ xã hội và giảm nghèo.
Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan khẳng định, thời gian qua, Tổ công tác 06 của Bộ đã tích cực, chủ động triển khai nhiều nhiệm vụ, công tác cần thiết hướng tới chuyển đổi số các lĩnh vực thuộc cơ quan này quản lý.
Ông Nguyễn Bá Hoan đánh giá cao Cục Trẻ em, Cục Việc làm, Cục Bảo trợ xã hội. Đây là những đơn vị tiên phong của Bộ trong kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác chuyển đổi số toàn quốc nói chung và của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nói riêng.
“Các đơn vị thuộc Bộ đã phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của mình thông qua việc hướng dẫn cơ sở xây dựng, triển khai dữ liệu chính xác, bảo đảm tiêu chí đúng – đủ – sạch – sống về cơ sở dữ liệu an sinh xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá.
Thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan giao Trung tâm Thông tin tiếp tục giữ vai trò là đầu mối chuyển đổi số của Bộ, chủ trì rà soát, đề xuất lãnh đạo Bộ phương hướng, biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của ngành lao động-thương binh và xã hội. Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin cũng cần tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các đơn vị thuộc Bộ xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chuẩn, bảo đảm các tiêu chí, yêu cầu về dữ liệu đã đề ra.
Ý kiến ()