Tích cực hỗ trợ vốn cho hội viên
LSO-Thời gian qua, các cấp hội nông dân huyện Lộc Bình đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, trong đó tập trung hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, giúp nông dân phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn.
Mô hình chăn nuôi dê sinh sản của gia đình bà Vy Thị Tư, hội viên |
Đến thăm mô hình nuôi dê sinh sản của gia đình bà Vy Thị Tư, thôn Bản Khiếng, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình, chúng tôi rất vui và tự hào về thành quả của gia đình. Bà Tư cho biết: Năm 2017, gia đình tôi được vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân huyện 25 triệu đồng, tôi đã mua 5 con dê cái, 1 con dê đực về nuôi. Một năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 – 2 con, dê cái thì tôi giữ lại để đẻ, dê đực bán với 120 nghìn đồng/1 kg. Sau hơn 1 năm, hiện đàn dê của gia đình tôi đã được 36 con, giờ đây gia đình tôi đã trả hết nợ ngân hàng.
Gia đình bà Tư chỉ là một trong nhiều gia đình được vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân. Trong năm 2017, Ban Điều hành quỹ Hội Nông dân huyện đã cho vay 19 dự án (nuôi lợn nái sinh sản, dê, bò, trâu sinh sản) với 67 hộ vay, tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện Lộc Bình hiện đang nhận ủy thác vay vốn của quỹ hỗ trợ nông dân trung ương cho 1 dự án chăn nuôi lợn sinh sản tại thị trấn Lộc Bình với số vốn 400 triệu đồng, cho 14 hộ vay. Các nguồn vốn này được trao trực tiếp đến tay người nông dân, qua các quy trình xét duyệt chặt chẽ, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, hội đang xây dựng kế hoạch để vận động quỹ hỗ trợ nông dân 2018.
Bên cạnh đó, các cấp hội còn đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với tổng dư nợ hiện nay là 86 tỷ đồng, cho hơn 2 nghìn hộ vay. Từ nguồn vốn này, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo làm kinh tế giỏi, có thu nhập ổn định từ 80 đến 100 triệu đồng/năm, như các hộ: Bế Văn Thỏa, xã Bằng Khánh; Trịnh Sinh Mai, xã Ái Quốc; Vi Văn Nghé, xã Yên Khoái…
Nhằm giúp đỡ hội viên khó khăn phát triển kinh tế, trong năm 2017, Ban Chấp hành Hội Nông dân các xã: Hữu Lân, Như Khuê còn tạo điều kiện cho 7 hộ vay quỹ hội không lấy lãi, với số tiền là 7 triệu đồng để mua giống lúa, ngô phục vụ sản xuất. Số tiền tuy không lớn nhưng đã góp phần động viên nông dân nghèo vươn lên trong lao động, sản xuất.
Để hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả, các cấp hội nông dân huyện đã giúp hội viên tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Từ năm 2017 đến nay, hội đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật các loại cây trồng, vật nuôi được gần 200 cuộc với hơn 10 nghìn lượt hội viên tham gia. Với phương châm “chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao”, hội nông dân cấp cơ sở đã phối hợp với trạm khuyến nông tiếp nhận các mô hình khảo nghiệm trồng giống lúa, ngô mới. Ông Vi Văn Lực, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hữu Khánh cho biết: Năm 2017, chúng tôi đã phối hợp với Công ty giống cây trồng Lạng Sơn cấy lúa J02 (giống lúa Nhật Bản) với diện tích 8 ha. Đây là giống lúa có khả năng chịu rét, chống chịu sâu bệnh tốt, thích hợp với điều kiện thời tiết địa phương, năng suất cao trung bình 6 – 7 tấn/ha. Hơn nữa, công ty lại hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nên hội viên yên tâm sản xuất.
Ông Vy Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Bình khẳng định: Nhờ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp nên đời sống của hội viên được nâng cao, số hộ sản xuất kinh doanh giỏi trong năm 2017 đạt 222 hộ (tăng 5 hộ so với năm 2016). Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân, vận động quỹ hỗ trợ nông dân đạt chỉ tiêu tỉnh giao, khuyến khích nông dân mua máy cày, máy tuốt của Việt Nam và phối hợp dạy nghề cho nông dân… Qua đó nhằm thúc đẩy phong trào nông dân phát triển, đồng thời hưởng ứng đợt phát động thi đua chào mừng đại hội nông dân các cấp do Hội Nông dân tỉnh phát động.
DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()