Tích cực triển khai các phương án nhằm phát triển chuỗi cá ngừ hiệu quả
Trong 6 tháng đầu năm 2015, ngành thủy sản đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp một phần quan trọng trong sản xuất chung của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ngành thủy sản đề ra cho cả năm 2015, vẫn còn nhiều công tác cần quan tâm triển khai thực hiện. Xung quanh vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Huy Điền đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển |
PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được của ngành thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2015 và những giải pháp triển khai trong thời gian tới để đạt được sản lượng 6,4 triệu tấn thủy sản trong cả năm 2015 như mục tiêu đã đề ra?
Ông Nguyễn Huy Điền: Đánh giá chung về tình hình 6 tháng đầu năm 2015, về sản lượng khai thác vẫn tăng nhẹ và với mức tăng này vẫn đảm bảo kế hoạch năm 2015. Về nuôi trồng thủy sản, theo báo cáo có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2013, cụ thể, đối với sản lượng cá tra chỉ tiêu là 1 triệu tấn, đến nay đã đạt 489 nghìn tấn, đã đạt 100% so với kế hoạch đề ra, các đối tượng khác như nhuyễn thể, cá rô phi, cá biển vẫn tăng nhẹ. Năm nay, do tình hình thời tiết biến đổi, tình hình xâm nhập mặn của vùng nuôi cao, thậm chí tăng quá giới hạn gây nhiều khó khăn cho bà con trong việc nuôi thả. Tuy nhiên, hiện nay, mưa đã xuống, nhiệt độ bắt đầu ổn định, các địa phương đang tiếp tục triển khai công tác nuôi thả.
Nhằm đạt được mục tiêu 6,4 triệu tấn thủy sản trong năm 2015, Tổng cục Thủy sản đã trực tiếp cử các đoàn công tác xuống các địa phương để kiểm tra, giám sát theo dõi tình hình nuôi thả và hướng dẫn việc nuôi thả cho các hộ nông dân. Với những thời điểm nhiệt độ cao, thời tiết nắng nóng, Tổng cục đã có công văn đề nghị dừng thả để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh. Đến nay, khi thời tiết đã thuận lợi, có mưa xuống, độ mặn giảm, Tổng cục đã có công văn chỉ đạo các địa phương khẩn trương thả hết các diện tích để tận dụng thời cơ khi giá tôm đã bắt đầu tăng.
PV: Được biết lượng cá ngừ nhập khẩu về để chế biến khá lớn trong khi công tác khai thác cá ngừ của chúng ta chưa thực sự hiệu quả, vậy định hướng phát triển cá ngừ trong thời gian tới của Tổng cục là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Điền: Tổng cục Thủy sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao và đã xây dựng đề án chuỗi cá ngừ, đến nay đề án đã được triển khai. Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa để triển khai dự án có hiệu quả. Song song với đó, chúng tôi cũng đã làm việc với các chuyên gia, các công ty Nhật Bản trực tiếp sang hướng dẫn phổ biến kỹ thuật và đã đạt được hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên vẫn chưa được như mong muốn do tập quán khai thác của bà con ngư dân vẫn theo lối cũ, việc tiếp nhận các công nghệ mới còn chậm, hơn nữa bà con ngư dân vẫn sử dụng các phương tiện cũ là các hầm bảo quản lạnh, thiết bị bảo quản chưa đạt yêu cầu, chính vì vậy hiệu quả chưa cao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các doanh nghiệp và các địa phương để đưa đề án đi theo hướng như kết quả mong đợi.
PV: Ngành nông nghiệp mong muốn phát triển ngành cá ngừ theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị của cá ngừ và không để ngư dân khai thác manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay. Vậy, công tác khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khai thác hệ thống này đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Điền: Ở trong chuỗi sản xuất cá ngừ, chúng tôi nhận thấy mối liên kết theo chuỗi giữa các doanh nghiệp và ngư dân còn chưa chặt chẽ. Vì vậy, hiện nay, chúng tôi đang thúc đẩy và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi này. Trong chương trình thực hiện Nghị định 67, chúng tôi đã phối hợp với các doanh nghiệp lớn và đang đóng những con tàu đi thu mua khai thác đạt tiêu chuẩn kỹ thuật để phối hợp với các ngư dân tiêu thụ cá ngừ. Hiện nay, kế hoạch đóng các tàu đã được phê duyệt, các doanh nghiệp đang tiếp tục thực hiện, hy vọng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
PV: Kiểm tra vật tư đầu vào cũng như hướng dẫn cho ngư dân nắm được quy trình sản xuất, đáp ứng được những yêu cầu của các nước nhập khẩu là công tác quan trọng, vậy xin ông cho biết, công tác này đã được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Huy Điền: Tổng cục Thủy sản đã đề ra được quy trình tạm thời về nuôi tôm trong vùng dịch bệnh, đạt hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, Tổng cục cũng đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra về vật tư nông nghiệp đầu vào, trong đó có đoàn thanh tra về giống, giá cả, kiểm tra về doanh nghiệp chế biến thức ăn cho thủy sản,… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành để thanh tra và giám sát những công việc này nhằm đạt được hiệu quả cao hơn./.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()