Tích cực phòng, chống các bệnh do nắng nóng và bệnh truyền nhiễm
LSO-Mùa hè tới với những đợt nắng nóng bất thường tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh phát sinh và phát triển. Với trách nhiệm của mình, các bệnh viện đã tích cực khám và điều trị cho người dân…
Cán bộ y tế phường Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ em |
Bệnh nhân tăng do nắng nóng
Trong những ngày nắng nóng, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ em với các bệnh về đường hô hấp trên, tiêu chảy; người cao tuổi mắc các bệnh như viêm mũi, họng, viêm xoang… Ông Trần Văn Báo, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: mấy ngày qua, do thời tiết nắng nóng, bệnh viêm xoang của ông đã quay trở lại, nên ông phải đến bệnh viện để khám và điều trị. Chị Đường Thị Trung ở phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: do vợ chồng tôi để nhiệt độ điều hòa thấp, đêm ngủ, con lại đạp chăn khỏi người nên cháu có biểu hiện sốt nhẹ, thở khò khè. Vì thế tôi phải đưa con đến khám bệnh vì nghi bị viêm phổi.
Bác sĩ Trương Quý Trường, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh cho biết: do thời tiết nắng nóng, số bệnh nhân đến khám và điều trị tăng; từ ngày 29/5 đến 7/6/2016, tổng số đến khám là 4.599 người, (trong đó có hơn 2.000 là trẻ em), nhập viện là 1.227 người (trong đó có trên 500 trẻ em), tăng nhẹ so với cùng kỳ. Một số bệnh phổ biến là cao huyết áp, rối loạn chức năng tiền đình, viêm họng, viêm phổi và viêm phế quản. Bệnh viện đã có nhiều giải pháp chống nóng cho bệnh nhân lưu trú như: lắp thêm quạt, điều hòa… nhất là Khoa Nội và Khoa Nhi; tích cực điều trị cho bệnh nhân, hầu hết sau 1 tuần, bệnh nhân ra viện và khỏi, không có trường hợp diễn biến nặng.
Bác sĩ Lăng Văn Định, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng cho biết: số trẻ em và người cao tuổi trên địa bàn đến khám tăng từ 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái; số trẻ em nhập viện tăng nhẹ, chủ yếu là các bệnh do nắng nóng gây ra như sốt vi rút, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi; các bệnh về đường tiêu hóa. … Song song với việc điều trị tích cực, bệnh viện đã chỉ đạo đội y tế dự phòng tuyên truyền sâu đến người dân về cách phòng tránh nắng nóng, nhất là phòng tránh bệnh quai bị đang có chiều hướng phát sinh và phát triển trên địa bàn.
Tích cực điều trị bệnh
Trong 6 tháng đầu năm, với thời tiết giao mùa, nhiều bệnh truyền nhiễm đã phát sinh và phát triển trên địa bàn tỉnh và đã có số mắc tăng hơn cùng kỳ năm 2015. Điển hình như thủy đậu tăng gần 45%, tiêu chảy tăng trên 10%, cúm tăng trên 5%; đặc biệt, đến đầu tháng 6/2016, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 1.100 ca thủy đậu, xuất hiện rải rác tại các địa bàn, song nhiều nhất tại Hữu Lũng và Bắc Sơn. Bác sĩ Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn cho biết: bệnh tập trung vào tháng 4 và tháng 5 tại các xã như: Long Đống, Trấn Yên, Hưng Vũ và thị trấn Bắc Sơn. Trung tâm đã có nhiều nỗ lực điều trị tại bệnh viện và xuống các xã “trọng điểm” để phổ biến cách phòng bệnh cho người dân. Những ngày đầu tháng 6 không ghi nhận thêm ca mắc mới.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh nhận định: đây là bệnh theo mùa, số trẻ mắc hầu hết là do chưa được tiêm phòng. Do cơ chế lây truyền qua đường hô hấp và tiêu hóa nên trong dịp nghỉ hè, bệnh sẽ không tán phát rộng. Lâu nay, trong công tác tiêm phòng, trẻ em thường chỉ được tiêm mũi “2 trong 1” tức là sởi-rubella. Nếu muốn tiêm mũi “3 trong 1” (sởi-quai bị-rubella) hoặc tiêm mũi đơn (mũi phòng quai bị) thì phải tiêm theo kênh dịch vụ; vì vậy người dân thường ngại đăng ký hoặc chủ quan với loại bệnh này. Bác sĩ Trường khuyến cáo người dân cần có kiến thức phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa hè nói chung và phòng chống bệnh do các đợt nắng nóng gây nên nói riêng. Đối với người lớn, cần bố trí công việc hợp lý khi lao động ngoài trời, mặc áo chống nắng khi tham gia giao thông, đề phòng say nắng. Đối với trẻ em, cần hạn chế vui chơi ngoài trời, để điều hòa trong phòng, trong xe ô tô ở mức từ 26-27 độ C, tránh để lạnh “sâu” dễ gây sốc. Cần có chế độ ăn uống hợp lý theo hướng tăng dinh dưỡng và bù nước đầy đủ. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh nhà cửa, thân thể để tránh các bệnh lây nhiễm.
Trước những diễn biến bất thường của bệnh viêm não cấp do vi rút ở trẻ em tại huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) khiến 7 trẻ tử vong, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo người dân khi thấy trẻ bị sốt, ho, nôn và kêu đau đầu… cần đưa đến cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời; ngay cả khi trẻ đã được tiêm phòng viêm não Nhật Bản cũng không nên chủ quan.
MINH HỒNG
Ý kiến ()