Tích cực phòng chống xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long
Trước những biến đổi khó lường của khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn năm nay ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện sớm và vào sâu trong đất liền. Ngay từ đầu năm 2015 đã xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn, độ mặn tại hầu hết các trạm ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2014 và trung bình nhiều năm.
|
Nước mặn xâm nhập khiến cây lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long |
Theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần lưu ý ảnh hưởng của xâm nhập mặn sớm và sâu vào nội đồng. Theo đó, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn thời điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt.Xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến 620 nghìn ha lúa đông xuân ở khu vực này, chiếm 40% diện tích toàn vùng và có khoảng 100 nghìn ha trong số đó có nguy cơ xâm nhập mặn cao nhất. Xâm nhập mặn có khả năng xuất hiện sớm trong tháng 12/2015. Do đó, các địa phương cần chủ động tính toán thời vụ gieo trồng hợp lý, để hạn chế thiệt hại do thiếu nước và do ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Với dự báo dòng chảy thượng nguồn sông Cửu Long thiếu hụt nhiều, xâm nhập mặn tại vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuất hiện sớm, vào sâu trong đất liền so với cùng kỳ trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng đến khả năng cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Cụ thể, các vùng cách biển từ 25km đến 35 km. Từ tháng 12/2015, mặn có khả năng vượt quá 4g/l, từ tháng 1/2016 và tháng 2/2016 trở đi, các vùng này gần như không có khả năng lấy nước ngọt. Các vùng cách biển từ 45km đến 65 km, từ tháng 1/2016 đến tháng 5/2016 có khả năng bị mặn cao (>4g/l) xâm nhập. Nếu mùa mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6/2016.
Khả năng xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lúa đông xuân, xuân hè, cây công nghiệp ngắn ngày, rau màu… làm giảm năng suất hoặc mất trắng do thiếu nước, nhất là các vùng ven biển. Đặc biệt, trong năm 2015, do mưa đến muộn khoảng 30 ngày nên một số vùng xuống giống muộn vụ hè thu 2015, dẫn đến khả năng thời kỳ lúa đứng cái – làm đòng vụ lúa đông xuân 2015 – 2016 rơi vào thời kỳ mặn gay gắt, nguồn nước thiếu hụt.
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã bị thiệt hại hoặc giảm năng suất do không có nguồn nước ngọt pha loãng nồng độ mặn phù hợp, ô nhiễm môi trường tăng, độ mặn quá cao vượt ngưỡng giới hạn chịu đựng của tôm. Tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt khả năng xảy ra ở các vùng ven biển, vùng cù lao cửa sông, nhất là ở các vùng Gò Công Đông, Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang), Hòa Minh (tỉnh Trà Vinh), cù lao Minh (tỉnh Sóc Trăng) và các huyện ven biển của tỉnh Bến Tre…
Nhằm khắc phục những khó khăn, thiệt hại do biến đổi của khí hậu, nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có những giải pháp, cùng với sự hỗ trợ tích cực của Trung ương và các bộ, ngành chức năng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ trên 284 tỷ đồng cho 19 địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2015 để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ đông xuân năm 2014 – 2015 và vụ hè thu năm 2015. Trong đó, tỉnh Tiền Giang được hỗ trợ trên 11 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang), trong vụ hè thu 2015, địa phương có trên 570 ha lúa mới gieo sạ bị thiệt hại do nắng hạn và xâm nhập mặn kéo dài, nhiễm phèn nặng…Qua khảo sát của ngành chức năng, diện tích lúa hè thu bị thiệt hại do thiên tai tập trung ở các xã giáp biển Đông: Phú Đông, Phú Thạnh với mức độ thiệt hại từ 30% đến 70%,.
Để giúp nông dân sớm khắc phục hậu quả thiên tai và phát triển sản xuất bền vững, tỉnh Tiền Giang đã sớm triển khai việc hỗ trợ trong khuôn khổ chính sách hỗ trợ giống cây trồng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho bà con, khẩn trương gieo sạ lấp vụ trở lại, đảm bảo đời sống. Kinh phí trên 680 triệu đồng. Cùng với triển khai việc hỗ trợ về giống má để tái gieo sạ lấp vụ, huyện Tân Phú Đông cũng thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra vừa thuận lợi cho nông dân tổ chức lại sản xuất. Đặc biệt chú trọng giải pháp làm thủy lợi nội đồng chủ động nguồn nước tưới tiêu kết hợp phổ cập rộng rãi các biện pháp canh tác khoa học, nhân rộng các mô hình sản xuất mới như: lúa tôm, lúa cá, lúa màu…
Nhằm đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho bà con ở vùng bị hạn và hạn mặn, tỉnh Hậu Giang đã có kế hoạch nạo vét hệ thống các cấp kênh mương và đắp các đập thời vụ ở các đầu kênh cấp III, kênh nội đồng khi độ mặn đạt mức 1,5‰, không để mặn xâm nhập lên đồng; trữ nước ngọt đảm bảo nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho bà con nông dân trong vùng.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước và Công trình đô thị Hậu Giang cùng với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh này đảm bảo phục vụ tốt nước sinh hoạt cho người dân trong vùng bị hạn, mặn trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương khác tích cực vận động nhân dân tích trữ nước ngọt bằng các phương tiện trữ nước, đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn năm 2015.
Trước tình hình xâm nhập mặn gay gắt ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương khu vực này thống nhất đẩy lịch thời vụ xuống giống vụ đông xuân 2015-2016 lên sớm 20 ngày so với vụ đông xuân hằng năm và phải cố gắng xuống giống dứt điểm trong tháng 12/2015. Các địa phương rà soát hạ tầng thủy lợi, điều tiết nước phục vụ sản xuất, tuân thủ lịch thời vụ, cơ cấu giống, sử dụng giống xác nhận để gieo sạ. Tổng cục Thủy lợi cần theo dõi diễn tiến hạn mặn, cung cấp thông tin kịp thời cho các địa phương để chủ động ứng phó, hạn chế tối đa thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
Được biết, năm 2015, các địa phương ở Nam bộ gieo sạ 4,583 triệu ha lúa, sản lượng thu hoạch ước đạt hơn 27 triệu tấn, tăng trên 476 nghìn tấn so với năm 2014. Vụ đông xuân 2015-2016, dự kiến, toàn vùng Nam bộ gieo sạ hơn 1,64 triệu ha lúa. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuống giống 1,563 triệu ha.
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()