Tích cực hỗ trợ du lịch Bắc Trung Bộ vượt khó
Sáng 17/11, Tổng cục Du lịch (TCDL) đã tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ nhằm hỗ trợ các tỉnh Bắc Trung Bộ quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch mới và gặp gỡ kết nối các doanh nghiệp du lịch của miền Trung với các hãng lữ hành tại Hà Nội. Đại diện các Sở VHTT&DL của 6 tỉnh chịu thiệt hại do sự kiện môi trường và hơn 100 doanh nghiệp đã tham dự.
Tại hội nghị, 6 tỉnh gồm: Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và các công ty lữ hành tại các địa phương đã giới thiệu tiềm năng, quảng bá điểm đến, sản phẩm, liên kết chuỗi điểm đến và các sản phẩm du lịch của địa phương mình.
Tổng Cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn cho biết, sự cố môi trường biển vừa qua là sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế miền Trung nói chung và Bắc Trung Bộ nói riêng. Trong đó, ngành du lịch bị tác động và ảnh hưởng rất lớn, lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp du lịch đứng trước tình trạng điêu đứng, gây ra những tổn thất trực tiếp và gián tiếp. “Hệ quả của sự cố này không thể bù đắp trong một sớm một chiều”, ông Tuấn khẳng định.
Theo thống kê sơ bộ của TCDL, sự cố gây thiệt hại trực tiếp tới ngành du lịch các tỉnh Bắc miền Trung khoảng 2.000 tỉ đồng, tuy nhiên những thiệt hại, ảnh hưởng gián tiếp, lâu dài chưa thể tính đếm được.
“Ngay khi xảy ra sự cố môi trường biển, chúng tôi đã tham mưu cho Bộ VHTT&DL về các giải pháp giúp các địa phương Bắc Trung Bộ, đồng thời đã tổ chức các hoạt động trực tiếp đến miền Trung đánh giá thiệt hại, đề xuất các giải pháp để ứng phó, phục hồi và hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung”, ông Tuấn cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuấn, TCDL sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương triển khai hoạt động trung hạn, dài hạn hỗ trợ cho du lịch miền Trung. TCDL cũng đã báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho phép điều chỉnh kinh phí từ nguồn Chương trình Hành động quốc gia về du lịch và các nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho các tỉnh Bắc Trung Bộ tổ chức các hoạt động nhằm kích cầu du lịch nội địa, giới thiệu sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch thay thế, bổ sung cho du lịch biển nhằm tăng cường thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến các địa phương trong thời gian tới.
Chương trình dự kiến triển khai từ tháng 11-12/2016. Cụ thể, sau khi tổ chức hội thảo tại Hà Nội, TCDL sẽ tổ chức Hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Bắc Trung Bộ tại TPHCM vào ngày 18/11. Sau đó, sẽ tổ chức 2 đoàn khảo sát dành cho các hãng lữ hành, các cơ quan truyền thông, báo chí đến các tỉnh Bắc Trung Bộ để khảo sát “tour', tuyến, điểm mới.
“Mục tiêu của các hoạt động này trước hết là kích cầu thị trường nội địa để nhanh chóng khôi phục lượng khách đến miền Trung, sau đó sẽ kích cầu đến các thị trường quốc tế”, ông Tuấn cho biết.
Cũng trong cuối tháng 11, Tổng cục sẽ tổ chức các sự kiện phát động tại 2 địa phương của Thái Lan: Thủ đô Bangkok và tỉnh Udon Thani – hai địa phương có thể kết nối, liên kết với các tỉnh miền Trung của Việt Nam.
Về giải pháp lâu dài, ông Tuấn cho hay, TCDL sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề du lịch, khách sạn cho nhân lực khu vực miền Trung, đồng thời giao cho Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam nghiên cứu hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù cho các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Dự án EU, các doanh nghiệp lữ hành và cơ quan truyền thông đã đóng góp ý kiến về giải pháp giúp vực dậy du lịch miền Trung.
Hội thảo này có ý nghĩa thiết thực, là diễn đàn để công bố chiến dịch kích cầu du lịch miền Trung, đồng thời tạo diễn đàn để các doanh nghiệp, địa phương quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển, từ đó vực dậy du lịch miền Trung.
Ông Tuấn cũng khẳng định, đây chỉ là sự kiện có tính chất khởi đầu nhằm tạo sức lan tỏa trong toàn ngành và dư luận để kêu gọi du khách ủng hộ, chia sẻ với du lịch miền Trung. Sau Hội thảo này, để thực sự bắt tay vào hỗ trợ du lịch 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, mỗi doanh nghiệp cần khảo sát và xây dựng những gói sản phẩm du lịch riêng của mình để chào bán đến khách hàng. Ông Tuấn cũng kêu gọi các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông và các đối tác có liên quan ủng hộ, đồng hành cùng ngành du lịch Bắc Trung Bộ trong thời gian tới.
Thời gian qua, để thể hiện sự ủng hộ, hỗ trợ du lịch miền Trung, các doanh nghiệp du lịch Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động cụ thể như: Quảng bá giới thiệu các sản phẩm du lịch miền Trung, tổ chức khảo sát điểm đến, thu hút và đưa khách đến miền Trung. Trước những khó khăn của du lịch biển, đa số các doanh nghiệp đều chuyển hướng thị trường sản phẩm và đối tượng khách để thích nghi với điều kiện mới của địa phương.
Ý kiến ()