Tích cực triển khai chương trình phát triển kinh tế số giai đoạn 2
– Hiện nay, chương trình phát triển kinh tế số đã bước vào giai đoạn 2. Để thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao, các đơn vị trên địa bàn đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp.
Chương trình phát triển kinh tế số giai đoạn 1 được triển khai từ ngày 20/7 đến ngày 20/9/2021 tại địa bàn 5 huyện gồm: Hữu Lũng, Chi Lăng, Bắc Sơn, Tràng Định, Văn Quan. Sau 2 tháng triển khai, chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, đã có trên 54.000 gian hàng số và trên 37.000 tài khoản thanh toán điện tử được mở; trên 4.000 mặt hàng được đăng bán trên 2 sàn thương mại điện tử là voso.vn và postmart.vn với tổng số khoảng 7.000 đơn hàng đã giao dịch. Mặc dù mới triển khai, nhưng chương trình phát triển kinh tế số trên địa bàn đang có tác động mạnh mẽ đến việc thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên địa bàn thông qua các sàn thương mại điện tử.
Theo kế hoạch đã đề ra, từ ngày 20/9 đến ngày 20/12/2021, tỉnh tiếp tục triển khai chương trình phát triển kinh tế số giai đoạn 2 tại địa bàn thành phố Lạng Sơn và các huyện còn lại là: Cao Lộc; Lộc Bình; Đình Lập; Bình Gia; Văn Lãng. Mục tiêu trong giai đoạn này là hoàn thành việc mở gian hàng số, tài khoản thanh toán điện tử cho 50% số hộ trên địa bàn các huyện.
Nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Cao Lộc hỗ trợ người dân tại xã Tân Liên mở tài khoản thanh toán điện tử
Để chương trình phát triển kinh tế số giai đoạn 2 đạt hiệu quả, khi triển khai, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của tỉnh và Kế hoạch Triển khai phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, trước đó, vào ngày 16/9, đơn vị đã tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp tập huấn triển khai phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn với sự tham gia của lãnh đạo, đại diện các sở, ban, ngành và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, các xã trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan hành chính nhà nước mua sản phẩm nông sản, hàng hoá trên sàn thương mại điện tử. Trong suốt quá trình triển khai, đơn vị chủ động thành lập các tổ 4 – 5 người là cán bộ, lãnh đạo sở trực tiếp giám sát việc thực hiện tại các địa phương.
Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 25/9/2021, trên địa bàn các huyện, thành phố triển khai phát triển kinh tế số giai đoạn 2, đã có 2.173 cửa hàng số và 2.173 tài khoản thanh toán điện tử được mở. Trong đó, số hộ đầu tàu là 216 hộ. |
Từ những nội dung đã được tập huấn, các huyện, thành phố đã xác định chương trình phát triển kinh tế số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) triển khai chuyển đổi số, phát triển kinh tế số với nhiệm vụ tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trên địa bàn. Đồng thời, thành lập tổ giúp việc phụ trách tham mưu BCĐ các nhiệm vụ, giải pháp, báo cáo tình hình thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trên địa bàn huyện. Từ các dữ liệu rà soát trước khi thực hiện, BCĐ các huyện đã đưa ra kế hoạch triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Điển hình như tại huyện Đình Lập, theo mức chỉ tiêu tỉnh giao là 50% số hộ trên địa bàn huyện có gian hàng số, tài khoản thanh toán điện tử, huyện sẽ phải hoàn thành hỗ trợ 350.000 hộ dân mở gian hàng số và tài khoản thanh toán điện tử. Trong đó, có 10% tổng số hộ là đầu tàu (là các hộ có cửa hàng số, có tài khoản thanh toán điện tử, có mặt hàng đăng bán và bán được sản phẩm). Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế, huyện Đình Lập đặt chỉ tiêu phấn đấu cao hơn đối với địa bàn 3 xã, thị trấn gồm: xã Đình Lập; thị trấn Đình Lập; thị trấn Nông trường Thái Bình. Theo đó, mức chỉ tiêu tại 3 địa bàn trên là 55% số hộ có tài khoản thanh toán điện tử và có cửa hàng số. Đối với xã còn lại, mặc dù hạn chế về hạ tầng viễn thông nhưng huyện quyết tâm phấn đấu đạt 50%.
Bà Hoàng Thị Kim Hoạt, Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Đình Lập cho biết: Hiện nay, toàn huyện đã thành lập 114 tổ hỗ trợ bà con mở tài khoản, cửa hàng số. Qua đó, huyện quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao trước ngày 20/12/2021.
Cùng với huyện Đình Lập, các huyện khác đều quyết tâm thực hiện vượt mức chỉ tiêu đã đề ra. Đơn cử như thành phố Lạng Sơn, với lợi thế về nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin, thành phố phấn đấu sẽ có 24% số hộ là hộ đầu tàu trong phát triển kinh tế số. Hay như huyện Lộc Bình, chỉ tiêu số hộ có tài khoản, cửa hàng số đối với khu vực thị trấn, xã giáp thị trấn là từ 70 – 80%. Với các huyện còn lại, tại các khu vực xã, thị trấn có đủ điều kiện đáp ứng tốt việc phát triển kinh tế số, mức chỉ tiêu do huyện tự đề ra cũng đều vượt so với chỉ tiêu tỉnh giao. Ngoài ra, BCĐ các huyện theo dõi sát sao, chỉ đạo quyết liệt đến UBND các xã và các đơn vị tham gia tích cực phối hợp thực hiện. Trong quá trình triển khai, bước đầu, các địa phương sẽ tập trung đưa các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) và các sản phẩm VietGAP, GlobalGAP đã có thương hiệu, tiềm năng lớn để đưa lên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá đối với các sản phẩm. Theo định hướng chung, về lâu dài, không chỉ riêng nông sản mà tất cả các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp nông thôn… sẽ đều được hướng đến việc tiêu thụ qua các sàn.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành, 2 doanh nghiệp là Viettel Lạng Sơn và Bưu điện tỉnh cũng đã huy động tối đa nhân lực, phối hợp với chính quyền các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai các lớp tập huấn, đào tạo cho người dân. Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu từ Viettel Lạng Sơn, tùy vào quy mô triển khai của mỗi huyện, đơn vị sẽ cắt cử từ 20 đến 30 nhân viên chia thành các tổ hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đến người dân về lợi ích, của việc tham gia các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân mở tài khoản, gian hàng số. Từ ngày 20/9 đến ngày 25/9, dù mới chỉ trong giai đoạn tập huấn cho người dân, nhưng Viettel Lạng Sơn đã hỗ trợ khoảng 1.000 hộ dân trên địa bàn các huyện triển khai phát triển kinh tế số giai đoạn 2 đăng ký mở tài khoản, gian hàng số.
Ông Hoàng Mạnh Tuân, Phó Giám Đốc Viễn thông và Thương mại điện tử Chi nhánh Bưu chính Viettel Lạng Sơn cho biết: Khác với giai đoạn 1, trong giai đoạn 2, ngay từ những cuộc tập huấn đầu tiên, đơn vị sẽ chủ động lựa chọn cá nhân có nhiệt huyết, am hiểu về công nghệ thông tin cũng như có lượng sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường để xây dựng các gian hàng “đầu tàu”. Đồng thời, đơn vị tiếp tục theo dõi sát sao mức độ hiệu quả từ hoạt động của các cửa hàng số trên hệ thống. Đối với các gian bán hàng hiệu quả, đơn vị sẽ lập danh sách và tiến hành đào tạo chuyên sâu cho các chủ gian hàng. Qua đó, giúp họ có đủ kiến thức phát triển thị trường, quy mô gian hàng cũng như trở thành một tuyên truyền viên, hỗ trợ các hộ còn lại tại địa phương phát triển kinh tế số.
Hiện nay, công tác triển khai tập huấn, đào tạo các chủ gian hàng đang được các đơn vị quyết liệt thực hiện. Bước đầu, đã có rất nhiều người dân đánh giá tích cực về lợi ích việc đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử. Trên cơ sở đó, nhiều hộ gia đình đã chủ động xin được hướng dẫn, hỗ trợ mở gian hàng số, tài khoản thanh toán điện tử. Đối với nhiều người dân, việc phát triển kinh tế số đã mở ra cơ hội để họ có thể phát triển thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm.
Bà Phạm Minh Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Bình
“Do đặc thù là huyện còn nhiều thôn, xã hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin, tại nhiều xã, người dân ít có cơ hội tiếp cận với các hoạt động thương mại điện tử và rất nhiều người hoàn toàn chưa hiểu được xu thế này. Vì vậy, để đảm bảo công tác triển khai phát triển kinh tế số đạt chỉ tiêu đã đề ra, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan thảo luận, thống nhất phương án, tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã thành lập các tổ công nghệ thông tin. Trong đó, mỗi tổ gồm 3 thành viên là trưởng thôn, đoàn viên thanh niên am hiểu về công nghệ thông tin. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được trên 100 tổ tại các thôn. Các tổ này sẽ phối hợp với 2 doanh nghiệp là Viettel Lạng Sơn và Bưu điện tỉnh trực tiếp hướng dẫn bà con cài đặt, đăng ký tài khoản, gian hàng số và cách sử dụng có hiệu quả”.
Ông Đinh Long Xuyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng
“Việc các sản phẩm nông sản được đưa lên bán trên các sàn thương mại điện tử sẽ giúp người nông dân có thể trực tiếp tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa các khâu trung gian. Qua đó, góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm, tránh gặp phải tình trạng thương lái ép giá. Để đảm bảo chất lượng của các sản phẩm tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật đến người dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật đến bà con. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với các địa phương trong việc hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc về lĩnh vực nông nghiệp trong quá trình triển khai phát triển kinh tế số. Qua đó, phát huy hiệu quả của các gian hàng số, hướng đến việc đưa cả sản phẩm nông sản và các sản phẩm khác có thể lên sàn”.
Ý kiến ()