Tích cực đẩy lùi bệnh học đường
Trường tiểu học và THCS Đoàn Thị Điểm (TP Hạ Long, Quảng Ninh) đầu tư sửa sang khu công trình phụ khang trang, sạch đẹp, góp phần phòng ngừa các bệnh học đường. |
Tật cận thị là một trong những căn bệnh đã được báo động nhiều năm nay nhưng vẫn có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt ở lứa tuổi học đường. Theo điều tra của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường tiến hành trên hơn 5.500 học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở bốn tỉnh thành phố là Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Lai Châu, cho thấy tỷ lệ cận thị ở học sinh tiểu học là 5,52%, trung học cơ sở 14,83%. Tỷ lệ cận thị ở học sinh khu vực nội thành cao hơn so với ngoại thành.
Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu thì cận thị không chỉ ảnh hưởng xấu đến hiệu quả học tập mà còn cản trở sự phát triển của học sinh. Nguyên nhân được đưa ra là do cường độ học tập quá nhiều, quá căng thẳng; phân bố thời gian học chưa hợp lý, kích thước bàn ghế không đúng tiêu chuẩn; tư thế ngồi học sai, đặc biệt là ánh sáng trong phòng học không bảo đảm… dẫn đến các bệnh về mắt ngày càng tăng. Hiện mới có 60% số phòng học được kiểm tra đạt yêu cầu về hệ thống thông gió và chiếu sáng. Nhiều trường học hiện vẫn song song tồn tại vài, ba kiểu bàn ghế, từ kiểu cũ như bốn chỗ ngồi với ghế băng dài, bàn liền ghế hai chỗ ngồi, đến bàn hai chỗ ghế rời. Kích thước bàn ghế không phù hợp với chiều cao của học sinh, cách kê bàn ghế không phù hợp, tư thế ngồi không đúng… khiến các bệnh về cột sống và mắt càng gia tăng. Theo kết quả nghiên cứu về tình hình cong, vẹo cột sống và các yếu tố nguy cơ ở học sinh thì tỷ lệ chung bị cong, vẹo cột sống của học sinh cho thấy tỷ lệ mắc bệnh này cao nhất là trung học cơ sở chiếm 22,2%; trung học phổ thông là 18,8% và tiểu học là 17,2%.
Hệ quả của căn bệnh này sẽ gây lệch trọng tâm cơ thể, khiến học sinh ngồi học không được ngay ngắn, gây cản trở cho việc đọc, viết và làm căng thẳng thị giác, cản trở cho việc tập trung trí não. Cong, vẹo cột sống còn ảnh hưởng đến hoạt động của tim, phổi, ảnh hưởng đến sự phát triển của khung chậu, do đó ảnh hưởng đến việc sinh nở của học sinh nữ khi đến tuổi làm mẹ sau này.
Bệnh răng – miệng cũng khá phổ biến ở lứa tuổi học đường. Theo kết quả khảo sát của Viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước, có gần 85% số trẻ em ở độ tuổi lên sáu mắc bệnh sâu răng và 71,7% mắc bệnh quanh răng. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh cao là do các em học sinh chưa biết cách vệ sinh răng – miệng đúng; công tác tuyên truyền, hướng dẫn về vệ sinh và phòng, chống các bệnh răng – miệng cho học sinh, phụ huynh và giáo viên chưa được thường xuyên…
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ em tiểu học nhiễm giun đũa và giun tóc chiếm cao nhất trên cả nước (có nơi nhiễm hơn 95%). Gánh nặng của nhiễm giun sán là rất lớn. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp nhiễm giun sán là bệnh có gánh nặng bệnh tật đứng thứ hai sau bệnh sốt rét do bệnh có tỷ lệ nhiễm cao. Ở trẻ em, nhiễm giun sán trở thành một cản trở lớn cho sự phát triển cả về thể lực và trí lực của học sinh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm giun sán là do ăn uống và sinh hoạt không hợp vệ sinh.
Hiện nay nhiều chiến dịch tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh học đường được tổ chức trên khắp cả nước. Bên cạnh đó kết hợp giữa ngành y tế và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh và cả cho các bậc phụ huynh nhằm biết cách tự chăm sóc và bảo vệ con em trước nguy cơ bệnh học đường cũng được triển khai. Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa thì cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Ý kiến ()