Tích cực phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi
(LSO) – Hiện đang bước vào thời điểm giao mùa, nguy cơ phát sinh dịch bệnh gây hại đến đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Để hạn chế không xảy ra dịch bệnh, nhất là các bệnh như: lở mồm long móng (LMLM) trên đàn trâu bò, tai xanh ở lợn, cúm gia cầm, ngành chức năng và người dân đã và đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống.
Hiện nay, đang là thời điểm giao mùa, đàn gia cầm dễ mắc các bệnh như: niu – cát – xơn, viêm phổi, cúm, tiêu chảy, tụ huyết trùng… Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, gia đình chị Phạm Thị Huệ, thôn Bản Phạc, xã Quốc Khánh (huyện Tràng Định) chủ động che chắn chuồng trại cẩn thận, tránh mưa tạt, gió lùa; có chuồng úm, quây úm, đèn sưởi để cung cấp nhiệt cho phù hợp khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Cùng với đó, chị thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom chất thải, thay chất độn chuồng.
Chị Phạm Thị Huệ (bên phải), thôn Bản Phạc, xã Quốc Khánh(huyện Tràng Định) tiêm phòng cho đàn vịt con
Chị Huệ cho biết: Ngoài vệ sinh chuồng trại, giữ ấm cho đàn gia cầm, tôi luôn cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm chất lượng, bổ sung thêm vitamin, B-complex, men tiêu hóa để tăng khả năng hấp thụ thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng cho gia cầm; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia cầm theo quy định. Hiện nay, gia đình tôi có trên 1.500 con gia cầm, với các biện pháp phòng bệnh hiệu quả, đàn gia cầm phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh.
Không chỉ gia đình chị Huệ, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Quốc Khánh cũng như huyện Tràng Định đã và đang chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Hiện trên địa bàn huyện Tràng Định có gần 6.000 con trâu, bò; 6.000 con con lợn; gần 430.000 con gia cầm. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Tràng Định, thời tiết đang chuyển mùa, mưa nắng thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gia tăng trên đàn gia súc, gia cầm như: LMLM trên đàn trâu bò, cúm gia cầm, tai xanh ở lợn. Vì vậy, trung tâm chỉ đạo cán bộ thú y, thú y viên các xã, thị trấn tăng cường giám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, báo cáo kịp thời và chủ động các phương án ứng phó.
Cùng với việc giám sát dịch bệnh, trung tâm xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai hiệu quả tháng phun tiêu độc khử trùng (từ ngày 20/9 đến ngày 20/10/2020). Trung tâm hiện có khoảng 300 lít thuốc sát trùng, gần 20 bình phun cấp cho các xã, thị trấn để tiến hành phun tập trung tại 11/22 xã, thị trấn. Đối với các xã còn lại, trung tâm sẽ cấp thuốc sát trùng cho người dân tự phun. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp gia cố chuồng trại, phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi trong mùa đông sắp tới.
Tại huyện Văn Lãng, theo ông Nông Hồng Bộ, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, để phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm trong thời điểm giao mùa, trong tháng 8/2020, trung tâm triển khai tiêm phòng bệnh tiên mao trùng trên trâu, bò, đến nay, đã tiêm phòng trên 600 con trâu bò. Hiện nay, trên địa bàn huyện không có dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trên gia súc, gia cầm, bệnh dịch tả lợn châu Phi được khống chế. Trung tâm đang triển khai kế hoạch tháng phun tiêu độc khử trùng trên địa bàn. Trong đó, trung tâm đã tiếp nhận 500 lít thuốc sát trùng, 16 bình phun cấp cho các xã; triển khai phun tập trung tại 10/17 xã, thị trấn có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 113.000 con trâu, bò; 102.000 con lợn, 5,2 triệu con gia cầm. Đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn không phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: cúm gia cầm, tai xanh ở lợn; có 106/115 xã qua 21 ngày không phát sinh ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi mới. Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn xảy ra và có nguy cơ lây lan do chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh, mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong môi trường, cơ chế lây nhiễm phức tạp khó kiểm soát. Cùng với đó, thời tiết thay đổi các ổ dịch bệnh nguy hiểm (cúm gia cầm, LMLM,…) có nguy cơ phát sinh rải rác tại một số huyện trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các vùng có hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển, khu vực có ổ dịch cũ. Vì vậy, chi cục tiếp tục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Đồng thời, chi cục yêu cầu trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, báo cáo kịp thời và chủ động các phương án ứng phó khi có dịch xảy ra. Cùng với đó, chi cục cấp phát khoảng 8.000 lít thuốc sát trùng cho các huyện, thành phố để đảm bảo thực hiện tháng phun tiêu độc khử trùng trên địa bàn diễn ra từ 20/9 đến 20/10/2020.
Với những giải pháp của ngành chức năng và sự chủ động của người dân, tin rằng công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh trong thời điểm giao mùa sẽ được thực hiện hiệu quả, góp phần bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn chăn nuôi.
Ý kiến ()