Tích cực truyền thông về an sinh xã hội trong Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam
Trong Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh truyền thông sâu, rộng về ý nghĩa, giá trị của việc tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí lúc về già. Thời gian triển khai các hoạt động truyền thông từ ngày 27/9 đến 31/10/2023.
Người cao tuổi dự lễ hội chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội vào tháng 4/2023. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Công văn số 3008/BHXH-TT hướng dẫn bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh truyền thông hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023.
Trong đó, truyền thông sâu, rộng về ý nghĩa, giá trị của việc hưởng lương hưu hằng tháng: Tham gia bảo hiểm xã hội để lúc về già được hưởng lương hưu bảo đảm cuộc sống và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để được chăm sóc sức khỏe; lương hưu luôn được Nhà nước quan tâm, điều chỉnh phù hợp để bảo đảm cuộc sống cho người nghỉ hưu.
Theo đó, Công văn nêu rõ căn cứ Kế hoạch số 836/KH-BHXH ngày 29/3/2023 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023, với chủ đề “Người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ”, để đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số công việc sau.
Thứ nhất, về nội dung truyền thông, thực hiện truyền thông về mục đích, ý nghĩa của Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023. Trong đó, truyền thông sâu, rộng về ý nghĩa, giá trị của việc hưởng lương hưu hằng tháng: Tham gia bảo hiểm xã hội để lúc về già được hưởng lương hưu bảo đảm cuộc sống và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để được chăm sóc sức khỏe; lương hưu luôn được Nhà nước quan tâm, điều chỉnh phù hợp để bảo đảm cuộc sống cho người nghỉ hưu.
Chú trọng truyền thông thực tế về các trường hợp người cao tuổi được sống an nhàn: có lương hưu để chăm lo cuộc sống và có thẻ bảo hiểm y tế để được chăm sóc sức khỏe khi về già…Truyền thông về quyền, lợi ích, giá trị nhân văn của các chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình để người dân biết và chuẩn bị tích lũy an sinh cho tuổi già từ khi còn trẻ.
Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam trong giải quyết, chi trả các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người tham gia, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến người cao tuổi.
Cụ thể như: Cài đặt, sử dụng ứng dụng “VssID – bảo hiểm xã hội số” với tiện ích sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng để khám chữa bệnh thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy; sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; sử dụng tài khoản ngân hàng để nhận lương hưu;…Truyền thông vận động các tổ chức, cá nhân chung tay chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi thông qua việc trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Thứ hai, về hình thức truyền thông, bảo hiểm xã hội các tỉnh chủ động báo cáo, tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh có chính sách hỗ trợ người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách địa phương; tăng cường chỉ đạo truyền thông huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Phối hợp bưu điện các tỉnh lựa chọn các nội dung truyền thông phù hợp để truyền thông tới người hưởng tại các điểm chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Tăng cường thời lượng, số lượng các tin, bài, phóng sự tuyên truyền các nội dung trên để đăng tải/phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở.
Đồng thời tổ chức truyền thông qua các hội nghị truyền thông, truyền thông nhóm nhỏ…kết hợp phát các sản phẩm truyền thông (tờ rơi, tờ gấp,…) về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt chú trọng truyền thông, tư vấn, vận động người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình; Phối hợp các sở, ngành, đoàn thể tăng cường truyền thông thông qua các hội nghị, tọa đàm,…nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, vận động người dân chủ động tham gia, chuẩn bị tích lũy cho tuổi già từ khi còn trẻ; Truyền thông trên Cổng Thông tin điện tử và các trang mạng xã hội của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảo hiểm xã hội các tỉnh/huyện,….
Thời gian triển khai các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023 từ ngày 27/9/2023 đến ngày 31/10/2023.
Hiện cả nước có khoảng 12 triệu người cao tuổi. Trong đó, có 10 triệu người là hội viên người cao tuổi. Tỷ lệ người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt 95%.
Cách đây 32 năm, ngày 14/12/1990, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định chọn ngày 1/10 hằng năm làm Ngày Quốc tế người cao tuổi. Tiếp đó, ngày 25/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg lấy tháng 10 hằng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”.
Việc tổ chức hoạt động này hằng năm phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả với mục đích phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng hiếu thảo của con cháu với bố mẹ, ông bà và tinh thần kính lão, trọng thọ. Đồng thời, thu hút sự quan tâm của tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò của người cao tuổi.
Mới đây nhất, Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2022 đã được phát động với chủ đề “Chung tay chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”.
Hiện cả nước có khoảng 12 triệu người cao tuổi. Trong đó, có 10 triệu người là hội viên người cao tuổi.
Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trên toàn quốc đã có 46/425 cơ sở trợ giúp xã hội cơ sở chăm sóc người cao tuổi, bảo đảm 87% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời. Tỷ lệ người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt 95%.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()