Tích cực tham gia bình ổn thị trường phân bón
Nhu cầu thực tiễn Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT), Bộ Công thương và Hiệp hội Phân bón Việt Nam, do ảnh hưởng của việc nước lũ rút chậm nên kéo theo mùa vụ tại đồng bằng sông Cửu Long bị chậm lại gần một tháng. So với hằng năm, thời điểm xuống giống rộ tập trung vào tháng 10, nhưng năm nay vụ đông xuân năm 2010-2011 đến tháng 11 các nơi mới xuống giống, một số địa phương lũ rút chậm hơn nên đầu tháng 12 nông dân mới xuống giống.Về nhu cầu, hằng năm nhu cầu u-rê cho vụ đông xuân khoảng 750.000 - 800.000 tấn, tuy nhiên, riêng đối với năm 2010, nhu cầu phân bón cho vụ đông xuân năm nay tăng hơn so với các năm. Đặc biệt là phân u-rê, ước tính riêng ba tháng cuối năm 2010 cần khoảng 635.000 tấn u-rê, tăng thêm khoảng 60.000 tấn so với mọi năm.Về nguồn cung, ước tính nguồn cung u-rê tại thời điểm cuối tháng 10-2010 là khoảng 250.000 tấn, trong đó lượng u-rê nhập khẩu đang tồn khoảng 150.000 tấn, tồn kho Nhà máy đạm Phú...
Về nhu cầu, hằng năm nhu cầu u-rê cho vụ đông xuân khoảng 750.000 – 800.000 tấn, tuy nhiên, riêng đối với năm 2010, nhu cầu phân bón cho vụ đông xuân năm nay tăng hơn so với các năm. Đặc biệt là phân u-rê, ước tính riêng ba tháng cuối năm 2010 cần khoảng 635.000 tấn u-rê, tăng thêm khoảng 60.000 tấn so với mọi năm.
Về nguồn cung, ước tính nguồn cung u-rê tại thời điểm cuối tháng 10-2010 là khoảng 250.000 tấn, trong đó lượng u-rê nhập khẩu đang tồn khoảng 150.000 tấn, tồn kho Nhà máy đạm Phú Mỹ và Nhà máy Đạm Hà Bắc khoảng 100.000 tấn. Để đáp ứng nhu cầu cho vụ đông xuân, trong hai tháng cuối năm, lượng sản xuất và nhập khẩu phân u-rê cần phải đạt khoảng 400.000 tấn.
Cung ứng đủ nhu cầu thị trường phân bón
Dự báo trước tình hình diễn biến phức tạp của vụ đông xuân, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) đã chủ động theo dõi sát tình hình thị trường phân bón và tình hình mùa vụ; phối hợp, liên hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý của Bộ NN và PTNT, các Sở NN và PTNT tại các địa phương; từ đó chủ động tăng lượng hàng dự trữ, đẩy mạnh sản xuất và nhập khẩu để đáp ứng tối đa nhu cầu cho vụ đông xuân và thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường.
Về nguồn cung, PVFCCo bảo đảm nguồn cung từ lượng hàng dự trữ lưu thông, nguồn sản xuất và lượng hàng nhập khẩu. Đối với lượng hàng dự trữ lưu thông, PVFCCo luôn bảo đảm tối thiểu 70.000 tấn phân đạm dự trữ sẵn sàng tại các kho ở khắp các vùng, miền để kịp thời phục vụ cho nhu cầu của thị trường. Đối với sản xuất của Nhà máy đạm Phú Mỹ, PVFCCo đã tích cực duy trì sản xuất ổn định theo công suất thiết kế, đồng thời thực hiện biện pháp tăng năng lực sản xuất thông qua việc đưa vào vận hành hệ thống thu hồi khói thải CO2. Từ công suất thiết kế của nhà máy là 2.200 tấn/ngày, đến ngày 14-9-2010, PVFCCo đã đưa vào hoạt động sớm hơn năm tháng hệ thống thu hồi khói thải CO2, góp phần đưa năng lực sản xuất của nhà máy lên tối đa 2.385 tấn/ngày. Về sản lượng sản xuất, tính đến ngày 26-10-2010, sản lượng đạm Phú Mỹ đạt 655.654 tấn, thực hiện 88,60% kế hoạch năm. Dự kiến hai tháng cuối năm (tháng 11 và 12), nhà máy sẽ sản xuất thêm 140.715 tấn. Bên cạnh sản lượng đạm Phú Mỹ, PVFCCo cũng tích cực triển khai công tác nhập khẩu phân bón bổ sung cho nguồn cung trong nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường u-rê khi vào cao điểm vụ đông xuân 2010 -2011. Theo đó, đến ngày 26-10-2010, PVFCCo đã nhập khẩu 128.500 tấn phân bón các loại (trong đó u-rê là 110.000 tấn) và trong hai tháng cuối năm 2010, PVFCCo dự kiến nhập khẩu thêm 25.000-30.000 tấn u-rê. Đến nay, tổng nguồn cung u-rê gồm hàng dự trữ, sản xuất và nhập khẩu của PVFCCo cho vụ đông xuân là khoảng hơn 300.000 tấn, đáp ứng gần 50% nhu cầu cả nước.
Ngoài ra, do dự báo trước tình hình thị trường phân bón thế giới, đồng thời tập trung ưu tiên cho thị trường trong nước, PVFCCo chủ động giảm lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Cam-pu-chia bằng cách bước đầu chỉ xuất khẩu thử nghiệm số lượng nhỏ và nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Bộ Công thương là dừng hẳn việc xuất khẩu phân đạm Phú Mỹ.
Cùng với việc bảo đảm nguồn cung cho thị trường, PVFCCo đã và đang tích cực thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường thông qua việc duy trì giá bán ổn định. Năm 2010, giá phân bón, đặc biệt là phân u-rê tại thị trường trong nước và quốc tế có những biến động phức tạp, giá tăng nhanh từ tháng 6-2010 nhất là trong cuối tháng 9 và trong tháng 10. Tại thị trường thế giới, giá FOB u-rê Nga, Trung Đông vào ngày 3-6-2010 có mức giá 210-218 USD, nhưng đã tăng lên mức 335-340 USD/tấn vào ngày 21-10-2010. Tại thị trường trong nước, giá u-rê Trung Quốc, cụ thể là khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng tăng đáng kể, từ mức giá 6.200 đồng/kg vào ngày 3-6-2010 hiện nay đã tăng lên 7.400-7.500 đồng/kg. Mặc dù giá thế giới và giá tại thị trường trong nước biến động tăng liên tục như vậy, nhưng từ đầu năm đến nay, giá bán của đạm Phú Mỹ luôn giữ ổn định, mức giá bán bình quân là 5.780 đồng/kg (giá chưa VAT) và vào thời điểm hiện tại, giá trần của đạm Phú Mỹ duy trì ở mức 6.800 đồng/kg.
Để công tác bình ổn có hiệu quả cần…
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVFCCo Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Với việc chuẩn bị tốt về nguồn cung và ổn định giá bán như trên, PVFCCo cam kết nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ bình ổn thị trường. Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thắng, để công tác bình ổn thị trường trong nước có hiệu quả hơn, PVFCCo đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo thực hiện các biện pháp sau:
Chính phủ có chính sách quan tâm bình ổn giá, kiểm soát chất lượng không những với phân u-rê mà cả các loại phân bón khác, đặc biệt là phân bón sản xuất trong nước (NPK, lân, phân hữu cơ,…) để người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn phân bón sản xuất trong nước, giảm nhu cầu phân bón nhập khẩu.
Bộ NN và PTNT, Cục Trồng trọt khẩn trương rà soát đánh giá về quy mô sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2010 – 2011 (cơ cấu cây trồng, mùa vụ, diện tích,.. ) từ đó tính toán xác định nhu cầu sử dụng phân bón để làm cơ sở cho các đơn vị kinh doanh triển khai công tác sản xuất, dự trữ… bao gồm cả việc nhập khẩu phân u-rê nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường.
Cơ quan khuyến nông từ trung ương đến địa phương tăng cường công tác khuyến nông và truyền thông khuyến nông nhằm hướng dẫn nông dân bón phân cân đối hợp lý, bón đúng cách – đúng loại – đúng thời điểm, tránh tình trạng nông sản tăng giá nông dân đầu tư quá mức, bón thừa phân bón vừa lãng phí vừa kém hiệu quả, tác hại đến môi trường.
Bộ Công thương, Vụ Thị trường trong nước và cơ quan quản lý thị trường phối hợp các địa phương tăng cường công tác kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng phân bón trên thị trường.
Bộ Công thương chỉ đạo các Sở Công thương các tỉnh, thành phối hợp với cơ quan quản lý thị trường kiểm tra và tham gia tích cực vào công tác bình ổn thị trường phân bón.
Bộ Công thương, Bộ Tài chính xem xét cần có chính sách hỗ trợ cũng như cơ chế nhập khẩu phù hợp với tình hình để áp dụng cho hoạt động nhập khẩu phân u-rê trong ba tháng cuối năm 2010. Các lô hàng nhập khẩu theo chương trình bình ổn thị trường được Chính phủ chỉ định ưu tiên trong thủ tục thanh toán (bảo đảm nguồn ngoại tệ), thông quan, nhập cảng, lưu kho bãi cảng,…
Tăng cường kiểm soát chất lượng phân bón trên thị trường, không những với phân u-rê mà cả các loại phân bón khác, tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông gây ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp và thiệt hại cho bà con nông dân
Theo Nhandan
Ý kiến ()